Mẹ và Con - Chúc Tết là một phong tục, một nét văn hóa lâu đời ở nước ta. Chúc Tết nhằm gửi đến những lời may mắn, bình an cho gia đình, người thân, bạn bè,... khi bước sang một năm mới.

Chúc Tết đầu năm là một tập tục đẹp của người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung từ bao đời nay. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại nô nức chúc nhau những điều tốt đẹp để cầu chúc năm mới vạn sự như ý. Nhưng tại sao lại có phong tục này? Hãy cùng Tạp chí Mẹ&Con tìm hiểu nhé!

Chúc tết

Vì sao cần đi chúc Tết vào những ngày đầu năm?

Mùng 1 Tết là thời điểm khởi phát quan trọng của năm nên ai cũng có nhiều mong ước và hy vọng của riêng mình. Hy vọng cuộc sống trong năm mới sẽ tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, an bình, no ấm, hạnh phúc và con cái ngoan ngoãn hơn. Bởi vậy, người ta thường chúc Tết nhau những điều tốt đẹp để cùng nhau tin rằng rằng năm tới sẽ vạn sự như ý, mọi sự cát tường, phát tài phát lộc…

Chúc Tết đầu xuân còn là cơ hội để mỗi người nói lời cảm ơn đến những người xung quanh mình. Việc cảm ơn này cũng ý nhị nhắn nhủ rằng một năm mới tới còn nhiều điều tốt đẹp nữa nên mong muốn được đồng hành cùng nhau. Phong tục chúc Tết này mang đậm tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Bên cạnh đó, nhiều người quanh năm đi làm, đi học xa quê hương vì bận rộn nên ít có dịp gặp gỡ hàng xóm, láng giềng và họ hàng gần xa. Do đó, chúc Tết cũng giúp người ta mở đầu câu chuyện dễ dàng hơn, gắn kết và cho nhau biết về tình hình cuộc sống.

Ngoài ra, việc người nhỏ tuổi chúc Tết người lớn tuổi trong gia đình có ý nghĩa tỏ lòng hiếu thảo. Đối với người Việt, hiếu thảo chính là cội nguồn của đạo đức gia đình. Tập tục này bắt nguồn từ thời xa xưa vì việc sống lâu đến 70, 80 tuổi lúc đó là rất hiếm. Chính vì thế, việc chúc Tết ông bà trường thọ, sống lâu trăm tuổi có ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính đối với người lớn tuổi. Cũng trong dịp đầu năm thì ông bà hoặc người cao niên trong gia đình sẽ ban lời chúc cho con cháu như một lời nhắn gửi, tin tưởng và mong cầu những điều tốt đẹp cho họ.

gặp gỡ bạn bè

Nên chúc Tết vào những ngày nào?

Phong tục chúc Tết của người Việt được gói trọn trong câu: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Nếp sống này trở thành một nét đẹp văn hóa được truyền nối qua bao thế hệ người Việt với ý nghĩa thể hiện lòng thành kính, biết ơn với đấng sinh thành, nuôi dưỡng là cha mẹ và người đã dìu dắt, giáo dục ta nên người là thầy cô giáo.

Sáng ngày mồng một là ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh chị em sẽ về bên nội để chúc Tết bố mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên. Con cháu trong nhà sẽ lần lượt từ người lớn để trẻ nhỏ nói lời chúc sức khỏe, an khang thịnh vượng, mọi sự như ý tới ông bà, cha mẹ. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ chúc Tết lại con cái kèm theo những phong lì xì chúc cho trẻ tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui. Ngày nay, cũng có một số gia đình ra ở riêng sẽ tự mình làm cơm cúng ông bà tổ tiên tại gia xong sau đó mới qua nhà ông bà nội để chúc Tết và quây quần.

Sáng ngày mồng hai, vợ chồng con cái sẽ cùng sang bên nhà ngoại để chúc Tết. Sau những nghi thức chúc nhau đầm ấm, thâm tình thì cả nhà sẽ cùng quây quần, sum họp để thưởng thức bữa cỗ Tết đông vui. Với một số gia đình lấy chồng hoặc vợ trong cùng thành phố thì việc chúc Tết hai bên gia đình thường diễn ra trong ngày mồng một năm mới.

