Làm mẹ là một thiên chức của người phụ nữ. Có thể nói, khi biết mình đang mang đứa con bé bỏng trong lòng, cảm giác vô cùng hạnh phúc và thiêng liêng đến lạ. Đặc biệt với những ai lần đầu làm mẹ, những xúc cảm đan xen là điều khó tránh khỏi. Vừa vui mừng, lại lo lắng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con “giải mã” cảm xúc của phụ nữ lần đầu mang thai, bạn nhé!
Cảm giác lần đầu tiên mang thai sẽ ra sao?
- Lần đầu tiên mang trên mình “trọng trách” làm mẹ, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy vui mừng và hạnh phúc. Cuối cùng, bạn cũng có con. Sau bao tháng ngày chờ đợi, sợi dây kết nối bạn và người-thương giờ đã xuất hiện. Từ nay trên đời này, đã có thên một minh chứng cho tình yêu giữa hai người.
- Xen lẫn với sự vui mừng đó, bạn sẽ trải qua nhiều bỡ ngỡ, bởi đây là lần đầu tiên bạn mặc áo bầu, lần đầu tiên được chọn quần áo cho con, lần đầu tiên biết ốm nghén kinh khủng đến thế nào… Những điều này trước đây, bạn chưa từng trải qua.
- Và bạn biết không, lần đầu làm mẹ, ai cũng sẽ sợ hãi và lo lắng. Có quá nhiều điều bạn chưa biết, cũng chưa tìm hiểu. Bạn bắt đầu lo sợ mình sẽ làm sai, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Hơn nữa, bạn bắt đầu bật chế độ “làm tất cả vì con”, tất cả mọi thứ bạn làm kể từ khi biết tin mình sắp được làm mẹ đều chỉ xoay quanh 1 chữ duy nhất: “con”.
- Vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên nhìn thấy con. Song hành với cơn đau khi vượt cạn vẫn còn tồn tại, những ai lần đầu làm mẹ chắc chắn sẽ trải qua niềm hạnh phúc đến ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được thấy con ngoài đời thực chứ không phải qua màn hình siêu âm của bác sĩ. Giờ đây, bạn đã có thể nắm tay con, ở bên con, ôi sao không thể hạnh phúc hơn!
3 sai lầm thường gặp khi lần đầu làm mẹ
Sinh con và nuôi nấng con chưa bao giờ là điều đơn giản. Với những người lần đầu may mắn có được thiên chức trở thành mẹ, thường có xu hướng vung tiền, chi tiêu quá mức với suy nghĩ là “tốt cho con”. Tuy nhiên, nếu vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì sẽ khiến bạn bị mất mục tiêu tài chính dài hạn do chính mình đặt ra. Dưới đây là 3 suy nghĩ sai lầm của người mới lần đầu có con khiến tiền bạc bị lãng phí.
Phải dành điều tốt nhất cho con
Là bố mẹ thì ai chẳng mong muốn mang tới cho con mình những điều tốt nhất, những món đồ, vật dụng chất lượng, mắc tiền. Nhưng điều tốt nhất chưa chắc là điều mắc nhất, đắt đỏ hay sang trọng. Bạn không cần thiết phải mua quá nhiều quần áo, giày dép cho bé, tới mức mặc không hết bởi trẻ nhỏ lớn rất nhanh và bạn sẽ phải thay quần áo mới liên tục qua từng tháng. Đồng thời, việc mua nhiều đồ chơi và phải thường xuyên đổi các món khác nhau là bình thường vì trẻ rất nhanh chán. Do đó, hãy mua từng món một và để bé chơi chán rồi hẵng mua thêm.
Việc mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái là điều hết sức tự nhiên, nhưng đừng để suy nghĩ này làm lu mờ phán đoán tài chính của 2 vợ chồng. Theo thống kê, các gia đình thường có xu hướng tiêu rất nhiều vào con đầu và giảm dần từ con thứ 2. Có thể thấy sau lần đầu tiêu pha, lần tiếp theo bố mẹ đã rút kinh nghiệm hơn trong việc mua sắm cho bé.
Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu biết tính toán vào những khoản hợp lý, thì bố mẹ sẽ không bị thâm hụt tài chính và đã lên được kế hoạch dài hạn cho tương lai sau này của con. Nhớ rằng, những điều tốt đẹp nhất đối với con chính là một gia đình hạnh phúc, luôn tràn ngập tiếng cười và không nợ nần ngập đầu nhé! Nếu đây là lần đầu làm mẹ, bạn có thể tham khảo chia sẻ của các mẹ bỉm khác để tính toán, cân nhắc sao cho phù hợp.
Một trong hai vợ chồng nên ở nhà chăm con
Trở thành bố hoặc mẹ toàn thời gian là sự lựa chọn tối ưu để chăm sóc và giáo dục con nhỏ toàn diện. Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng, có khoảng 29% bà mẹ lựa chọn ở nhà chăm con cái, tăng 6% so với năm 1999. Hiện nay tại Việt Nam, cũng có không ít gia đình muốn toàn tâm chăm sóc cho đứa con đầu mà chồng hoặc vợ sẽ được lựa chọn nghỉ việc để ở nhà (đa số là người phụ nữ ở nhà) chăm lo nhà cửa và con cái.
Không phủ nhận về lợi ích của cách làm này là bạn có thể theo dõi từng giai đoạn phát triển của con và đưa ra phương pháp, cách “uốn nắn” kịp thời. Song, cần cân nhắc rằng liệu chỉ một người đi làm thì thu nhập có đủ? Nếu chẳng may gặp chuyện mất việc hoặc không kiếm được thu nhập thì gia đình có thể trụ trong mấy tháng? Người ở nhà có thực sự trông con, chăm con được không? Có thể nhờ tới sự giúp đỡ nào từ bên nội và bên ngoại không? Đừng chỉ vì muốn tốt cho việc chăm sóc và giáo dục con nhỏ mà bỏ qua yếu tố để tồn tại là thu nhập nhé! Hãy ngồi xuống và đặt ra hết tất cả những trở ngại sẽ gặp phải khi trở thành người nội trợ toàn diện.
Cần một không gian sống rộng hơn
Lần đầu làm mẹ, ai cũng muốn con được lớn lên trong môi trường tốt nhất. Và khi có một thành viên mới thì nhu cầu về không gian sống rộng rãi hơn, thoáng mát hơn là điều hoàn toàn hợp lý. Thực tế, khoản chi trả cho nhà cửa luôn là số tiền lớn và cần lên kế hoạch từ trước khi bắt đầu có em bé. Tùy thuộc vào tình hình tài chính hiện tại của gia đình mình mà cân nhắc thật kỹ phương án thuê chỗ khác rộng hơn hay mua trả góp là tốt nhất. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh nơi ở cũng là yếu tố nên được xem xét, vì khi đã có con thì nơi sống có thể hình thành tính cách của trẻ nhỏ.
Nếu bạn muốn mua luôn một căn nhà lớn hơn thì cần phải lên kế hoạch thật chi tiết cho điều này thay vì “nói là làm”. Hãy bắt đầu từ việc lập ngân sách và thực hiện tiết kiệm. Trong quá trình này, bạn có thể rủ bé thực hiện cùng để dạy con cách tiết kiệm và chi tiêu thông minh.
Vì là con đầu cháu sớm nên lúc nào cũng được chăm chút, quan tâm đặc biệt hơn và cũng dễ khiến bố mẹ mắc sai lầm trong việc chăm bẵm hơn. Và 3 suy nghĩ kể trên đều là những tâm sự chung của đa số những người làm bố mẹ lần đầu. Trên tất cả, tình yêu thương dành cho con cái mới là điều tốt nhất mà bố mẹ có thể mang lại, những thứ vật chất khác như quần áo, nhà cửa… có thể bù đắp dần sau này cũng được. Vậy nên, đừng quá áp lực cho con “bằng bạn bằng bè” nhé các bố mẹ.
Lần đầu làm mẹ, vừa vui lại vừa lo. Và chắc chắn sẽ có không ít sai lầm trong việc nuôi dạy con. Thế nhưng, Mẹ&Con nhận thấy, mọi việc chẳng có gì để phải căng thẳng cả. Sai thì sửa! Quan trọng là chúng ta được ở bên nhau, phải không bạn?