Rò luân nhĩ là gì?
Rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh do khe mang thứ nhất khép không hoàn toàn trong thời kỳ phôi thai. Đó là một loại bệnh về nhiễm sắc thể. Thường thấy ở một bên nhiều hơn ở hai bên, nữ thường bị nhiều hơn nam.
Biểu hiện của nó là trẻ sẽ có một lỗ nhỏ vùng trước vành tai đi sâu vào trong đế bám vào màng sụn. Nhìn bên ngoài, thấy như một dị tật nhỏ xíu, không ảnh hưởng gì cả. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng đằng sau cái lỗ bé tí ti đó có đường rò (đường dò) là một ống da rất nhỏ có miệng ở trước trên cửa tai và chui ngầm vào bên trong rễ vành tai.
Nó có thể nông sâu dài ngắn khác nhau ( độ dài có thể từ vài mm đến hơn 3cm), đơn giản hoặc phức tạp (một nhánh hay nhiều nhánh, chạy nông hoặc chạy sâu) với miệng ống ở phía trước rễ luân nhĩ. Lót lòng ống có tổ chức nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã và lớp biểu bì bong tróc. Chính vì thế mà ống này hay bị bít tắc và gây nhiễm trùng.
Thực tế hầu hết các trường hợp rò luân nhĩ không bị ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cũng không tạo nên điều gì “đáng nói”. Tuy nhiên, một số trường hợp lỗ rò sẽ bị nhiễm trùng. Nhẹ thì chỉ ra chất trắng đục hay chất bã đậu hôi. Nặng hơn thì bị sưng đau. Nặng hơn nữa thì bị áp xe. Nếu nhẹ thì đôi khi chỉ cần nặn dịch hay chất bã đậu hôi ra là đỡ. Nhưng một khi đã sưng đau thì phải dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Nếu bị áp xe thì ngoài dùng thuốc còn phải chích rạch dẫn lưu mủ. Bệnh dễ tái phát vì vậy có thể bị áp xe nhiều lần và để lại sẹo xấu vùng mặt.
Dị tật này có ảnh hưởng đến chức năng nghe?
Rất may mắn là không. Rò luân nhĩ là bất thường thuộc về ngoại bì, chỉ ảnh hưởng từ da đến màng sụn vành tai, không liên quan đến các cấu trúc có chức năng nghe của tai vì vậy không ảnh hưởng đến quá trình nghe của trẻ.
Cũng xin nói thêm rằng có những trẻ bị rò luân nhĩ nhưng bình thường mãi cho đến khi lớn lên mà không cần can thiệp gì (chỉ thấy 1 lỗ rò bé bằng đầu tăm trên da mà không có biểu hiện gì khác). Tuy nhiên, khi bị viêm nhiễm hay bị tắc thì có thể bị ngứa, tiết ra chất bã đậu màu trắng mùi hôi hoặc phình ra tạo thành một nang (nếu nang bị vỡ ra thường để lại seo răn rúm ảnh hưởng đến thẩm mỹ). Nang này bị bội nhiễm thì ngày càng to dần ra và tạo ra áp xe rò luân nhĩ.
Những “kiêng kỵ” khi trẻ bị rò luân nhĩ
Khi trẻ bị rò luân nhĩ và chưa thể mổ, cơ bản mẹ cần giữ vệ sinh thật kỹ vùng lỗ rò cho trẻ và tuyệt nhiên không nên day ấn vào nó. Nhiều mẹ thậm chí còn đắp lá, làm đủ kiểu với vùng lỗ rò này rất nguy hiểm và rất dễ gây nhiễm trùng.
Trong trường hợp lỗ rò có nhiễm trùng phải được điều trị bằng kháng sinh, săn sóc tại chỗ hàng ngày (lau rửa, sát trùng), có khi phải chích rạch, đặt dẫn lưu và băng vô trùng.
Mẹ lưu ý, ở Việt Nam, rò luân nhĩ chưa được chú ý đúng mức. Nhiều mẹ thậm chí hoàn toàn không biết rò luân nhĩ nghĩa là gì. Khi con có lỗ rò nhiễm trùng, nhiều người tưởng là trẻ bị một cái nhọt trước tai nên chỉ dùng kháng sinh để tự điều trị. Đôi khi còn điều trị theo cách thức dâ gian trị mụn nhọt.
Hậu quả là đường rò bị viêm nhiễm, xơ sẹo nhiều lần, gây co dính, ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ và gây khó khăn cho việc phẫu thuật lấy bỏ đường rò sau này. Vì vậy, cần lưu ý tới những lỗ rò và nhọt ở vùng này để đi khám sớm, phẫu thuật kịp thời; tránh để đường rò bị viêm nhiễm nhiều lần.
Làm thế nào để trị rò luân nhĩ?
Khi bị viêm nhiễm (nang chưa bị vỡ) có thể phối hợp kháng sinh với phẫu thuật để lấy bỏ toàn bộ đường rò để tránh viêm nhiễm tái phát cũng như phòng biến chứng vỡ nang hay áp xe hóa. Khi áp xe hoặc vỡ nang rò (tự vỡ hoặc do chích rạch): cần phải dùng kháng sinh kết hợp dẫn lưu tốt.
