Mẹ&Con - Quang chen vào đám đông hiếu kỳ để trao giỏ tận tay cho cô gái, khi ấy cô còn chưa tỉnh hẳn, tay chân bị trầy xước và chảy máu nhiều chỗ. Anh ái ngại lách ra khỏi đám đông thật nhanh, tránh cái nhìn mọi người đang đổ dồn về anh - một người hùng... Bất ngờ 'sóng' nổi Cuộc điện thoại lúc nửa đêm Em không thể giữ chiếc mặt nạ để đến với anh...

Lí trí có thể mách bảo ta điều ta phả tránh. Còn con tim sẽ chỉ cho ta biết điều phải làm

Joubert

***

– Không, em không làm được điều đó!

Quang vùng chạy, cố thoát khỏi cái nhìn kiên quyết của Long. Dãy hành lang bệnh viện tối đen, dài hun hút và tưởng chừng như không có điểm đến. Giống như tương lai của Quang vậy, không biết rồi sẽ đi về đâu? Nhưng đó không phải là điều khiến Quang trăn trở lúc này. Mẹ Quang, người đã vắt cạn kiệt tuổi thanh xuân để nuôi lớn anh em Quang, giờ nằm khô héo trên giường bệnh. Bác sĩ cho hay bà sẽ chết nếu không có đủ số tiền cho ca phẫu thuật. Hơn hai mươi tuổi, chưa lần nào Quang cảm nhận hết được nỗi thống khổ của cái nghèo như lần này. Anh trừng mắt nhìn cái thằng tên Quang ở trong gương, rồi lại nhếch môi cười. Cái nhìn của thất vọng, tủi hổ, thương hại và cả oán hận trộn lẫn vào nhau khiến Quang muốn gào lên thật lớn, muốn đập phá một thứ gì đó, may ra có thoát nổi cảm giác khó chịu trong lúc này?

Tiếng loa phóng thanh của cô y tá khiến bước chân Quang khựng lại, cũng với câu nói mà anh đã nghe quá ba lần trong một buổi tối, giọng cô có phần gắt gỏng hơn: “Đề nghị người nhà bệnh nhân giường số 8, phòng X lên đóng tiền phẫu thuật. Nếu chậm trễ chúng tôi không đảm bảo sinh mạng bệnh nhân”.

Chiếc xe phân khối lớn màu đỏ thắng két trước mặt Quang. Long chìa ra xấp giấy tờ đồng ý làm thủ tục phẫu thuật, kèm theo tờ giấy nợ với dòng hẹn ngày trả to đùng. Giọng anh gằn lên:

– Không có cách nào khác, em phải theo anh!

Lạy trời! Cho dù cuộc sống có đẩy anh em Quang vào bước đường cùng thì Quang cũng chưa nghĩ tới việc này; đi giật túi. Cái nhìn tóe lửa của Long cộng với tình mẫu tử sâu nặng – người mẹ mà anh thương yêu nhất đang dần cách biệt cuộc sống. Cứ nghĩ đến đó lòng Quang đau quặn lại. Quang quyết định leo lên xe Long.

Con đường quốc lộ nhập nhòa bởi ánh đèn màu. Chiếc xe xé toạc không khí lao đi vun vút. Quang thấy như mình đang trôi vào không gian, nơi đó có tuổi thơ mình rong ruổi trên những con đường nhầy nhụa đầy rác rưởi, những cánh đồng hoang xơ xác chỉ ngập toàn nắng. Người Quang lúc nào cũng lem luốc và hôi tanh mùi rác rưởi, ngay cả khi mẹ vừa kỳ cọ cho Quang thật sạch bằng dòng nước trong xanh của con sông bên kia chân đồi. Khi ấy Quang sung sướng xòe lòng bàn tay trắng tinh nghĩ bụng bọn trong xóm hôm nay sẽ không bỏ chạy khi thấy Quang như mọi bữa, không ngờ vừa về đến đầu hẻm, thấy Quang bọn chúng đồng thanh la lên: “Thằng lượm rác, mẹ con thằng lượm rác về kìa tụi bay ơi!”. Có hôm anh Long nghe được, anh quẳng bao rác sừng sộ đuổi theo, mẹ phải gào lên: “Thôi đi, Long!”. Anh Long thuộc loại “cứng đầu cứng cổ” hơn Quang, nhưng chỉ cần thấy mẹ rớm nước mắt là dù gì anh cũng nghe lời.

mon-qua-cua-cuoc-song

Khi đó, nhà Quang ở trong một căn chòi dựng tạm ở cạnh đống rác to tướng, nơi mà mọi người đi ngang đều phải nín thở khó chịu vì mùi hôi thối bốc lên. Một ngày của mẹ con Quang bắt đầu vào lúc ba giờ sáng, khi những xe rác lần lượt tụ tập về. Tối nào trước khi đi ngủ mẹ cũng nhẹ nhàng hôn lên trán Quang, thủ thỉ: “Con của mẹ ngoan đừng gây gổ với mấy bạn trong xóm nghe con. Mai này con lớn mẹ sẽ cho con đi học để không phải làm nghề lượm rác như mẹ. Mà con trai mẹ thích làm nghề gì nào?”. Quang vùi sâu vào ngực mẹ đáp ngây ngô: “Con thích làm nghề gì đó mà có nhiều bạn cơ!”. Mẹ quay vô giấu giọt nước mắt, nhẹ nhàng nói với Quang: “Con cứ sống tốt, biết quan tâm đến mọi người rồi con sẽ có nhiều bạn thôi”.