Vào ngày mồng ba, người Việt dành riêng để chúc Tết thầy cô với ý nghĩa tri ân những người đã có công lao dạy dỗ mình. Vào dịp đầu xuân này, người ta thường tụ tập bạn bè cùng lớp năm xưa ở nhà thầy cô để chuyện trò và chúc thầy cô một năm mới với nhiều thành tích mới và vạn sự tốt lành. Tuy nhiên, ngày nay ở một số địa phương chọn ngày mồng ba là ngày hóa vàng để tiễn đưa ông bà tổ tiên để có thời gian nghỉ ngơi, sớm quay lại với công việc. Do đó, việc chúc Tết cô thầy sẽ được dời qua ngày sau đó là mồng 4 hoặc mồng 5.

đón năm mới

Cần lưu ý gì khi đi chúc Tết?

Mong cầu và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp là điều nên làm vào dịp khai niên vận. Do đó, khi đi chúc Tết bạn bạn nên lưu ý những điều sau để có một năm mới bình an và đem tới những hy vọng cho bản thân cũng như người được chúc:

  • Tránh nói những điều không may mắn. Những ngày đầu xuân năm mới là thời điểm khởi phát quan trọng trong một năm. Đây cũng là lúc lòng người tràn đầy  hy vọng với những điều sắp xảy đến trong năm đó. Vậy nên, chẳng ai muốn nhận những điều xúi quẩy, không tốt lành ngay khi nội tâm đang phơi phới cả.
  • Soạn sẵn lời chúc Tết. Nếu cảm thấy những câu nói như “vạn sự như ý”, “tấn tài tấn lộc”, “sức khỏe dồi dào”… quá nhàm chán và dập khuôn thì chúng ta có thể tự do nghĩ sẵn ra những lời chúc Tết khác phù hợp với hoàn cảnh hoặc dự định của người được chúc.
  • Trang phục lịch sự. Tết đến cũng là dịp để chị em “lên đồ” lộng lẫy. Nhưng không nên mặc đồ hở hang phản cảm, nên mặc đồ sáng màu ví dụ như màu đỏ hàm ý đại cát đại lợi. Chị em cũng có thể mặc áo dài truyền thống để đi chúc Tết đầu xuân.
  • Chuẩn bị bao lì xì cho gia đình có con nhỏ. Nếu tới gia đình người thân mà không gặp trẻ nhỏ, bạn cũng nên gửi lại bố mẹ hoặc ông bà cùng nhà như một lời chúc may mắn, tốt đẹp cho trẻ nhỏ.
  • Không từ chối lời mời dùng bữa. Khi chúc Tết ở gia đình họ hàng thì nhiều người thường nhận được lời mời ở lại dùng bữa. Nếu không có việc gì quan trọng thì đừng ngần ngại ở lại chung vui. Còn nếu có việc bận hay lo ngại dịch bệnh thì hãy nói rõ lý do hoặc kế hoạch của bản thân mình cho đối phương, vì là Tết nhất ai cũng bận rộn nên chắc chắn họ cũng sẽ hiểu cho mình.
  • Tinh thần vui vẻ. Một thần sắc vui vẻ khi chúc Tết cũng sẽ truyền được năng lượng tích cực cho người được chúc, để họ thêm hy vọng vào một năm mới tràn đầy điều tốt lành.
  • Tránh hỏi điều “tế nhị”. Tết là thời điểm gặp gỡ, trò chuyện để gắn kết mối quan hệ họ hàng, hàng xóm láng giềng. Do đó, tránh hỏi những câu như bao giờ lấy chồng/lấy vợ, lương tháng bao nhiêu… Điều này chỉ khiến người bị hỏi cảm thấy khó chịu, áp lực hơn khi trở về nhà.

tết

Chúc Tết là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi độ xuân về. Vậy là một năm cũ sắp qua một năm mới lại đến, hãy cùng chúc nhau những lời tốt đẹp nhất để nhà nhà đều bình an, hạnh phúc nhé!

Bài viết liên quan

cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất

Cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính

Mẹ và Con - Tiết kiệm tiền cho những dự định tương lai luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là giải pháp đáng tin cậy. Tuy nhiên, làm thế nào để việc tiết kiệm vừa an toàn vừa sinh lời tối ưu? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá ngay cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất, sinh lời cao trong bài viết dưới đây nhé.