Mẹ&Con - Quan sát, theo dõi những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ giúp bạn kịp thời điều trị bệnh và luôn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Theo thống kê, có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Tần suất nguy cơ mắc trầm cảm trong suốt cuộc đời của mỗi người là 15-25%. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào và được biểu hiện ở ba mức độ nhẹ, vừa và nặng. Người có dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ có thể chưa phải dùng đến thuốc nhưng vẫn cần sự quan tâm từ phía người thân, gia đình và bác sĩ. Hãy cùng nhau tìm hiểu về bệnh trầm cảm mức độ nhẹ để kịp thời ngăn chặn những hệ lụy, bạn nhé!

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ

Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với cảm xúc, tâm trạng hoặc các bệnh lý thường gặp như mệt mỏi, dễ mất tập trung…Theo thời gian, các triệu chứng này có xu hướng lắng xuống, không cần phải uống thuốc. Nhưng nếu tâm trạng buồn bã và chán nản cứ kéo dài, không thể kiểm soát được thì bạn phải tới gặp bác sĩ tâm lý ngay. 

Khi mắc bệnh trầm cảm nhẹ, người bệnh thường có 1 triệu chứng chính và ít nhất 4 triệu chứng liên quan dưới đây:

Các triệu chứng chính của bệnh trầm cảm nhẹ:

  • Tâm trạng buồn bã, có thể khóc hoặc không.
  • Không có động lực, giảm hứng thú với mọi việc, bao gồm những hoạt động yêu thích.

Các triệu chứng phụ liên quan:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thay đổi khẩu vị
  • Dễ bị kích động hoặc phản ứng chậm chạp
  • Khó tập trung hoặc giải quyết các vấn đề cơ bản hàng ngày
  • Suy nghĩ về cái chết
  • Mệt mỏi
  • Cảm giác tội lỗi, thất vọng về bản thân

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm

Một lưu ý cho bạn chính là trẻ em cũng có thể mắc bệnh trầm cảm. Do đó, nếu thấy dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ, đừng phớt lờ mà hãy quan sát trẻ và đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý nếu cần. Ngoài ra, bạn cũng đừng nhầm lẫn giữa chứng rối loạn lo âu và bệnh trầm cảm bởi đây là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau đấy.

Điều trị trầm cảm nhẹ

Khi xác định bản thân có dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ, bạn cũng không cần quá lo lắng vì ở giai đoạn này cũng chưa quá nguy hiểm và cũng chưa cần dùng tới thuốc điều trị chuyên biệt. Thay vào đó, bạn có thể thử thay đổi tích cực cuộc sống hiện tại như: 

Tăng cường các hoạt động thể chất

Vận động giúp não tiết hormone chống trầm cảm. Thế nên, đừng ngần ngại tham gia các lớp học thể dục, yoga, nhảy, bơi lội, chạy bộ… Nếu cảm thấy không có động lực để làm hoặc chỉ muốn thu mình vào thế giới riêng, hãy chia sẻ dự định này với một người bạn có quyết tâm cao. Người đó sẽ nhắc nhở bạn mỗi ngày hoặc cùng bạn tham gia các hoạt động thể chất.

Đặc biệt, bạn nên lựa chọn những môn thể thao ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên. Bởi nguồn ánh sáng này có thể giúp người có dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ trở nên tỉnh táo và thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, các hoạt động này giúp ăn ngon miệng hơn, tăng cường trao đổi chất và kích thích não loại bỏ cảm xúc u buồn. 

rèn luyện thân thể chống trầm cảm

Giao tiếp với mọi người

Giao tiếp là một yếu tố quan trọng giúp người trầm cảm hòa nhập lại với cuộc sống và quên đi chuyện không vui. Nếu không biết đi đâu thì trước tiên hãy tham gia các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng để gặp gỡ nhiều người. Ngoài ra, việc tham gia các lớp dạy nấu ăn hoặc lớp vẽ tranh vừa đảm bảo được việc giao tiếp vừa có yếu tố “nội tâm”, riêng tư mà người trầm cảm muốn.

Ngủ nhiều

Đối với người mắc trầm cảm nhẹ thì giấc ngủ rất quan trọng để giúp tinh thần tỉnh táo, bớt căng thẳng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mất ngủ thường xuyên, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều gốc tự do khiến con người bị stress, lo âu, căng thẳng… Vậy nên hãy cố gắng ngủ đủ giấc nhé. 

Duy trì công việc

Dù buồn bã tới mức nào thì cũng không nên nghỉ công việc hiện tại. Bởi lẽ, khi có nhiều thời gian trống bạn sẽ càng dễ lún sâu vào buồn chán, tuyệt vọng. Nếu xác định những căng thẳng, mệt mỏi của bản thân là do công việc hiện tại gây ra, thay vì thôi việc, hãy xin giảm khối lượng công việc hoặc nghỉ phép vài ngày để cân bằng lại mọi thứ nhé. 

Sắp xếp thời gian làm việc

Tắm nước nóng

Khi có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, bạn có thể thư giãn bằng cách tắm nước nóng. Tưởng chừng không hiệu quả, nhưng nước nóng giúp máu được lưu thông tốt hơn, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn. Tốt nhất là mỗi ngày dành ra 15 phút ngâm mình trong nước ấm để thư giãn. Nếu không có bồn ngâm thì có thể ngâm chân với nước nóng có thêm muối cũng rất tốt. 

Không bỏ bữa

Người trầm cảm thường cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng và bỏ bữa thường xuyên. Dù vậy, bạn cũng nên cố gắng ăn được miếng nào hay miếng đấy để không bị kiệt quệ và chìm sâu hơn vào nỗi buồn. 

Cố gắng không than thở

Những từ cảm thán như ‘chán quá”, “khổ quá”, “trời ơi”…nên được hạn chế bởi chúng dễ “lây lan” năng lượng tiêu cực. Bạn có thể nghĩ những hình phạt cho bản thân khi lỡ miệng nói ra những từ như thế. Ví dụ mỗi lần nói 1 từ phạt 10.000 đồng chẳng hạn. Vừa tiết kiệm được tiền mà vừa giúp bệnh tình tiến triển tốt, phải không nào? 

Chuyển quan tâm sang một hướng khác

Những nỗi buồn đôi khi xuất phát từ việc không quên được những chuyện cũ đã qua. Trong tình huống này thì không nên ép bản thân phải từ bỏ hồi ức, rũ sạch quá khứ bởi càng cố quên thì càng nhớ nhiều hơn. Cách tốt nhất là chuyển hướng quan tâm sáng một việc khác như thiền, trồng cây, đạp xe hoặc theo đuổi một môn nghệ thuật… Lâu dần rồi bạn cũng tự khắc quên những chuyện không đáng nhớ đi thôi. 

dau-hieu-cua-benh-tram-cam

Trên đây là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ và phương pháp điều trị. Phần lớn những người mắc bệnh này đều có những biểu hiện ban đầu như vậy. Vậy nên hãy để mắt tới những người thân, gia đình và cả chính bạn để luôn vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc nhé!

Bài viết liên quan