Tai nạn do bất cẩn từ cha mẹ
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận cháu Đỗ Văn Th (6 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) trong tình trạng rất nguy kịch với chiếc tuốc nơ vít (loại dài 40 cm) đâm vào vùng cổ và khi gia đình đưa vào, tuốc nơ vít vẫn còn tại vết thương.
Sau khi cấp cứu và chụp X-quang rất khẩn trương, các bác sĩ xác định đầu tuốc nơ vít đi sát động mạch cảnh qua các đốt sống vào tới tuỷ cổ. Để có thể cứu sống cháu bé và hạn chế thấp nhất di chứng sau này, cuộc hội chẩn khẩn cấp dưới sự chủ trì của PGS.TS Lê Thanh Hải, giám đốc bệnh viện, quyết định huy động ngay các phẫu thuật viên có kinh nghiệm để nhanh chóng phẫu thuật cho cháu bé.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Sau gần 3 giờ phẫu thuật, tuốc nơ vít được lấy ra, phần mạch máu và tuỷ sống được bảo toàn. Cháu bé đã được cứu sống trong sự hân hoan của gia đình và các thầy thuốc. Người thân của cháu bé cho biết, tai nạn xảy ra khi cháu bé đang nô đùa ở nhà vào kỳ nghỉ. Khi thấy bố sửa xe máy, cháu bé đã nghịch. Cha mẹ bận không để ý, cháu cầm chiếc tuốc nơ vít đi chơi lung tung, không may bị ngã nên tuốc nơ vít đã đâm vào cổ, dẫn đến tai nạn đáng tiếc trên.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cấp cứu cho bé Nguyễn A.T. 3 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM khi bé bị đinh xuyên vào đầu. Người thân của cháu A.T cho biết trong lúc chạy giỡn đã té đập đầu xuống đống đồ chơi đang bày biện trên sàn nhà. Cây đinh của chiếc trống lắc đã đâm xuyên qua đầu bé ở vùng thái dương trái.
Trường hợp của bé trai Bùi Thanh T. nhập viện trong tình trạng đau bụng, nghi viêm ruột thừa. Khi phẫu thuật thấy tình trạng ruột viêm không tương ứng với mức độ đau bụng của bé nên các bác sĩ đã thám sát thêm và phát hiện bé bị thủng ruột vùng hồi tràng do một cây tăm.
Bé đã được vá lỗ thủng kèm cắt ruột thừa. Qua khai thác bệnh sử, được biết trưa hôm đó bé có ăn bún riêu với nhiều rau luộc. Vào ngày nghỉ cha mẹ cháu bé không trông con nên bé cầm lọ tăm nghịch và bất cẩn cây tăm lẫn vào trong rau. Khi ăn, cây tăm sau khi đã qua được dạ dày vào đến ruột non. Do cấu tạo của ruột non mềm, nhỏ và mỏng, tăm đã chọc thủng ruột.
Cảnh báo tai nạn chấn thương sọ não ở trẻ
Trường hợp khác, bé Nguyễn Hoài H. Th trú tại Tân Bình, TP.HCM nhập viện do chấn thương sọ não. Theo người thân, trong lúc cháu bé nô nghịch với các anh chị đã bị trượt chân té cầu thang xuống đất. Sau đó, cháu có triệu trứng nôn ói và đau đầu.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp), thường gặp nhất là té cầu thang, té giường, té võng hay do người lớn bồng ẵm tuột tay.
Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu. Bác sĩ Trương Mậu Anh khoa Ngoại cho biết, chấn thương sọ não thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1-6. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị chấn thương do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não.
Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên.
Không phải tất cả các trường hợp té đều cần phải chụp X-quang hay chụp CT sọ kiểm tra. Tuy nhiên các trường hợp té ở trẻ nhỏ đều cần được theo dõi cẩn thận các triệu chứng báo động sau để được xử trí sớm như: Tình trạng lúc tỉnh lúc mê, ngủ mê kêu không thức dậy, nhức đầu dữ dội, lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong, ói mửa nhiều lần, co giật tay chân, sưng lớn nơi da đầu.