Bệnh về da là những bệnh gì nhỉ?
Trẻ em thường hay mắc các bệnh về da bởi làn da của bé rất mỏng manh, ít khả năng chống lại các vi khuẩn và các chất có hại trong môi trường đặc biệt khi da bị kích thích. Các bệnh về da thường gặp có thể kể đến rôm sảy, mụn, trầy xước, phồng rộp, lang ben, nấm, da bị ngứa và mẩn đỏ thường xuyên…
Những bệnh này thường xuất hiện khi nhiệt độ cao, khí trời nóng bức, tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện bằng người lớn, lại hay bị mẹ cho mặc nhiều quần áo nên da không “thở” được. Hoặc khi trẻ bắt đầu dậy thì (tuổi dậy thì của trẻ ngày càng thấp, trẻ gái mới học lớp 4-5 đã có thể có những dấu hiệu dậy thì đầu tiên), mụn bắt đầu xuất hiện nhưng trẻ lại quá nhỏ nên chưa biết chăm sóc đúng cách, mụn bắt đầu lan tràn gây ảnh hưởng trên da.
Những nguyên nhân khác nữa là trẻ lớn quá nhanh, cha mẹ tiếc tiền đã mua những bộ quần áo khá đắt nên vẫn ép trẻ mặc dù rõ ràng là áo quần đã chật. Mặc quần áo chật dẫn đến việc thường có sự cọ xát giữa quần áo và làn da của bé, hoặc các vùng da chà vào nhau, khiến da bị kích thích, ngứa, mẩn đỏ… Nặng hơn, da trẻ có thể bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh khiến trẻ bị chốc, nhọt, u mềm, trái rạ…
“Vũ khí” giúp bé tránh khỏi những căn bệnh về da đáng ghét
Như đã nói, một trong những nguyên nhân dễ gây nên bệnh về da nhất là do thiếu vệ sinh, lười tắm rửa, khí trời lại nóng bức ngột ngạt, quần áo chật khiến mồ hôi không thoát ra được. Vì thế, cách đầu tiên để bạn bảo vệ làn da cho bé là đừng mặc cho bé quá nhiều quần áo hay ở phòng nóng bức. Nên mặc cho bé những bộ đồ rộng, thoáng. Vệ sinh làn da bé thật sạch sẽ và khô ráo. Nếu bé đòi mặc quần jeans trong những ngày hè, bạn nên giải thích cho bé tại sao lại không nên. Vải thích hợp nhất để bé dùng là cotton, dễ thấm hút mồ hôi. Ngược lại, đến mùa đông, nên cho trẻ mặc áo thoáng bên trong, áo ấm bên ngoài, che kín tay chân bằng vớ và găng tay. Nếu da trẻ nứt nẻ, có thể dùng loại kem dành riêng cho trẻ em để bôi lên da.
Một câu hỏi khác: Bạn có thể dùng phấn rôm để giúp da bé khô thoáng hơn không? Câu trả lời là có thể. Tuy nhiên, chỉ nên dùng những loại phấn rôm có nhãn hiệu uy tín. Không được dùng những loại không rõ nguồn gốc, có thể càng ảnh hưởng đến da bé nặng hơn. Ngoài phấm rôm, xà phòng dành cho trẻ cũng phải là loại thích hợp với trẻ em, không gây kích ứng. Không nên cho trẻ dùng cùng loại sữa tắm, xà phòng tắm, dầu gội đầu… với bạn cho đến khi trẻ trên 10 tuổi.
Bạn cũng cần chú ý đến từng dấu hiệu nhỏ trên da trẻ. Không nên để bé đi bơi quá 2 lần/tuần vì da bé dễ bị khô, dị ứng với các loại nước khử trùng trong hồ. Thay vào đó, bạn chỉ nên cho bé bơi 2 lần/tuần, thời gian còn lại có thể học thêm những môn thể thao “khô ráo” khác như cầu lông, bóng bàn… Không nên cho trẻ chơi các trò tiếp xúc với đá, cát, vật nhọn… vì có thể gây trầy xước cho da trẻ. Sau giờ học ở trường hay giờ chơi thể thao, bạn cho trẻ nghỉ ngơi khoảng 20 phút rồi tắm cho trẻ. Nên tắm nước mát hoặc hơi ấm, dùng khăn lông mềm lau cho trẻ chứ không được kỳ cọ quá mạnh hoặc dùng các miếng bọt biển của người lớn cọ da để kỳ cọ bé.
Quần áo bẩn của trẻ, bạn nên giặt ngay bằng loại xà phòng ít chất xút. Nếu nhà có máy giặt, bạn không nên giặt máy quần áo của bé chung với quần áo người lớn. Lời khuyên cuối cùng là nếu da trẻ ngày càng mẩn ngứa hoặc nổi các đốm mụt nước dù đã vệ sinh kỹ, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ. Không được tự ý dùng thuốc, kem bôi hay các loại lá dân gian truyền miệng để tắm cho trẻ hay đắp cho trẻ vì có thể gây nên nguy cơ nhiễm trùng da nặng hơn.
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)