Mỗi một thiên thần nhỏ ra đời đều là niềm hạnh phúc kỳ diệu của bố mẹ. Tuy nhiên, chuyện nuôi con nhất là vào mùa đông chính là nỗi ám ảnh của không ít các ông bố, bà mẹ khi thời tiết trở lạnh mang đến không ít những thách thức và rắc rối. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con điểm danh những khó khăn cho các mẹ bỉm sữa cũng như cách nuôi con nhỏ trong mùa đông để con luôn khỏe mạnh, bạn nhé!
Nỗi khổ nuôi con vào mùa đông
Mùa đông là lúc nền nhiệt độ giảm xuống, thời tiết trở nên rét buốt. Viễn cảnh tốt đẹp mà chúng ta nghĩ đến chính là có thể ôm con nằm chăn ấm áp suốt ngày. Tuy nhiên, sự thật chẳng như những gì chúng ta đã tưởng tượng. Đối với một bà mẹ bỉm sữa, việc chăm sóc trẻ vào những ngày này quả thực có rất nhiều áp lực.
Con dễ ốm
Thời tiết lạnh cùng độ ẩm thấp vào mùa đông là điều kiện tốt để virus cúm dễ dàng “hoành hành” và lây lan. Đặc biệt với hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện của trẻ thì càng dễ bị nhiễm bệnh về phổi, cảm cúm, cảm lạnh nếu không giữ ấm cơ thể đúng cách. Chỉ có những bà mẹ bỉm sữa mới hiểu được cảm giác lo lắng, căng thẳng mỗi khi con bị ốm, thậm chí còn lo sợ hơn cả khi bản thân bị bệnh nữa.
Biết cách nuôi con nhỏ vào mùa đông nhưng không biết mặc quần áo sao cho đủ ấm?
Mặc dù trời lạnh nhưng nếu mặc cho bé quá nhiều áo cũng sẽ khiến con bị nóng, ra mồ hôi và bị nhiễm lạnh ngược vào cơ thể. Do đó, mặc quần áo bao nhiêu là đủ ấm đối với trẻ nhỏ cũng là một câu hỏi khó đối với các bà mẹ. Chưa kể nhiệt độ cơ thể của trẻ nhỏ và người lớn lại khác nhau, vậy nên sẽ luôn có rất nhiều phân vân khi lựa đồ kiểu: có cần thêm mũ hay một chiếc áo khác nữa không? thêm mũ lên liệu có nóng quá không?… Những đứa trẻ mới đây còn trong bụng mẹ ấm áp, vậy mà nay đã phải tiếp xúc với thời tiết lạnh giá bên ngoài. Chính suy nghĩ phải bảo vệ bé này đã trở thành áp lực vô hình lên người mẹ.
Cho con bú vào ban đêm lạnh giá thật sự ám ảnh
Việc cho con bú vào ban đêm quả thực là một nỗi ám ảnh với người mẹ, đặc biệt vào mùa đông. Bạn không thể trùm chiếc chăn dày cộp qua ngực khi bé bú bởi vì sẽ làm bé bị ngạt, khó thở. Vậy nên, việc tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh khi cho con bú vào ban đêm chính là điều đáng sợ, nghe thôi đã thấy rùng mình đối với mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, điều may mắn là những đứa trẻ sẽ mang tới hơi ấm cho bạn những lúc này. Cách nuôi con nhỏ mà mẹ có thể “bỏ túi” chính là ôm bé trong lòng khi bú để giữ ấm cho cả hai mẹ con bởi thân nhiệt từ cả hai sẽ sưởi ấm cho nhau. Ngoài ra, nếu mẹ chịu lạnh kém hoặc bé bị nhiễm lạnh dẫn tới tình trạng bỏ bú hoặc bú ít thì bố mẹ nên sử dụng máy sưởi điện trong nhà để giúp giữ ẩm cho cả hai mẹ con.
Khó ra khỏi nhà
Đưa con ra ngoài chơi là một cách để trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khám phá những điều mới lạ. Tuy nhiên, vào mùa đông thì mọi việc dường như khó khăn hơn rất nhiều. Việc đưa con ra ngoài chơi, ngắm phố phường và đi dạo cũng là điều khá khó khăn. Thời tiết lạnh giá về sáng và tối không phải là điều kiện thích hợp để vui chơi. Còn buổi trưa thì tùy vào nhiệt độ, thời tiết nắng hay mưa mới có thể cùng con ra ngoài. So với các mùa khác thì việc ra ngoài vào mùa đông cũng cần đắn đo rất nhiều và dựa vào thời tiết từng ngày để xem xét việc bước ra ngoài và tận hưởng không khí trong lành.
Khó có cơ hội giao tiếp với các bà mẹ khác
Những cuộc giao lưu giữa các bà mẹ chính là lúc bạn “thu thập” cách nuôi con nhỏ bổ ích, hiệu quả. Hơn nữa, những chuyến dã ngoại, picnic cùng những gia đình khác vào những ngày đẹp trời và thời tiết mát mẻ không chỉ là phút giây thư giãn đối với người lớn mà những đứa trẻ cũng có thể thoải mái nô đùa, “thoát” khỏi màn hình điện thoại, tivi. Tuy nhiên, những ngày nhiệt độ giảm sâu, để bảo vệ sức khỏe cho những thiên thần của mình, hầu hết các mẹ đều lựa chọn hạn chế ra ngoài. Nếu muốn thay đổi không khí thì có thể hẹn mọi người tới quán cà phê hoặc những nơi ấm áp.
