Khoảng thời gian từ 6-12 tháng tuổi là lúc bé phát triển cực kỳ nhanh. Bé dần hiểu được nghĩa của từ dù chưa thể phát âm một cách rõ ràng. Bạn có thể bắt đầu với con bằng những từ đơn giản, gần gũi nhất. Ví dụ như đưa cho con cái ca và nói: “Ca! Ca đây Cún ơi! Đây là ca của Cún nè!”. Kiên trì nói, lặp đi lặp lại nhiều lần những từ đơn giản. Bé sẽ dần hiểu nghĩa của từ và bắt đầu in vào đầu những từ bạn nói. Mỗi một tháng là một cột mốc đánh dấu sự phát triển ngôn ngữ của con. Bạn cần theo sát trẻ trong giai đoạn quan trọng này.
Dạy trẻ những âm thanh đầu tiên
1. Khoảng 7 tháng tuổi trở lên, bé yêu có vài hành động ngộ nghĩnh như cầm cuốn truyện “giả bộ đọc” hoặc giả bộ nói chuyện với búp bê. Chẳng có âm thanh rõ ràng nào cả. Nhưng đó thật sự là bước tiến của bé đấy.
Ở tuổi này, con đã biết cách ọ ẹ kêu bạn bằng những cách khác nhau để bạn chú ý tới bé. Con cũng dần dần tạo ra được các thanh âm hài hòa, không phải lúc nào cũng “chói tai” nữa mà biết lúc thấp lúc cao. Bé cũng thích ngậm đồ chơi, mút tay, thích sử dụng môi, miệng, lưỡi của mình theo những cách khác nhau.
2. Khoảng 8-9 tháng, bạn có thể thử “luyện” cho con bằng cách cho bé xem những bức hình con vật khác nhau, mỗi con vật, khi chỉ tay vào hình bạn giả bộ tiếng kêu của con vật đó. Chỉ một thời gian thôi, khi bạn giả vờ “meo meo”, bé đã có thể chỉ đúng vào bức hình con mèo. Điều đó cũng tương tự khi bạn kêu “gâu gâu”.
Bạn có nhận thấy bé nỗ lực tạo nên những nhịp điệu, ngữ điệu trong mỗi tiếng ê a. Cảm giác giống như bé đang hát một câu hát hay nói một câu nói mà không thốt ra được thành tiếng. Khi bạn nói: “Bái bai đi con!”, bé đã biết vung vẩy bàn tay bé xíu xiu thực hiện theo.
3. Khoảng 10 tháng tuổi, con hiểu chính xác nghĩa của một số từ. Một số bé nhanh biết nói đã có thể bập bẹ những tiếng đầu tiên. Tuy nhiên, bạn không cần sốt ruột nếu con vẫn chỉ mới ê a. Với bé lúc này, hiểu nghĩa từ quan trọng hơn là nói. Bạn đã có thể tăng cường nói những câu trọn vẹn với con, thay vì chỉ lặp đi lặp lại những từ. Ví dụ như khi bé đón ba về, hãy bảo con: “A, ba về rồi! Ba của Na về rồi nè! Ba ơi, ba ẵm Na đi”.
Các loại sách ảnh là thứ tuyệt vời cho bé lúc này. Bạn cũng nên đặt ra cho con nhiều câu hỏi để bé có thể “trả lời” bằng cách gật đầu hay lắc đầu. Ví dụ như: “Con ăn bánh không?”, “Con chơi nữa không?”. Bạn nên làm mẫu trước cho con. Sau một thời gian, bạn nhận ra bé có thể thực hiện đúng động tác gật hay lắc đầu để “trả lời” bạn.
Bạn có thể kể cho con nghe vài câu chuyện ngắn, vừa kể vừa thực hiện các điệu bộ, động tác khác nhau. Bé quan sát bạn rất chăm chú? Dấu hiệu tốt đấy!
