Theo thống kê tại Việt Nam, tỉ lệ trầm cảm nặng sau sinh nở ở các bà mẹ lên tới 33% và có xu hướng tăng lên từng năm. Trầm cảm sau sinh khiến nhiều gia đình trở nên nặng nề, ảm đạm và xích mích thường xuyên hơn. Tuy nhiên, hiện nay không phải ông chồng nào cũng nhận thức được vấn đề này để bảo vệ cả mẹ và em bé.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh tâm lý này ở người mẹ? Cùng Mẹ&Con tìm hiểu ngay bạn nhé!
Vì sao mẹ trầm cảm nặng sau sinh?
Thiếu sự quan tâm và chăm sóc
Sau khi sinh con, nhiều người vui mừng, ẵm bé chơi đùa rất vui vẻ nhưng lại đẩy mọi trách nhiệm chăm sóc em bé cho một mình người mẹ. Do đó, người mẹ lúc này ít nhận được sự chăm sóc hơn lúc mang thai. Đây là sự hụt hẫng đầu tiên có thể nhận thấy. Chưa hết, nếu mẹ chăm con sai cách hoặc để con khóc quá lâu cũng bị quở trách và khó chịu thay vì tìm cách giúp đỡ.
Cảm giác không an toàn
Nếu mang thai lần đầu tiên, nhiều bà mẹ sẽ gặp tình trạng không biết cách bế con, không thể cho con bú, không biết làm gì khi con ọc sữa… Và mẹ dần tin rằng bản thân là một người mẹ thất bại, không làm được gì cho con… Điều này đã dẫn đến tình trạng trầm cảm nặng sau sinh ở nhiều bà mẹ hiện nay.
Không thể đi ra ngoài
Trong thời gian đầu khi ở cữ, nhiều mẹ không được phép ra ngoài mà bắt buộc phải ở nhà. Điều này khiến người phụ nữ cảm thấy mất tự do và bị tách biệt khỏi xã hội. Chính vì thế, họ dễ nảy sinh ra những suy nghĩ tiêu cực.
Thay đổi về ngoại hình
Người ta thường nói “gái một con trông mòn con mắt” nhưng đâu ai thấu tình trạng mỡ ú na ú nù, rạn da, rụng tóc, sạm da…sau khi sinh. Những so sánh ngoại hình trước và sau hoặc với những người khác khiến bản thân người phụ nữ trở nên tự ti và dễ tổn thương hơn.
Bị phụ thuộc vào người khác
Nhiều người lần đầu tiên sinh em bé và rất ít kiến thức chăm sóc em, nên thường bị áp đặt bởi những người lớn tuổi. Ngoài ra, một số người phụ nữ trước khi nghỉ thai sản tự chủ tài chính nhưng sau khi nghỉ đẻ không làm ra tiền nên cảm giác “mất giá” và bị phụ thuộc vào người chồng quá nhiều.
Làm gì để tránh trầm cảm nặng sau sinh?
Suy nghĩ tích cực
Vấn đề này thực chất bất kỳ người phụ nữ nào cũng sẽ phải trải qua. Mấu chốt vẫn là suy nghĩ của mẹ, tự tạo động lực và sức mạnh cho chính mình. Vì “điều gì rồi cũng sẽ qua” và khi mọi thứ đi vào quỹ đạo thì chúng ta sẽ ổn cả thôi.
Chế độ ăn hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng và tuyệt đối không bỏ bữa sẽ giúp bé khỏe mạnh và mẹ cũng yên tâm hơn.
Chăm sóc bản thân
Việc cải thiện vóc dáng trong những thời kỳ đầu là rất khó. Vì thế, các mẹ hãy tìm cho mình những thú vui riêng để bản thân luôn trong trạng thái tích cực, hạn chế để mình rơi vào trạng thái trầm cảm nặng sau sinh.
Ăn socola đen và chuối
Ăn một lượng nhỏ socola đen sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu và tăng cường sự tập trung, cho bạn cảm giác tràn đầy sinh lực hơn. Bên cạnh đó chuối giàu vitamin B cung cấp năng lượng, đẩy lùi cảm giác buồn bã, chán nản hoặc khó chịu.
Và điều quan trọng nhất là chăm sóc trẻ sơ sinh không chỉ trách nhiệm của mỗi người mẹ mà còn là trách nhiệm của cả người cha, người chồng. Họ phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho vợ trong giai đoạn này bằng cách quan tâm, thông cảm, đồng thời sắp xếp thời gian hợp lý để cùng vợ chăm con. Như vậy thì mẹ mới không bị mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh.
Mẹ&Con chúc mẹ nhanh chóng vượt qua tình trạng trầm cảm nặng sau sinh và tận hưởng những ngày làm mẹ thật tuyệt vời nhé!