Mẹ bầu thường xuyên than phiền về những giấc mơ kỳ lạ, hàng đêm đều ngủ không ngon giấc, dễ bị giật mình giữa đêm. Vì sao mẹ bầu hay nằm mơ và làm thế nào để có được một giấc ngủ sâu hơn? Đừng bỏ qua những gợi ý sau đây từ Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Lý giải lý do mẹ bầu hay ngủ mơ
Nằm mơ là một hiện tượng bình thường của con người. Tuy nhiên với các mẹ bầu, tình trạng này lại lặp lại quá nhiều. Để lý giải cho tình trạng này, có thể nói đến việc trong quá trình mang thai, cơ thể đã phải trải qua nhiều sự thay đổi nội tiết tố, cộng thêm nhiều lo âu làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu. Cụ thể hơn, bầu sẽ thường xuyên gặp nhiều giấc mơ kỳ lạ mà trước đây chưa từng hoặc rất ít khi xảy ra.
Trong cơ thể có một loại hormone tên là cortisol, chúng có tác động rất mạnh mẽ đến cơ chế giấc mơ của con người. Trong giai đoạn mang thai, cortisol sẽ tăng dần theo từng chu kỳ mang thai, đạt đến đỉnh điểm khi chuyển dạ. Vì thế, tình trạng phụ nữ mang thai bị nâng tần suất nằm mơ vào ban đêm nhiều hơn người bình thường.
Đặc biệt hơn, khi nằm mơ, các mẹ có thể gặp được nhiều giấc mơ khác nhau, có tốt có xấu. Nếu gặp nhiều giấc mơ xấu, bạn sẽ bị gia tăng sự lo lắng, bất an, tinh thần không ổn định. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng những giấc mơ chỉ là một trong những sự chuẩn bị tâm lý của cơ thể trong quá trình đón em bé chào đời thôi. Những tưởng tượng và ám ảnh của mẹ vào ban ngày sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn, vì thế nó sẽ dễ đi vào giấc ngủ.
Đồng thời, phụ nữ khi mang thai cũng hay gặp nhiều vấn đề liên quan đến giấc ngủ khác như giật mình, thường xuyên bị thức dậy nửa đêm, không có giấc ngủ sâu, thiếu ngủ trầm trọng… Những điều này sẽ khiến giấc ngủ trở nên chập chờn, kích thích thần kinh sản sinh ra nhiều giấc mơ tiêu cực. Bên cạnh đó, nếu như giấc ngủ ban đêm khiến bạn không thoải mái, ban ngày bạn sẽ có nhiều dấu hiệu mệt mỏi, thiếu sức sống và thèm ngủ. Điều này dẫn đến một vòng tuần hoàn, việc ngủ ngày quá nhiều sẽ làm giấc ngủ không sâu, dễ khiến mẹ bầu bị nằm mơ.
Những đặc điểm của giấc mơ trong giai đoạn mang thai
Như đã nói, tần suất mơ của bạn sẽ tăng dần theo số tuổi thai của em bé, đặc biệt là sẽ dày hơn trong giai đoạn cuối thai kỳ. Cơ thể sẽ càng lúc càng nặng nề khiến mẹ bầu mất ngủ, khó ngủ, không có giấc ngủ sâu được. Đặc biệt hơn, những giấc mơ trong giai đoạn mang thai thường có những nội dung vô cùng vô lý, đôi khi là một cơn ác mộng khiến bạn bị ám ảnh, lo lắng và bồn chồn.
Nếu như mẹ bầu có thể quên sạch những cơn ác mộng này sau khi thức dậy thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên mỗi lần nhớ lại, bầu sẽ cảm thấy căng thẳng, lo âu kéo dài. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cả mẹ và bé. Vì thế, phụ nữ mang thai nên tìm giải pháp để kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực từ bản thân, luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ để tránh xa những cơn ác mộng thường xuyên.
Mẹo giúp mẹ bầu có giấc ngủ sâu hơn
Chính những giấc mơ khi mang thai sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nếu không tìm được cách khắc phục, không có giấc ngủ sâu một khoảng thời gian dài sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, không có năng lượng để hoạt động. Một số mẹo sau đây sẽ giúp bạn có thể ngủ ngon và sâu hơn, cùng tham khảo nhé:
Chú ý đến tư thế ngủ
Tư thế ngủ tốt và an toàn nhất cho mẹ bầu được nhiều chuyên gia khuyến khích đó là nằm nghiêng sang trái. Tuy nhiên, việc giữ tư thế này cả đêm có thể gây mỏi và khó chịu, nên bạn có thể điều chỉnh và thay đổi một chút. Bên cạnh đó, nên ổn định vị trí ngủ sao cho thoải mái nhất. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện giấc ngủ cực kỳ hiệu quả.
Suy nghĩ tích cực
Những suy nghĩ tiêu cực hàng ngày sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến những giấc mơ mà bạn thường thấy mỗi đêm. Vì thế, mẹ bầu nên suy nghĩ nhiều điều tích cực, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực sẽ tránh được những cơn ác mộng đáng ghét vào ban đêm. Giữ cho mình một tinh thần sảng khoái, vui vẻ sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Nếu quá khó để làm mình tránh xa những cảm xúc tiêu cực, bạn có thể lựa chọn “bù” bằng các hoạt động tích cực như xem nhiều sách, phim ảnh hài hước, nói chuyện với những người hài hước. Khi đã thử nhiều cách nhưng vẫn không đưa bản thân trở về trạng thái ổn định, mức độ căng thẳng vẫn giữ nguyên hoặc có dấu hiệu tăng cao, bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ. Bạn nên nhớ, nếu giữ nhiều cảm xúc không tốt khi mang thai dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần của cả mẹ bầu và con.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm những khóa học rèn luyện cơ thể dành cho mẹ bầu hoặc một vài động tác đơn giản tại nhà. Thực hiện chúng vào mỗi buổi tối trước khi ngủ sẽ giúp bạn dễ thư giãn tinh thần và ổn định cảm xúc nhiều hơn.
