Trường hợp bị dị ứng nặng như nổi mề đay toàn thân, khó thở… phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để cấp cứu. Sau đây là danh sách 14 thực phẩm dễ khiến cơ thể bé “khó chịu”.
1. Sữa động vật (nhất là sữa bò)
Sữa bò, sữa dê hoặc sữa cừu là chất gây dị ứng khá phổ biến. Nhiều người không thể dung nạp được các sản phẩm từ sữa như pho mát. 10% trẻ em bị dị ứng với sữa bò sẽ có phản ứng với thịt bò vì thịt bò có chứa một lượng nhỏ protein có trong sữa bò.
Bé có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, thở khò khè, phản ứng trên da (ngứa, nổi mề đay, mặt sưng phù). Các mẹ có thể thử khắc phục bằng cách làm sữa chua cho bé ăn hoặc đun sôi sữa lên trước khi cho bé uống. Nếu bé vẫn tiếp tục bị dị ứng, tốt nhất mẹ nên dừng lại không cho trẻ ăn uống sữa động vật nữa.Tuy nhiên, hầu hết trẻ bị dị ứng sữa thường tự hết sau 3 năm. Vì vậy, các mẹ cũng không nên quá lo lắng.
2. Đậu phộng (lạc)
Một số trẻ có thể bị dị ứng ngay cả khi không ăn mà chỉ hít phải mùi đậu phộng. Phản ứng dị ứng đậu phộng thường dữ dội (gây mẩn đỏ, buồn nôn, dễ tiêu chảy) và có thể nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt với trẻ mắc hen suyễn. Vì vậy, với những trẻ bị dị ứng, các mẹ nên mang thuốc epinefrin theo để tiêm bất cứ khi nào cần.
3. Các loại hạt
Các loại hạt như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, hạt thông… được coi là thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất, nghĩa là chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng đủ gây phản ứng dữ dội. Khoảng 0,5% dân số dị ứng với các hạt này, bệnh hiếm khi tự khỏi.
4. Trứng
Trứng rất bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, nhưng khi cho trẻ sơ sinh ăn trứng mẹ cần lưu ý vì đây là một trong các thực phẩm dễ gây dị ứng (chủ yếu là dị ứng với các protein trong lòng trắng trứng) cho trẻ.
Các triệu chứng dị ứng trứng thường xảy ra một vài phút đến vài giờ sau khi ăn trứng hoặc các loại thực phẩm có chứa trứng. Các dấu hiệu và triệu chứng từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm phát ban da, nổi mề đay, viêm mũi, và nôn mửa hoặc các vấn đề tiêu hóa khác hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là gây ra sốc phản vệ – một phản ứng đe dọa tính mạng.
5. Hải sản
Tất cả các loại hải sản nói chung đều có thể gây dị ứng. Nhưng các loài như tôm, cua, ngao sò, mực dễ gây dị ứng hơn cả. Có hai dạng dị ứng, một là với các loài giáp xác như tôm, cua… hai là dị ứng với các loài nhuyễn thể như ngao, sò, hến…
6. Cá
Dị ứng cá có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ và thường gặp ở người trưởng thành, ở nơi người dân hay ăn cá. Người bị dị ứng hiếm khi tự thoát khỏi tình trạng này.
Thành phần gây dị ứng chủ yếu ở tất cả các loài cá là protein parvalbumin. Do đó, những người phản ứng với một loại cá thường cũng dị ứng với các loài cá khác. Nhiệt độ cao trong khi nấu không làm phá hủy các parvalbumin. Chính vì vậy, cách duy nhất để không bị dị ứng đó là hạn chế ăn loại thực phẩm này.
7. Đậu nành
Dị ứng đậu nành thường xảy ra khi chúng ta còn nhỏ và mất dần ở tuổi trưởng thành. Triệu chứng của dị ứng đậu nành cũng tương tự như dị ứng sữa bao gồm phát ban, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và khó thở. Tuy nhiên hiếm có trường hợp dị ứng đậu nành gây sốc phản vệ.Nhiều trường hợp dị ứng đậu nành cũng dễ có phản ứng với các loại thực phẩm như đậu xanh, lúa mạch đen và bột lúa mạch.
8. Lúa mì
Dị ứng với lúa mì cũng thường xảy ra ở trẻ em. Thường gặp trong các loại thực phẩm như: Bia, mì, xì dầu… Nguyên nhân dị ứng lúa mì là do các trường hợp không dung nạp gluten hay hội chứng kém hấp thu gluten. Gluten là một loại protein có trong lúa mì, yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen…
9. Nhộng
Đối với người ít ăn hay chưa ăn nhộng bao giờ, rất có thể sẽ bị dị ứng da như mẩn ngứa, nổi mụn,… Hơn nữa, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí có thể bị tử vong, bởi độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt độ và không mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa.
10. Dứa
Dứa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người chưa thành niên. Nhiễm trùng cổ họng và sưng trong cơ thể là triệu chứng phổ biến của tình trạng dị ứng này.
11. Socola
Mặc dù không phổ biến nhưng vẫn xảy ra dị ứng với socola. Do socola chứa bột ca cao mà một số người lại không hấp thụ được bột ca cao nên bị dị ứng. Những người bị dị ứng với socola cũng nên tránh các sản phẩm khác có chứa ca cao.
12. Dừa
Tuy hiếm gặp, nhưng dị ứng dừa thường rất nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Chính vì vậy các mẹ hết sức chú ý khi cho trẻ tiếp xúc với dừa. Nếu trẻ có biểu hiện của dị ứng các mẹ nhớ phải “cách ly” trẻ với dừa ngay nhé.
13. Thực phẩm chua
Thật ngạc nhiên khi các loại trái cây có vẻ rất hiền lành và rất tốt cho sức khỏe như dâu tây, cà chua, chanh… lại có thể là tác nhân gây dị ứng thực phẩm ở trẻ, nguyên do là hàm lượng axít cao.Nhiều em bé ăn những thực phẩm này thường bị mẩn đỏ quanh miệng. Đây là loại dị ứng nhẹ, bác sĩ khuyên các trẻ dưới một tuổi không nên ăn đồ chua.
14. Một số loại rau xanh
Một số loại rau xanh có hàm lượng nitrat cao có thể phản ứng không tốt với cơ địa của trẻ nhỏ. Do vậy, trẻ nhỏ nên thận trọng khi ăn các loại rau xanh này: rau bina, củ cải, cà rốt, củ cải xanh.