Nói về sự khác biệt trong tính cách của trẻ, bác sĩ cho rằng: Trong một gia đình có từ 2 đứa con, tôi tin rằng có không ít sự khác biệt về tính cách, dù đó là trẻ sinh đôi cùng trứng. Có đứa giỏi giang biết lo toan, có đứa nhút nhát ỷ lại, có đứa luôn là bóng của đứa còn lại. Chính vì thế nên ngày xưa các cụ mới hay có câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, việc này thực sự đúng khi khoa học nhận ra rằng “ông trời” ở đây lại là bộ gen của từng đứa trẻ.
Hơn hết, khoa học cũng nhận ra rằng “nếu biết cách giáo dục và định hướng đúng theo từng nét tính cách thì mọi đứa trẻ đều đi đến thành công.
Thực tế, chúng ta thường nghiêng vào 1 trong 5 nhóm tính cách lớn sau: Hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu, sẵn sàng trải nghiệm, tâm lý nhạy cảm.
Chúng ta cần chấp nhận tính cách như một nét riêng của mỗi người. Đừng bao giờ nói rằng: tôi có tính cách tâm lý bất ổn chắc tôi là 1 người thất bại hoặc nhiều điều tiêu cực xảy ra với tôi. Hoàn toàn sai! Nó đơn giản chỉ là “cái riêng của chúng ta”. Điều quan trọng là biết những gì cần làm để phục vụ “cái riêng của chúng ta”. Giống như tôi có đôi bàn chân to, tôi phải mua đôi giầy cỡ to và đúng size, tôi vẫn là tôi, tôi vẫn leo núi giỏi như bao người khác với đôi giầy vừa cỡ tôi. Đây là 1 ví dụ cho bạn biết rằng: Không ai sinh ra là thành công hay thất bại, quan trọng là cách họ chọn để sống thành công hay thất bại.
Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa các tính cách trong tương lai?
Tôi sẽ lấy lại câu “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” để nói rõ hơn về vai trò của bộ gen đã tạo nên 1 loại tính cách mà bạn có thể có. Câu nói trên đúng ở chỗ cha mẹ của bạn không hề có vai trò trong tạo tính cách của bạn. Mỗi người chỉ cho bạn 1/2 bộ gen di truyền của họ, nhưng chính các biến dị ngẫu nhiên đã tạo nên 1 sự khác biệt 0.1% giữa mỗi người, mỗi đứa con và tính cách cũng nằm trong đây. Vậy khởi điểm của bạn là hoàn ngẫu nhiên và của riêng bạn. Bây giờ bạn có thể hiểu được rằng: Mỗi đứa con tôi sinh ra có thể sẽ có những tính cách khác nhau. Đó là của riêng chúng!
Tuy nhiên, sau khi các con được sinh ra, với mỗi tính cách cần có 1 cách giáo dục, cách thúc đẩy tương ứng với tính cách của từng trẻ. Chúng ta dừng lại ở đây 1 tí! Vậy vai trò của môi trường tác động đang làm phát triển tính cách của trẻ. Đó là vai trò của cha mẹ, vai trò xã hội. Sự khác biệt thành công trong tương lai là nằm ở cách chúng ta dạy dỗ.
Mỗi nhóm tính cách cần một cách tương tác để trẻ có thể thành công
1. Nhóm hướng ngoại:
Trẻ thuộc nhóm này có đặc điểm ưa hoạt động, hay nói, trẻ thường là điểm kết nối cho những mối quan hệ và hoạt động.
Xu hướng dễ đi lệch: Thích tham gia các hoạt động hội nhóm, nhưng ít phân biệt tốt – xấu. Thích được nghe lời khen tặng.
Cách tương tác với nhóm tính cách này: Giúp trẻ tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội (ví dụ một cuộc thi nào đó, một câu lạc bộ đánh cờ, thể thao). Các hoạt động này nên tạo ra 1 giá trị mà trẻ có thể nhìn thấy được. Điều này sẽ giúp trẻ phát huy được tính cách chủ động của bản thân, nhìn thấy giá trị của mình, trẻ có khuynh hướng tạo giá trị tích cực, thay vì các giá trị tiêu cực như nhập hội chơi game, đánh lộn vô cớ. Tránh khen tặng quá nhiều, chỉ khen khi trẻ có nỗ lực. Thái độ quan tâm mỗi thành quả và quy trình của con là đều quan trọng.
2. Nhóm tâm lý nhạy cảm:
Đặc điểm của trẻ thuộc nhóm này là thường có nhiều cảm xúc hơn ví dụ xảy ra chuyện chuyện gì đó trẻ vừa lo lắng cho bản thân, cũng vừa lo lắng cho ai đó luôn. Nếu nhìn ở khía cạnh quan tâm, trẻ là 1 người rất đặc biệt, dễ được yêu thương. Nhưng nhìn khía cạnh khác trẻ có thể dễ đa sầu đa cảm, dễ bị tác động.
Xu hướng dễ đi lạc: Buồn chán vì không đạt mục tiêu. Thiếu tự tin trong 1 hoạt động mới.
Cách tương tác: Từ nhỏ, hãy giúp trẻ tham gia bất kì hoạt động nào cũng cho con biết mục tiêu cần đạt được. Nên đặt mục tiêu nhỏ và có thể đạt được. Trẻ với tính cách này thường rất cẩn trọng, nếu trẻ biết chính sự cẩn trọng này giúp mình hoàn thành mục tiêu thì trẻ không còn thiếu tự tin nữa, và sẽ biết chia nhỏ từng bước để đạt mục tiêu lớn khi trưởng thành.
Cha mẹ đừng để trẻ tránh các cảm xúc tiêu cực. Khi con buồn thì cứ để con trải nghiệm cảm giác buồn, muốn khóc cứ khóc và nói ra điều làm trẻ buồn. Khi con thất bại, bố mẹ và con cùng làm lại. Trẻ cũng cần bố mẹ chia sẻ những trải nghiệm cảm xúc tiêu cực mà bố mẹ từng trải qua. Con sẽ học được rằng ai cũng phải trải qua nó, rồi ai cũng sẽ ổn sau đó.
3. Nhóm tận tâm:
Đặc điểm của nhóm tính cách này là trẻ thường có ý thức về trách nhiệm với bản thân và người khác, biết kỷ luật bản thân. Thích chia sẻ và an ủi người khác. Biết kéo tay bạn và hỏi: Sao cụ già ngồi đây buồn bã vậy mẹ?
Cách tương tác: Cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội để nhận thức về các gía trị vô hình như sự cho đi, sự yêu thương, sự dũng cảm. Khi trải nghiệm những điều này, trẻ sẽ trở thành 1 người có trách nhiệm và có xu thế để trở thành người dẫn đầu. Trong hoạt động vui chơi, bạn hãy để con có cơ hội tự suy nghĩ, tự giải quyết vấn đề.
4. Nhóm dễ chịu:
Đặc điểm của trẻ nhóm tính cách này là có xu hướng dễ thỏa hiệp và chấp nhận điều kiện của ai đó. Trẻ rất dễ tiếp cận với những người khó tính. Hầu như được mọi người yêu mến.
Xu hướng dễ đi lạc: Chấp nhận thỏa hiệp không an toàn. Dễ được mọi người yêu quý, nhưng cũng dễ bị ai đó lợi dụng.
Cách tương tác: Trẻ cần được làm quen với các hoạt động có tính tự quyết định và giải thích tại sao mình chọn quyết định đó. Tránh các hành động cấm đoán cực đoan hoặc dễ dãi chấp nhận vì sẽ cho trẻ khái niệm không cần suy nghĩ phản biện khi thỏa hiệp. Các hoạt động tư duy như chơi cờ, xếp hình, giải mật mã là hoạt động thử thách với trẻ nhóm này, nhưng rất có lợi để giúp trẻ đi đến quyết định sau suy nghĩ. Đi đâu, mua gì, tô màu gì, chơi như thế nào luôn cần câu trả lời của trẻ trước và cần luôn lý do tại sao trẻ chọn?
5. Nhóm sẵn sàng trải nghiệm:
Trẻ thuộc nhóm tính cách này thích các hoạt động mới và năng động tham gia. Không ngại khó và vất vả.
Xu hướng dễ đi lạc: Trẻ dễ nhàm chán và không phát huy được sự thành công rực rỡ của cuộc chơi/ hoạt động.
Cách tương tác: Khi khai khác chơi 1 trò chơi với trẻ, bạn sẽ thấy trẻ hứng thú ngay bước đầu, dễ dàng nắm bắt các bước và hoàn thành nhanh chóng. Sau đó con không muốn chơi nữa bởi vì không khai thác hết cấp độ của nó mà vội chuyển trò chơi mới. Để hạn chế điều này, bạn chọn trò chơi có tính cấp độ từ dễ đến khó hoặc có thể mở rộng cách chơi và tình huống chơi. Có như vậy, trẻ sẽ bị cuốn vào cuộc chơi và bắt đầu tư duy tốt hơn.