Mẹ&Con - Đang trong giai đoạn chín tháng thai kỳ, bỗng một ngày kia, bác sĩ báo cho bạn biết rằng bạn viêm bể thận, viêm cầu thận hoặc tệ hơn nữa là suy thận độ 1, độ 2. Tất cả những điều này có nghĩa là gì, nguy hiểm ra sao với thai kỳ của bạn? Giữa thận và… thai có liên hệ với nhau thế nào, sao trước đây một chuyện vẫn bình thường nhưng bạn có thai thì lại nảy ra bệnh thận? 8 cách chăm sóc thận cho trẻ Phòng bệnh trước thai kỳ Hiểu về bệnh thận ở trẻ em

Tại sao thai và thận lại có liên hệ với nhau?

Khi có thai, các bác sĩ quan sát thấy hai thận tăng thể tích, thận dài thêm khoảng 1cm và nặng thêm khoảng 4,5g. Các đài thận và bể thận giãn, đặc biệt ở thận phải. Niệu quản cũng giãn nhẹ do thai chèn ép. Thai phụ cũng có thể gặp hiện tượng trào ngược bàng quang – niệu quản. Điều này giải thích khi có thai sẽ dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu hơn. (Bạn lưu ý rằng từ nhiễm khuẩn tiết niệu đến viêm thận là con đường không… “quá xa”!).

Hiểu biết về thận khi mang thai 4

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Khi có thai, cơ thể cũng gặp những thay đổi về huyết động toàn thân và huyết động tại thận. Ba tháng đầu khi có thai, huyết áp giảm do giảm sức cản mạch máu ngoại biên để tăng cung lượng tim, đảm bảo tưới máu tăng dần cho động mạch tử cung, cung cấp máu cho thai nhi phát triển bình thường. Thể tích huyết tương tăng từ 30-50%, trong khi đó dịch tổ chức kẽ tăng ít. Trong thay đổi huyết động tại thận, hiện tượng lọc cầu thận tăng và lưu lượng tưới máu thận cũng tăng từ 30-50% trong thời gian mang thai. Vì máu bị pha loãng nên nồng độ albumin, áp lực kéo và áp lực thẩm thấu huyết tương giảm. Ngoài ra, khi mang thai cũng có sự bất thường trong tổng hợp các chất có tác dụng co mạch hay các thụ thể có ở vỏ thận (renin, prostagladin…). Đây là nguyên nhân chính của thay đổi huyết động tại thận. Hậu quả của sự thay đổi huyết động ở thai phụ được thể hiện ở urê huyết giảm vì máu bị pha loãng và tăng thể tích ở các khoang, tổ chức kẽ (tăng cân, phù).

Có thể những kiến thức này khá chuyên môn với bạn và làm bạn cảm thấy “lùng bùng”. Song, bạn có thể hiểu một cách đơn giản nhất, rằng cơ thể bạn khi mang thai có những thay đổi rất lớn về cân nặng, về sự chèn ép của thai nhi… Các hormone thay đổi, mọi hoạt động của cơ thể đều chuyển sang một “nhịp điệu” gần như khác hoàn toàn. Tất cả những điều đó góp phần gây nguy cơ lên hai trái thận của bạn, khiến chúng dễ “có vấn đề” hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy 2-3% phụ nữ mang thai bị viêm thận – tiết niệu, trong đó có 40-50% bị viêm bể thận – thận, một căn bệnh có nguy cơ lớn cho cả mẹ lẫn con. Nhưng nếu được chăm sóc điều trị kịp thời thì tỉ lệ trên chỉ còn 5-10%.

Vậy nếu lỡ đã bị bệnh thận, có nên mang thai?

Bạn sẽ được tìm hiểu kỹ hơn các bệnh lý về thận ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ ở bài sau. Nhưng ở đây, xin khẳng định ngay rằng: Đừng liều lĩnh!

hieu-biet-ve-than-khi-mang-thai

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Nhiều người cứ để cho mình mang thai dù biết mình mắc bệnh. Nhiều người nói với bác sĩ một cách rất đơn giản rằng: “Tôi chết cũng được, miễn… có con!”. Tuy nhiên, đây không phải bài toán hễ bạn chết thì con sống! Đó là một thực tế mà bạn phải nhìn thẳng vào, dù rất khó khăn.