4. Khoảng tròn 12 tháng, thiên thần bé bỏng của bạn đã có thể hiểu gần như chính xác những câu bạn nói như: “Về thôi!”, “Lấy cho mẹ cái khăn”, “Đứng dậy nào!” và có xu hướng làm theo đúng.
Dấu hiệu nào cho thấy bé chậm phát triển ngôn ngữ?
Cần phải nhấn mạnh với bạn một điều rằng tất cả các cột mốc được nhắc đến trong bài đều mang tính tương đối chứ không “tuyệt đối”. Sự phát triển của trẻ em rất khác nhau. Có bé vượt trội ở giai đoạn này, kỹ năng này, cũng có bé lại vượt trội ở giai đoạn khác, kỹ năng khác. Do đó, bạn cũng không nhất thiết phải quá lo lắng nếu phát hiện ra rằng thiên thần bé bỏng của mình không hoàn toàn giống với các dấu hiệu, cột mốc mà bác sĩ đã miêu tả.
Tuy nhiên, sẽ là quan trọng và cần thiết để quan sát và thấy được những “bất thường” thật sự trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con, nhằm tìm hướng điều trị càng sớm càng tốt. Bạn cần lưu ý những dấu hiệu sau đây:
1. Từ lúc sơ sinh cho đến 6 tháng tuổi, bé hoàn toàn thờ ơ với âm thanh; bé không chú ý nhìn vào mặt bạn; không nỗ lực phát ra bất kỳ tiếng ọ ẹ nào trong khi bạn trò chuyện không ngừng với con.
2. Khoảng 9-10 tháng tuổi, nếu bé nghe một bài hát thiếu nhi mà hoàn toàn không có những biểu hiện thích thú như vẫy tay, nhún người lắc lư theo thì cần quan tâm đến bé ngay, vì đó có thể là biểu hiện của khiếm thính (bé không nghe được hoặc không nghe rõ). Nếu bé được 12 tháng tuổi mà không thích “giao tiếp” với người khác bằng ngôn ngữ, không nhìn vào mặt người khác, không đáp ứng lại các câu hỏi của bạn bằng cách gật đầu, lắc đầu, v.v. cũng nên đặt vấn đề với bác sĩ ngay.
3. Từ 12 tháng tuổi trở đi, có thể con bạn chưa nói được nhưng chắc chắn bé đã biết quay lại khi nghe bạn gọi tên, biết sử dụng những cử chỉ mà mẹ yêu cầu như: vẫy tay để tạm biệt, khoanh tay lại để “ạ” theo yêu cầu bố mẹ, “làm xấu” bằng cách chun mũi khi bố mẹ bảo, v.v.. Sự chậm phát triển ngôn ngữ, không thích giao tiếp rất có thể là dấu hiệu của chứng tự kỷ. Nếu phát hiện hội chứng này sớm, bạn có khả năng giúp bé khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân chính của việc chậm phát triển ngôn ngữ thường là:
Bố mẹ quá bận rộn, người chăm sóc bé quá… kiệm lời, chẳng ai nói chuyện và tập cho bé nói; bé có vấn đề bệnh lý về thính giác, khi không nghe được đầy đủ sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ; bé có các vấn đề về khả năng vận động miệng như việc sử dụng lưỡi, răng, hàm, v.v. để tạo ra âm thanh.
Khi tìm hiểu được nguyên nhân, bác sĩ sẽ nỗ lực tìm cách khắc phục cho bé. Vai trò của mẹ trong giai đoạn đó cũng rất quan trọng. Mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con (thậm chí nếu cần thiết, hãy thay đổi việc làm), tích cực hát, đọc thơ, trò chuyện, khuyến khích con bắt chước âm thanh. Tập cho bé gọi tên các đồ vật trong nhà, khuyến khích con “trả lời”. Bằng cách đó, sau một thời gian, hy vọng bé yêu của bạn có thể theo kịp bạn bè, để có thể bập bẹ thốt lên những tiếng đầu đời như mẹ hằng mong ước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoa