Những ca hóc thạch kinh hoàng
Thỉnh thoảng đọc báo, xem đài, hẳn là mẹ cũng từng nghe qua những vụ trẻ bị hóc thạch rau câu dẫn đến tử vong. Điển hình là sự việc diễn ra vào tháng 12 năm 2018 của một bé trai 11 tháng tuổi (Nghệ An) không may bị hóc thạch rau câu. Lúc người nhà phát hiện thì toàn thân bé đã tím tái. Mặc dù được đưa đến bệnh viện nhưng tình trạng của bé rất nặng. Bé đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở, đồng tử 2 bên đã giãn và không còn phản xạ thần kinh.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất vào ngày 18/9 vừa qua tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cũng xảy ra vụ việc tương tự. Nạn nhân là một bé trai chỉ mới 20 tháng tuổi. Trong khi trông giữ cháu, người giữ trẻ đã cho cháu ăn thạch rau câu. Sau đó, cháu có biểu hiện ho, sặc, toàn thân tím tái rồi ngất xỉu. Khi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện thì bé đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bé bị sặc thạch rau câu, dẫn đến ngạt đường thở, ngưng tim, thiếu oxy lên não.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc thạch rau câu đã xảy ra. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh cần cẩn thận hơn khi cho con ăn rau câu hay các thức ăn dễ hóc khác.
Sơ cứu trẻ bị hóc thạch rau câu bằng thủ thuật Heimlich
Khoảng 5-10 phút sau khi trẻ bị hóc dị vật, đây được xem là thời gian “vàng” để sơ cứu giúp trẻ thoát khỏi “cửa tử thần”. Qua thời gian này, trẻ dễ rơi vào trạng thái nguy hiểm. Vì vậy, khi phát hiện con bị hóc dị vật, bố mẹ cần biết cách sơ cứu đúng cách và đưa con đi bệnh viện kịp thời.
Tốt hơn hết, bố mẹ nên “bỏ túi” cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật bằng thủ thuật Heimlich để áp dụng lúc cần.
- Phương pháp vỗ lưng ấn ngực
Phương pháp này áp dụng cho những trẻ dưới 2 tuổi. Cụ thể các bước như sau:
Bước 1: Ngay khi phát hiện em bé bị hóc dị vật, mẹ đặt con nằm sấp trên tay. Nếu bé nặng, mẹ có thể dùng một tay đỡ phần cổ, còn phần dưới đặt lên chân. Lưu ý để đầu bé chúc xuống nhưng cổ thẳng.
Bước 2: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ mạnh khoảng 5-7 cái vào lưng bé. Khi vỗ vào phần giữa hai xương bả vai sẽ tạo áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên, từ đó đẩy dị vật ra ngoài.
Bước 3: Nếu vẫn thấy trẻ khó thở, tím tái, mẹ nên đặt bé nằm ngửa. Sau đó dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh vào vùng thượng vị (chỗ giữa ngực, trên rốn, dưới xương ức). Làm liên tục tới khi nào bé thấy tỉnh táo hơn.
Lưu ý:
– Song song với quá trình sơ cứu trẻ bị hóc thạch rau câu, bố hoặc mẹ nên gọi xe cứu thương.
– Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì bố mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.
- Phương pháp ép bụng
Phương pháp này áp dụng cho những trẻ trên 2 tuổi. Trước tiên, để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang người bé sao cho lưng bé áp sát vào bụng mình, để tay dưới xương ức trẻ, dùng sức mạnh xốc bé lên 5 cái. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.
Trường hợp trẻ hôn mê, bố mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé vào viện ngay.
Trẻ bị hóc thạch rau câu nói riêng và những trẻ hóc dị vật nói chung, mọi bước sơ cứu cần được thực hiện kịp thời. Sau khi thực hiện các bước sơ cứu, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Vì vậy mọi hoạt động chơi đùa, ăn uống của trẻ Mẹ&Con nhắc bạn luôn giám sát chặt chẽ, trang bị những kỹ năng sơ cứu kịp thời để đề phòng bất trắc nhé!