Không bao giờ nên để cho mình mang thai rồi mới phát hiện mình đã bị suy thận từ trước đó (mà không biết!). Cũng không bao giờ nên cố tình có thai, dù bác sĩ đã căn dặn bạn rất kỹ rằng việc có thai trong lúc đang mắc bệnh thận nặng chẳng khác nào đánh đu với tính mạng của cả mẹ lẫn con. Việc đó không nên gọi là “hi sinh” vì người nhà bạn sẽ thế nào nếu như cả hai mẹ con đều không qua khỏi? Luôn hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng bệnh của mình. Luôn lắng nghe và hợp tác cùng bác sĩ để điều trị, để chờ đợi đến thời điểm phù hợp nhất mới có con. Đó là lời khuyên dành cho bạn.

Hãy tham khảo một số trường hợp thực tế này:

* Biết mình đã suy thận độ 3 (suy thận ở mức độ nặng), nhưng khi lấy chồng, chị V.T.T (Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn quyết tâm mang thai. Đã thế, chị lại mang thai song sinh. Trong 5 tháng đầu, thai kỳ khỏe mạnh. Nhưng đến tuần thai thứ 27, chị bị đau bụng dữ đội nên đã đến bệnh viện Thanh Hóa khám, các bác sĩ xác định chị bị suy thận nặng và được chuyển ra BV Phụ sản Trung ương, rồi lại được chuyển sang BV Bạch Mai điều trị.

Dù đã cố gắng kéo dài thời gian dưỡng thai, nhưng các bác sĩ cũng chỉ giữ thêm được hai tuần thai, rồi buộc phải đình chỉ thai nghén, mổ lấy thai ra vì để trong bụng mẹ thêm, cả tính mạng mẹ và con đều nguy kịch. Hai bé trai sinh ra vì quá non nớt, đều rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải thở máy và một bé đã không qua khỏi bởi tình trạng suy hô hấp quá nặng. Bé còn lại cũng phải trường kỳ thở máy tới 60 ngày, bên cạnh đó phải điều trị nhiễm trùng huyết.

* Trường hợp sản phụ Đ.T.H (TP.HCM) cũng cố mang thai dù biết mình suy thận. Mang thai đến đầu tháng thứ 6 thì chị H. bị tiền sản giật, đe dọa cả tính mạng cả mẹ lẫn con. Khi vào viện, bệnh nhân được khuyên đình chỉ thai để cứu tính mạng mẹ, nhưng biết mình không thể có cơ hội mang thai lần nữa do suy thận, chị đã kiên quyết giữ thai lại. Đây là trường hợp rất đau đầu và khó xử cho bác sĩ, vì giữ thai đồng nghĩa với tính mạng người mẹ lửng lơ giữa sự sống và cái chết. Sau 2 tuần theo dõi chặt, đến tuần 29 bệnh nhân cũng được mổ lấy thai, em bé nặng 800g, nhưng do quá yếu, suy hô hấp nên bé trai đã tử vong sau hơn 1 tuần nằm điều trị tại khoa sơ sinh.

hieu-biet-ve-than-khi-mang-thai

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

 Lời khuyên của bác sĩ

Làm mẹ là khát khao cháy bỏng của mọi phụ nữ. Tuy nhiên, không nên cực đoan đến mức biết mình suy thận nặng vẫn cố mang thai và nhất quyết giữ con. Vì hầu hết trường hợp, không những không thể giữ được bé (do sinh non, quá yếu) mà tính mạng của người mẹ có thể cũng không còn.

Trong trường hợp đó, nếu nhìn thoáng hơn một chút để nhận một đứa con nuôi và hết lòng yêu thương trẻ, xem trẻ như một thiên thần bé bỏng đã “có duyên” với mình, thì bạn sẽ không phải chịu thêm nỗi đau mất con, và cũng không đánh đu với số phận do cứ cố cho bằng được!

Tags:

Bài viết liên quan