Những thói quen sai lầm khi nuôi trẻ vào mùa đông
Cho con ăn đồ thật nóng
Ăn đồ nóng trong thời tiết lạnh giá là niềm hạnh phúc, cực kỳ ấm lòng và tốt cho sức khỏe. Đặc biệt vào những ngày này, đồ ăn rất nhanh nguội nên bố mẹ thường thích nấu cháo, canh cho con khi còn nóng hổi. Nhưng thường xuyên ăn thức ăn có nhiệt độ cao sẽ gây tổn thương đường ruột và dạ dày của trẻ. So với người lớn, thực quản của trẻ mỏng manh và dễ tổn thương hơn do đó những món ăn trên 65 độ đều là những thực phẩm nguy hiểm và gây hại tới thực quản của trẻ. Theo các chuyên gia, nhiệt độ mà thực quản của trẻ có thể chịu được sẽ là khoảng 40-50 độ. Chính vì thế, bố mẹ nên kiểm soát độ nóng của những món canh, cháo, súp trước khi cho con ăn.
Cho trẻ mặc quá nhiều quần áo ấm
Cho trẻ mặc quá nhiều quần áo ấm có phải một cách nuôi con nhỏ đúng đắn khi tiết trời chuyển lạnh như hiện nay? Bố mẹ nghĩ rằng, con còn nhỏ mỏng manh, dễ bị cảm khi trời lạnh nên thường nhồi nhét nhiều quần áo ấm, thậm chí còn nhiều lớp hơn cả người lớn. Trên thực tế, mặc quá nhiều quần áo cũng không hề tốt như bố mẹ tưởng. Trẻ nhỏ rất ưa vận động và dễ đổ mồ hôi kể cả khi trời đang rất lạnh. Việc mặc nhiều quần áo khiến người lớn khó phát hiện dấu hiệu con đổ mồ hôi để lau và thay đồ kịp thời. Điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh và cảm lạnh. Hơn thế nữa, nếu mặc quá nhiều lớp cũng khiến việc đi đứng và cử động trở nên khó khăn hơn, bé có thể dễ dàng bị ngã khi chơi đùa.
Giữ bé ru rú ở trong nhà
Đối với người lớn, thời tiết lạnh giá được ở nhà đắp chăn ấm áp, lười biếng trên chiếc giường và giải trí là một niềm hạnh phúc. Nhưng đối với trẻ nhỏ, nếu ở trong nhà đóng kín cửa thường xuyên trong thời gian dài thì không khí sẽ lưu thông kém, gây thiếu oxy lên não và ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não. Bên cạnh đó, không cho trẻ ra ngoài vận động sẽ làm trẻ đối mặt với nguy cơ thiếu vitamin D. Khi tìm hiểu các cách nuôi con nhỏ, có lẽ bạn cũng đã biết Vitamin D rất cần thiết cho sự tăng trưởng, thúc đẩy sự hấp thu và tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhỏ. Vitamin D được tổng hợp dưới ánh nắng mặt trời nên nếu trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bên ngoài có thể chậm phát triển hơn các bé khác cùng tuổi.
Sử dụng máy tạo độ ẩm trong thời gian dài
Thời tiết mùa đông thường lạnh và khô nên nhiều gia đình có con nhỏ sẽ kết hợp máy sưởi làm ấm nhà cùng máy phun độ ẩm để cân bằng độ ẩm trong căn phòng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng máy tạo độ ẩm đúng cách có thể làm ảnh hưởng tới đường hô hấp của trẻ, dễ khiến bé bị dị ứng hô hấp. Bố mẹ nên cân nhắc việc bật máy tạo ẩm 24/24 mà thay vào đó chia theo khoảng thời gian trong ngày nhé!
Đắp cho trẻ nhiều lớp chăn vào ban đêm
Một sai lầm trong cách nuôi con nhỏ khi trời vào đông mà nhiều ông bố, bà mẹ mắc phải chính là đắp quá nhiều chăn cho trẻ. Về ban đêm thì trời càng lạnh hơn, nhiều bé có thói quen ngủ đạp chăn nên bố mẹ sẽ thường mặc nhiều quần áo hơn và đắp thêm chăn cho con. Thực tế trẻ nhỏ rất dễ đổ mồ hôi vào ban đêm khi ngủ do quá trình trao đổi chất của trẻ diễn ra nhanh hơn người lớn, da mỏng manh hơn và các mạch máu phân bố dày đặc hơn. Đắp quá nhiều chăn hay chăn quá dày, mặc quá nhiều áo cho trẻ khi ngủ sẽ khiến bé dễ đổ mồ hôi và bí bách. Bố mẹ ngủ say không phát hiện kịp sẽ khiến con bị cảm lạnh. Tốt nhất là nên sắm chăn riêng cho trẻ nhỏ vì chăn của bố mẹ thường dày hơn và mặc đồ ngủ mỏng dài tay, đi tất cho con trước khi ngủ.
Nuôi con vào mùa đông không dễ dàng một tí nào cả. Thậm chí, đây còn là nỗi ám ảnh với không ít các ông bố, bà mẹ khi con cứ liên tục ốm, bệnh vặt. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng bạn nhé! Hãy thử áp dụng những chia sẻ của Tạp chí Mẹ và Con để mùa đông không còn là điều đáng sợ đối với mẹ và bé như trước!