Tuy nhiên, mổ cắt toàn bộ đường rò mới là phương pháp điều trị triệt để và hầu như không bị tái phát. Mẹ lưu ý rằng nên mổ khi đường rò không bị viêm nhiễm cũng như chưa bị chích rạch thì mới lấy được toàn bộ. Nếu đã bị viêm hay chích rạch dẫn lưu mủ, đường dò bị xơ hay bị cắt đứt đoạn, khi bơm chất màu để làm mốc cho bác sĩ đi theo lấy đường dò chất màu sẽ không đi hết toàn bộ đường dò vì vậy đường dò dễ bị sót vài đoạn gây tái phát sau này.
Cắt đường rò luân nhĩ là phẫu thuật tương đối đơn giản, chỉ mất khoảng 20 đến 30 phút. Nếu không bị chích rạch trước đó, đường mổ sẽ đi theo nếp vành tai vì vậy vết sẹo để lại rất nhỏ. Nếu bạn phát hiện ra trẻ có một lỗ nhỏ ở tai như đã mô tả, thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để khám, xác định có phải trẻ bị rò luân nhĩ hay không. Nếu phải thì nên mổ đường rò khi chưa có biến chứng. Vì không ai biết rõ khi nào rò luân nhĩ sẽ có biến chứng, và một khi đã biến chứng thì việc điều trị sẽ vất vả hơn nhiều, dễ để lại sẹo xấu trên mặt.
Nên đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện thấy lỗ rò. Đặc biệt, trường hợp nếu lỗ rò chảy dịch, tiết dịch đục thì cần đến ngay khoa Tai Mũi Họng để được xem xét. Nếu để tình trạng viêm nhiễm tái phát nhiều lần, hay có tình trạng áp xe thì phẫu thuật rất khó khăn, dễ tái phát sau này, và để lại sẹo xấu.
Trên thế giới, trung bình cứ 1000 trẻ sinh ra thì có khoảng 5 trẻ bị tình trạng này. Rò luân nhĩ thường có tính chất di truyền, gia đình. Tức là nếu trong gia đình đã có vài người bị rò luân nhĩ, cha mẹ bị rò luân nhĩ thì con rất dễ bị theo.
Rò luân nhĩ dễ bị nhầm với nhọt ở tai
Bình thường, khi chưa viêm nhiễm, miệng lỗ rò nhỏ như đầu kim, khô ráo, không có dịch mủ nên mẹ không để ý. Khi bị viêm nhiễm, lỗ rò luân nhĩ trông rất giống như mụn nhọt. Vì vậy dễ dẫn đến bị điều trị nhầm, làm bệnh càng nặng hơn.
Bạn cần biết rằng, nếu rò luân nhĩ không được điều trị nghiêm túc sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, mù mắt, thậm chí tử vong. Tại khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, bệnh rò luân nhĩ chiếm tỷ lệ rất cao những trẻ đến khám về tai, và 90% trong số đó đã bị biến chứng.
Nếu trẻ đã bị viêm nhiễm, áp xe mà mẹ vẫn chỉ điều trị như trị mụn nhọt thông thường tại nhà thì dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết. Thậm chí tổn thương có thể ăn vào tĩnh mạch xoang hang, khiến đầu trẻ bị phù to, mắt lồi. Tình trạng này dễ gây biến chứng mờ mắt, mù mắt, nguy cơ tử vong cao.
Mẹ cần biết!
Trẻ mắc bệnh rò luân nhĩ được mổ tốt nhất ở độ tuổi từ 3 đến 12 tháng. Lúc này, trẻ chỉ cần phẫu thuật đơn giản, về ngay trong ngày; vết sẹo trên mặt nhỏ và sẽ mờ đi hoặc biến mất khi trẻ lớn lên. Ngược lại, nếu trẻ đến điều trị trong tình trạng đã bị áp xe, ca mổ sẽ gặp nhiều khó khăn như chảy máu nhiều, dễ tổn thương ở những mô lân cận.
Với những trường hợp áp xe đã lan sâu xuống dây thần kinh số 7, trẻ sẽ mất cảm giác một số vùng trên tai, liệt mặt. Những bệnh nhân bị áp xe lớn có thể méo mặt trước khi mổ. Việc phẫu thuật khi đã bị áp xe thường để sẹo dài khoảng 4-5 cm trên mặt.
Ngay khi lỗ rò còn khô, mẹ cũng nên sắp xếp cho trẻ đi phẫu thuật trong độ tuổi từ 3 đến 12 tháng, không nên chần chừ vì trước sau lỗ rò này cũng sẽ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, tuyệt đối không được đưa trẻ đi bít lỗ rò bằng thuốc nam hoặc hóa chất bởi hệ thống lỗ rò rất chằng chịt. Nếu bị bít lại, chất bài tiết ứ đọng, sẽ nhanh chóng gây áp xe, nhiễm trùng.