Tránh xem những hình ảnh gây kích thích
Khi mang thai, bạn nên tránh xem hoặc đọc những bài báo, hình ảnh mang tính chất tiêu cực. Ví dụ như những bài báo có thông tin tiêu cực, phim kinh dị hoặc bài nhạc buồn ảm đạm… Thói quen này sẽ dễ gây ám ảnh, ảnh hưởng tâm trạng và dẫn đến những cơn ác mộng về đêm.
Thay vào đó, bạn hãy tìm đến những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương hoặc một bộ phim hài hước, ý nghĩa sẽ tốt hơn cho mẹ và bé. Đặc biệt, cùng bé nghe những loại nhạc thai giáo cũng giúp bé yêu kích thích trí thông minh từ trong bụng mẹ đấy, đừng bỏ qua nhé.
Chú ý nhiều hơn với sức khỏe
Các loại bệnh vặt lúc mang thai sẽ khiến chị em gặp nhiều lo lắng và căng thẳng. Cho nên, bạn cần chú ý quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn, giữ gìn vệ sinh cá nhân và không gian sống sạch sẽ để luôn khỏe mạnh trong giai đoạn mang thai.
Đồng thời, bạn cũng nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, khoa học. Dành ra nhiều thời gian để nghỉ ngơi đầy đủ và vận động thể chất phù hợp. Những điều này không những giúp bạn có giấc ngủ sâu, tránh ác mộng, thức giấc nửa đêm, mà còn hỗ trợ rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và con.
Ngủ đủ giấc
Theo như những lời khuyên từ các chuyên gia, phụ nữ trong quá trình mang thai nên ngủ ít nhất 7 – 8 tiếng mỗi đêm. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể không bị mệt mỏi, tránh gặp căng thẳng. Nhờ vậy, suy nghĩ cũng sẽ tích cực hơn, giấc ngủ sâu hơn.
Do đó, để sắp xếp được thời gian ngủ đầy đủ, bạn nên tránh xa những thiết bị điện tử như điện thoại, TV, máy tính trước khi ngủ khoảng 45 phút. Điều này sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn, tránh đọc hoặc xem phải những thứ tiêu cực bất ngờ xuất hiện trong lúc bạn đang sử dụng smartphone.
Không ăn khuya
Mẹ bầu là một trong những đối tượng thường xuyên xuất hiện cảm giác thèm ăn khuya. Tuy nhiên, đừng quá “nuông chiều” bản thân trong lúc này, bạn nhé. Nếu cảm thấy đói, bạn có thể ăn nhẹ trước khi đánh răng và ngủ. Ăn khuya sẽ dẫn đến cơ thể không thể tiêu hóa thức ăn kịp, dễ gây nên chứng ợ nóng, buồn nôn hoặc gặp những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa khác. Những vấn đề này sẽ dễ khiến mẹ bầu cảm thấy khó ngủ, gặp nhiều ác mộng, không có giấc ngủ sâu, nhất là khi ăn thức ăn lành mạnh như đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
Suy nghĩ thực tế
Hãy luôn trấn an bản thân rằng, giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ, không có gì gọi là chắc chắn cả. Vì vậy, bạn không cần gì quá lo lắng hoặc căng thẳng mỗi khi “chợt” nghĩ về nó. Tuy nhiên, nếu như thường xuyên mơ phải một giấc mơ liên tục, bạn hãy đến gặp bác sĩ để có được lời khuyên phù hợp. Tốt hơn, bạn hãy suy nghĩ thêm về phía tích cực, ví dụ như người xưa thường quan niệm rằng những giấc mơ thường ngược lại với thực tế. Đồng thời, hãy trấn an mình là những giấc mộng xấu của bạn cũng giống như nhiều mẹ bầu khác đã gặp phải trong thời gian mang thai và mọi thứ rồi sẽ đều bình an, tốt đẹp.
Thiền và thư giãn
Thiền là một trong những cách hiệu quả nhất có thể hỗ trợ mẹ bầu có thể thư giãn và đạt được giấc ngủ sâu hơn. Vì thế, hãy dành ra một vài phút trong ngày để thiền. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại được cảm giác ổn định, bình tĩnh hơn rất nhiều.
Ngoài thiền ra, bạn cũng có thể chọn những cách khác để tinh thần được thư giãn như nghe nhạc, yoga, đọc sách… Đơn giản hơn, bạn có thể tán gẫu, đi chơi cùng người thân, bạn bè sau một ngày làm việc bận rộn. Tuy nhiên, Tạp chí Mẹ và Con nhắc bạn hãy chọn những đối tượng có thể lan tỏa những năng lượng tích cực nhé. Nếu cảm xúc tiêu cực cứ bám lấy bạn, hãy chia sẻ chúng với ông xã, người thân, bạn bè để cảm thấy dễ chịu hơn.
Những mẹ bầu hay nằm mơ nên kết hợp nhiều lời khuyên phía trên vào những hoạt động hàng ngày của mình để có được một giấc ngủ sâu hơn vào ban đêm. Giấc ngủ của bạn đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn cùng con yêu. Vì thế, dù giấc mơ có xấu đi nữa, hãy nhanh chóng gạt sang một bên, vì nó không có thực, bạn không nên lo lắng quá nhiều. Mẹ và Con chúc mẹ áp dụng thành công, có được một giấc ngủ ngon mỗi đêm nhé!