Mẹ&Con - Dịp cuối năm, bạn và gia đình, trong đó có cả bé yêu chắc chắn sẽ không tránh khỏi những buổi tiệc tùng. Nhưng ăn uống như thế nào, tổ chức tiệc ra sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, nhất là của bé yêu?

Tiệc tùng và sức khỏe của bé

1. Nhập tiệc đúng giờ

Điều này hẳn là bạn có thể thu xếp được. Thay vì để bữa tiệc bắt đầu quá muộn, bạn có thể điều chỉnh thời gian nhập tiệc gần với khoảng thời gian của bữa cơm ngày thường. Nếu không được, hãy chịu khó cho bé ăn trước, để ít nhất bé yêu của bạn có thể đảm bảo giờ ăn không xáo trộn.

Bạn nên biết, cơ chế hoạt động của dạ dày rất giống với chiếc đồng hồ. Nếu bạn “chỉnh giờ” lung tung, cơ thể sẽ xáo trộn theo. Song song với việc giúp bé ăn đúng giờ, hãy để ý đừng cho bé ăn vặt giữa các bữa chính. Bánh kẹo, trái cây, nước ngọt là những thứ không nên để bé “thả ga” nạp vào. Vì nếu thế, đến bữa chính bé chẳng thể nào ăn nổi.

2. Ăn chậm nhai kỹ

Quá ham thích với các món ngon lạ trên bàn tiệc, bé yêu dễ ăn ngấu nghiến mà không chịu nhai kỹ. Việc này dễ dẫn tới trướng bụng, đầy hơi, mắc nghẹn, ăn quá no, nạp nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, thậm chí là có thể bị bội thực sau đó. Bạn cần nhắc nhở con, để ý xem cách bé ăn và dặn dò bé nhai kỹ, ăn chậm lại ngay nếu thấy bé nhai nuốt nhanh quá mức.

Việc ăn chậm, nhai kỹ không những giúp dạ dày của bé sau đó đỡ mệt mà còn giúp cơ thể kịp thời “báo động” rằng bé đã no, để bé dừng ăn.

> 7 sai lầm khi chăm sóc răng miệng cho con

> 3 căn bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ

3. Luôn có rau củ

Trong những bữa tiệc cuối năm, “thành phần” xuất hiện nhiều nhất luôn là thịt cá. Trong khi đó, lượng rau củ, canh, các món rau luộc, rau xào lại thường rất ít. Bạn phải để ý điều này vì với chế độ ăn bị lệch như thế, bé rất dễ táo bón. Cần đảm bảo cho bé có một cái bụng “nhẹ nhàng” sau bữa ăn, không bị “táo” ngày hôm sau bằng cách bổ sung thêm trong bữa tiệc một tô canh nóng, một dĩa rau xào.

Nhắc nhở bé ăn rau củ nhiều. Ngoài ra, bạn có thể “dặm” thêm cho bé trong những ngày tiệc tùng thế này một ly sinh tố, một ít trái cây tươi, một hũ yaourt. Đó là những cách giúp bé nhẹ bụng và dù ăn tiệc vẫn không gặp phải trở ngại nào về tiêu hóa.

tiệc tùng và sức khỏe của bé


Ảnh minh họa

4. Đừng quên nước lọc!

Để tỏ lòng hiếu khách và để khiến những bữa tiệc thêm tưng bừng, thứ thức uống xuất hiện trên bàn tiệc thường là rượu bia cho người lớn và nước ngọt cho trẻ em. Tuy nhiên, xin bạn nhớ rằng nước lọc mới là thứ bé yêu cần. Nước lọc giúp bé tránh bị táo bón, giúp đảm bảo lượng đường trong máu hoàn toàn bình thường, không tăng cao như khi bé “tu” cả lon nước ngọt.

Hãy đặt trên bàn một ly nước lọc thay cho lon nước ngọt. Nhớ là đừng bỏ đá, vì nước đá mua ngoài vào giai đoạn lễ Tết cuối năm này rất mất vệ sinh (phải sản xuất nhanh, nhiều để kịp cung cấp cho thị trường). Nước đá cũng khiến dạ dày của bé co thắt bất thường, không hề tốt cho sức khỏe.

