Nếu bạn đã ở tuổi 30 và… nhận ra chính mình trong những điều được nhắc dưới đây, hãy thay đổi thật tích cực. Bởi vì nếu không, khi đến tuổi 35 – 40, bạn sẽ thở dài nhìn bạn bè mình và tự hỏi: ‘Tại sao khởi đầu mình cũng khá giống họ, mà đến giờ họ nhà cao cửa rộng, mình vẫn chưa có gì ổn định cho con cái và cuộc sống gia đình?’.
1. Sai lầm thứ nhất: Lương thế này thì tiết kiệm được bao nhiêu?
30 tuổi, rất nhiều người vẫn chỉ mới vừa đủ sống, may mắn thì dư được chút đỉnh. Thực tế, từ lúc ra trường đến nay, 8 năm đi làm đầu tiên chủ yếu để bạn tích lũy kinh nghiệm và có được những thăng tiến bước đầu. Không còn khó khăn nhiều như thuở sinh viên, song thu nhập của bạn chưa hẳn là cao. Thêm vào đó, việc lập gia đình, có con cái như tăng thêm gánh nặng lên đôi vai bạn. Bạn cảm thấy lương bổng mình kiếm được sao cứ bay vèo vèo đâu mất hết cả. Nghe ai nhắc đến chuyện tiết kiệm, bạn tự nhủ: “Ôi dào, dư nhiều thì mới tiết kiệm. Chứ bây giờ có đủ tiền để lo liệu cho chính mình và nuôi con nhỏ đã là may!”.
>> Sự thực bạn nên…
Thông thường, giai đoạn 25-35 tuổi là khoảng thời gian bạn sung sức nhất (để làm việc) và có thể tiết kiệm được rất nhiều. Điều này càng đặc biệt đúng đối với phụ nữ, vì sau tuổi 35, sức phấn đấu cho công việc của phụ nữ hầu hết đã giảm đi, thay vào đó là sự chi phối, lo lắng cho con nhỏ, cho gia đình. Nếu bạn không có ý thức tiết kiệm cao ở tuổi 30, thì càng về sau, bạn càng thấy cuộc sống trở nên khắc nghiệt với mình. Đừng quên rằng ở tuổi 40, nếu bạn thất nghiệp mà vẫn chưa dành dụm được bao nhiêu, bạn sẽ chới với ngay với những nỗi lo cơm áo gạo tiền ập xuống.
Vì vậy, cho dù hiện tại bạn làm được lương bao nhiêu thì cũng nên đề cao sự tiết kiệm. Giảm tối đa mua sắm không cần thiết, thay vào đó nên biết rằng đây là giai đoạn vàng cho mình để dành dụm tiền bạc, để mau chóng có được sự thảnh thơi chẳng phải lo gì về cơm áo gạo tiền những năm sau. Lý tưởng nhất là bạn và anh xã có thể tiết kiệm được trên 30% thu nhập hàng tháng. Đừng cho rằng mình không thể! Khi biết cách quán xuyến gia đình thông minh, bạn sẽ vẫn bảo đảm sức khỏe cho cả nhà mà tiết kiệm được những khoản không hề nhỏ.
2. Sai lầm thứ hai: Dùng tiền vô tội vạ!
Bạn còn trẻ, đúng thế! Chính vì trẻ, nên bạn thường có những cách tiêu xài rất bốc đồng ở độ tuổi này, mà không hề tính toán sâu xa. Chẳng hạn, hai vợ chồng có được khoản thưởng cuối năm kha khá, lập tức trong đầu bạn nghĩ đến những chuyến đi chơi. Thế là hứng chí lên, bạn mua tour “hoành tráng” cho cả gia đình. Đi đến khi hết tiền thì quay về lại thầm… tiếc. Ở tuổi 30, người ta rất dễ bỏ ra cả khoản tiền lớn mua thứ gì đấy mình thích, song lại quên cân đong đo đếm rằng liệu điều đó có thật sự cần không, mình đã đến tuổi thỏa sức đuổi theo những điều mình thích, không cần biết ngày mai ra sao hay chưa?
