Trong nhiều trường hợp, trầm cảm trong thời kỳ chu sinh (khi mang thai và sau sinh) không được phát hiện và kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể là sức khỏe của bạn và những người xung quanh, bao gồm cả các mối quan hệ gia đình, vợ chồng và sự phát triển của thai nhi.
Hãy cùng Mẹ&Con tìm hiểu về chứng trầm cảm chu sinh để bạn và gia đình có sự chuẩn bị tinh thần thật tốt, tránh xa mọi nguy cơ cho chính mẹ, gia đình và bé yêu nhé!
Thế nào là trầm cảm chu sinh?
Quá trình mang thai và làm mẹ là một trong những thay đổi thú vị nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Bạn sẽ trải qua muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau từ vui sướng, phấn khích đến cả căng thẳng và lo lắng. Đặc biệt những thay đổi về thể chất trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đến tâm trạng và cảm xúc của bạn. Điều đó dẫn đến những cảm xúc “nắng mưa” thất thường của nhiều phụ nữ mang thai.
Bạn có thể đã từng nghe thấy những thuật ngữ này trước đây, nhưng còn băn khoăn về ý nghĩa thực sự của chúng. Cụ thể là:
- Chu sinh được hiểu là khoảng thời gian xung quanh thời điểm mẹ sinh em bé được tính từ tuần thứ 28 đến hết ngày thứ 7 sau khi sinh (tuần đầu sau sinh).
- Về chứng trầm cảm sau sinh, cứ sáu phụ nữ thì có đến một người rơi vào tình trạng này. Triệu chứng có thể phát triển từ một tháng đến một năm sau khi sinh.
Bởi vì trầm cảm có thể bắt đầu trước hoặc trong thai kỳ và tiếp tục kéo dài sau khi sinh em bé, thế nên thuật ngữ “trầm cảm chu sinh” dùng để đặc tả trường hợp này. Đặc biệt, tình trạng này hoàn toàn có thể lặp lại khi bạn mang thai lần thứ 2.
Phân biệt trầm cảm chu sinh và hội chứng “baby blues”
Nhiều phụ nữ trải qua “baby blues” giữa ngày thứ ba và thứ mười sau khi sinh do sự thay đổi nồng độ hormone. Bạn có thể cảm thấy muốn khóc vì kiệt sức, nhưng điều này thường sẽ hết trong vòng vài ngày mà không cần bất kỳ sự can thiệp của quá trình trị liệu tâm lý nào. Chỉ cần người mẹ luôn được quan tâm chăm sóc một cách đúng đắn thì “baby blues” cũng từ đó mà qua nhanh.
Thông thường, hội chứng baby blues sẽ khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, nhưng chúng không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu baby blues của bạn kéo dài và tình hình ngày một trầm trọng thì đó có thể trở thành trầm cảm chu sinh.
Tôi bị trầm cảm… hay chỉ đang kiệt sức?
Việc thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống khi có thêm một thành viên mới có thể làm bạn kiệt sức. Thế nhưng, để nói đó có phải là trầm cảm hay không thì bạn cần hiểu rõ về bản thân mình! Hiện nay, sự lan tỏa về các cụm từ “trầm cảm sau sinh” và “trầm cảm khi mang thai” trên truyền thông khiến bạn dễ nhầm lẫn giữa các triệu chứng trầm cảm và kiệt sức thể chất.
Theo đó, một số thay đổi là trong quá trình mang thai và sinh con như việc thiếu ngủ do con khóc giữa đêm, mất cảm giác ngon miệng, nhịp sống thay đổi là những điều tất yếu… Do đó, bạn đừng vội kết luận rằng mình đang mắc chứng trầm cảm chu sinh. Thay vào đó, bạn nên học cách giúp chính bản thân thích ứng và sắp xếp lại cuộc sống trước khi căng thẳng gia tăng quá mức. Đó chính là những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy sự đau khổ, suy sụp, buồn bã kéo dài liên tục trong hai tuần trở lên, hãy đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay nhé!
Mạnh mẽ lên nào, các mẹ bầu dũng cảm!
Cuộc sống của bạn “đảo lộn” hoàn toàn vì sự xuất hiện của một thành viên mới. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên quá lo lắng vì hầu hết mọi việc sẽ “đâu lại vào đấy” khi bạn học được kinh nghiệm và lấy lại năng lượng tích cực cho mình mà thôi. Trầm cảm chu sinh có thể là một “trải nghiệm”, nhưng đừng buộc mình phải chịu đựng mà hãy dũng cảm tìm cách thoát ra nhé. Bạn sẽ làm được mà, đúng không nào?
Cùng Mẹ&Con chủ động trang bị những kiến thức và kỹ năng để việc mang thai và sinh con không còn là nỗi ám ảnh với bất kỳ người mẹ nào nữa nhé. Mẹ&Con chúc bạn luôn vui khỏe và trải qua hành trình làm mẹ thật nhiều điều đáng nhớ nhé!