5. Tránh xa khói thuốc

Lẽ ra “món” này không thuộc phạm trù dinh dưỡng, song vẫn phải nhắc đến nó vì hầu như buổi tiệc nào cuối năm cũng có sự hiện diện của nó và bé yêu của bạn chính là đối tượng đầu tiên lãnh đủ dù bé không hề hút.

Người Việt Nam vẫn chưa có thói quen tìm khu vực riêng để hút thuốc mà vẫn xem việc phì phèo điếu thuốc giữa buổi tiệc như “quyền” của cánh đàn ông và chẳng ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rõ tác hại của khói thuốc và phải lên những quy tắc nhất định cho gia đình mình.

Hoặc là mọi người không hút thuốc, cần hút thì đi ra ngoài ban công hoặc ngoài đường, nơi không có trẻ nhỏ. Hoặc là bạn nên cho bé ở nhà, cho bé ở trong phòng hoặc khu vực riêng biệt để bé có thể vui đùa cùng những đứa trẻ khác, thay vì ngồi cùng ba mẹ và hít khói thuốc từ đầu đến cuối buổi.

6. Rửa sạch rau sống

Một trong những món rất dễ xuất hiện trong tiệc cuối năm là lẩu. Và tất nhiên, hễ ăn lẩu thì phải có dĩa rau sống đi kèm. Bạn cần lưu ý thật kỹ đến món này vì lẩu là một trong những món “tiệc tùng” rất dễ gây nguy cơ với bé yêu. Nguyên nhân là các món tôm, cua, thịt, hải sản, v.v. cho vào lẩu chưa chắc đã chín kỹ, có thể chỉ trụng sơ nên rất dễ gây nhiễm ký sinh trùng.

Rau sống cũng là một món rất đáng e ngại, phần thì do trứng giun sán, phần thì do lượng hóa chất, thuốc trừ sâu có thể vẫn còn trên đó. Vì vậy, nếu như bạn đang tiệc tùng ở nhà hàng, quán ăn, nếu gọi lẩu thì tốt nhất đừng cho bé ăn.

Nếu làm tiệc ở nhà và có món lẩu, bạn cần đảm bảo trụng kỹ từng món cho bé, cũng như phải rửa sạch rau qua nhiều nước, ngâm rau bằng nước muối trước đó để đảm bảo an toàn cho bé.

7. Đừng để bé “chung vui” quá lâu!

Bé nên ăn nhanh gọn bữa ăn của mình, sau đó bạn có thể đưa bé ra khu vực khác vui chơi. Tránh để con ngồi một chỗ quá lâu, nhất là trong không khí tiệc tùng. Những âm thanh huyên náo, nói cười ồn ã của người lớn rất dễ khiến bé thấy mệt mỏi. Thêm vào đó, đừng quên rằng môi trường hỗn độn nhiều người là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút thâm nhập vào cơ thể.

Bạn không nên cho bé ăn các món ăn đã nguội ngắc, lạnh tanh theo kiểu người lớn “lai rai” 3 – 4 tiếng đồng hồ. Thức ăn nguội lạnh rất dễ nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Như đã nói, tốt hơn hết, nên cho bé ăn thức ăn nóng sốt ngay khi nó vừa được dọn lên bàn tiệc. Bé ăn nhanh, sau đó kết thúc bữa ăn như vẫn làm trong những ngày thường.

> 8 cách giữ an toàn cho trẻ

Bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc

Nhắc bé duy trì vận động

Sự vận động sẽ có ảnh hưởng đến chuyện ăn uống, tiêu hóa của bé. Các hình thức như đi bộ, vận động trong những ngày tiệc tùng nhiều sẽ khiến cho cơ bụng làm việc tốt, kích thích tiêu hóa tốt. Vì vậy, trong mùa tiệc tùng cuối năm này, bạn nên duy trì thói quen đi bộ 30 phút/ngày và hướng dẫn con đi bộ, vận động cùng mình buổi sáng nhé.

> 12 trò chơi cho trẻ em không nghiện tivi, điện thoại

Tags:

Bài viết liên quan