>> Sự thực bạn nên…
Thay vì hứng lên là tiêu xài, vợ chồng bạn cần có một mục tiêu lớn cho gia đình và hi sinh những sở thích nhỏ, dồn hết tâm sức vào cho mục tiêu lớn đó. Ở độ tuổi này của bạn, hãy khoan hưởng thụ quá nhiều. Thay vào đó, nên thật tiết kiệm và tính toán đường xa (vì con bạn còn nhỏ lắm, hãy hình dung nó sẽ ra sao nếu như trong gia đình có bất trắc nào đó xảy ra?).
Mục tiêu lớn ở tuổi 30 có thể là một căn nhà hoặc một con số nhất định trong tài khoản ngân hàng (500 triệu đồng chẳng hạn). Thoạt đầu, bạn thấy nó dường như là mơ ước xa vời. Song, nếu đã có mục tiêu và có bao nhiêu tiền cũng dồn gần hết cho mục tiêu ấy, bạn sẽ nhận ra đường để bạn đến đích không xa thăm thẳm như bạn tưởng đâu.
3. Sai lầm thứ ba: Chi tiền cho… vẻ ngoài quá nhiều!
Ngại bạn bè trong buổi họp lớp đánh giá mình “chậm tiêu”, “lạc hậu”, bạn cố tình bỏ tiền ra mua những chiếc điện thoại đời mới, thật “xịn” với giá gần 20 triệu đồng. Ngại những người bà con chê vợ chồng mình, con mình không “sành điệu”, bạn phung phí một khoản không nhỏ cho xe tay ga, cho áo quần đắt tiền, cho những chiếc váy có giá bằng nửa tháng lương của bạn! Tuổi 30 được đánh giá là độ tuổi đã có tiền, đã “thành đạt”, giao tiếp xã hội nhiều nên bạn càng bị áp lực phải thể hiện cho người ngoài thấy. Bạn chưa đủ độ trầm tĩnh để hiểu rằng bạn sống là sống cho chính mình chứ không phải sống cho sự đánh giá, nhận xét của… người ta!
>> Sự thực bạn nên…
Tiết kiệm! Hãy đọc lại điều thứ hai, để biết mục tiêu lớn nhất của bạn hiện nay là gì và dồn sức cho mục tiêu đó. Đừng quá bận tâm đến nhận xét của người ngoài. Nếu bạn cần đến một chiếc điện thoại giá chục triệu thì cứ mua. Song, nếu công việc của bạn vẫn ổn với một chiếc điện thoại rẻ tiền hơn, thì đừng phung phí! Người ta cười bạn ư? Ồ, chỉ là bạn tưởng thế thôi. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gia đình bạn sớm ổn định, bạn đủ tiền để lo cho con ăn học, bạn thoát khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền thật sớm chứ không phải là người khác nhận xét về bạn ra sao.
4. Sai lầm thứ tư: Không nghĩ cách để… tiền đẻ ra tiền!
Có một công việc ổn định, có một mức lương kha khá, thế là bạn hài lòng và cho rằng vậy đủ rồi!
>> Sự thực bạn nên…
Thực tế, như đã nói, tuổi 30 là giai đoạn vàng cho các cơ hội kiếm tiền. Đừng phung phí nó! Ngoài công việc chính thức đã may mắn ổn định, bạn nên tranh thủ tìm kiếm những cách đầu tư thận trọng, hợp lý để khoản tiền tiết kiệm được ngày một sinh sôi nảy nở nhiều hơn lên. Nhớ nhé, bạn không có nhiều thời gian để… làm giàu trong đời đâu.
5. Sai lầm thứ năm: Quên mua bảo hiểm!
Tuổi còn rất trẻ, mọi thứ đều đang phơi phới trước mắt, thông thường bạn sẽ quên luôn việc mua bảo hiểm – việc mà những người đã trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn luôn đặt lên hàng đầu. Bạn cho rằng bảo hiểm không cần thiết, cho đến khi có một “sóng gió” nào đó bất ngờ xảy ra…
>> Sự thực bạn nên…
Bảo hiểm luôn luôn quan trọng và cần thiết, nhất là khi bạn đã có con và con còn nhỏ. Tối thiểu nên mua bảo hiểm y tế cho tất cả các thành viên trong gia đình. Khoản này chỉ tiêu tốn của bạn vài trăm ngàn mỗi năm song lại rất quan trọng và cần thiết khi chẳng may đau ốm, bệnh tật. Thông thường nếu đã đi làm, bạn sẽ được công ty đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể cân nhắc thêm đến một khoản bảo hiểm cho con của mình, đến khi bé 18 tuổi.