Một buổi sáng, trong lúc đang rong ruổi theo chân mẹ ra phía đầu phố, bất ngờ mắt Quang chạm phải chiếc túi ai đó đánh rơi ven đường. Không chút ngần ngại Quang tiến đến vội vã mở ra. Quang không tin vào mắt mình, lần đầu tiên trông thấy món tiền lớn như thế. Số tiền mà mẹ con Quang có lầm lũi cả đời cộng lại cũng không bằng. Đang lúc không biết phải thế nào thì mẹ xuất hiện. Không chút nghĩ ngợi, mẹ một tay cầm túi tiền, tay kia dắt Quang quay ngược về trong xóm.

Nhận lại số tiền đã mất, người phụ nữ có khuân mặt phúc hậu nhìn mẹ con Quang bằng ánh nhìn biết ơn. Từ đó, mọi người trong xóm không còn cái nhìn miệt thị mỗi khi mẹ con Quang đi ngang. Cũng từ sau sự kiện ấy mà Quang có thêm rất nhiều bạn, nhưng Quang thân nhất với bé Ti, con gái của người phụ nữ mất tiền hôm nọ.

– Chuẩn bị đi, Quang! – Giọng Long vang lên cắt ngang hồi ức tuổi thơ êm đẹp trong Quang.

– Đấy, đứa con gái chạy chiếc xe trắng, mặc áo đỏ đang nghe điện thoại kìa! Chú ý cái giỏ kẹp hờ trước rổ xe của nó.

Bỗng dưng Quang thấy hồi hộp:

– Anh ơi, hay là … tha cho cô ấy! Kiếm một tên con trai nào đó, dù gì cũng đỡ áy náy hơn.

Long trừng mắt:

– Mày điên rồi à! Bộ muốn vô tù ngồi lắm hay sao? Mình không phải dân chuyên nghiệp làm sao chạy thoát bọn con trai. Làm đi đừng nhiều lời nữa.

Bằng một động tác rất nhanh và dứt khoát, Quang giật phăng chiếc giỏ ra khỏi cọng kẽm thanh mảnh trên rổ xe. Chiếc xe máy rồ ga phóng đi. Quang kịp quay lại nhìn thấy cô gái chao đảo rồi té xấp xuống mặt đường.

Đèn đỏ. Chiếc xe thắng gấp tạo ra tiếng két khiến mọi người đổ dồn lại nhìn. Quang lúng túng nhìn xuống cái giỏ nằm gọn lỏn trong tay mình, cảm giác như hai chữ “ăn cướp” được in sẵn trên trán khiến mọi người đều biết. Chuyến ra tay đầu tiên đã thành công, nhưng sao thế này, hình ảnh của cô gái khiến Quang không tài nào hả hê với thành quả đạt được. Đập mạnh vai anh Long, Quang giục:

– Quay lại đi anh, cô ấy bị tai nạn.

Long gầm lên:

– Mày điên thật rồi!

Quang nói như van xin:

– Em nói thật, mình có thể túng quẫn mà đi ăn cắp chứ không thể gây hại đến tính mạng được.

Cuộc giằng co diễn ra rất nhanh nhưng đủ để gây chú ý cho anh công an đang làm nhiệm vụ ven đường. Long văng một câu chửi tục rồi đẩy Quang xuống đường phóng xe đi.

Quang chen vào đám đông hiếu kỳ để trao giỏ tận tay cho cô gái, khi ấy cô còn chưa tỉnh hẳn, tay chân bị trầy xước và chảy máu nhiều chỗ. Anh ái ngại lách ra khỏi đám đông thật nhanh, tránh cái nhìn mọi người đang đổ dồn về anh – một người hùng.

mon-qua-cua-cuoc-song

 ***

Trở lại bệnh viện vào sáng hôm sau, Quang sải từng bước chân thật dài cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Anh đã làm một việc đúng với lương tâm mình, mẹ mà biết được hẳn bà sẽ rất vui mừng. Gặp anh ở chân cầu thang, vị bác sĩ tươi cười niềm nở:

– Chúc mừng cậu nhé, mẹ cậu đã tai qua nạn khỏi rồi!

Quang thấy ngạc nhiên:

– Nhưng mà …

Ông cười khà khà:

– Mẹ cháu quả là có phước. Ông bà ta ngày xưa thường nói “Ở hiền gặp lành” là vậy đấy cháu! Hôm qua lúc anh em cháu vừa đi có hai anh phóng viên của báo Đời Sống đến, mang theo số tiền khá lớn, bảo là của bạn đọc ủng hộ. Có đưa theo cả tờ báo có bài viết về mẹ cháu của một cô phóng viên trẻ. Quang xúc động cầm lấy tờ báo có bài phóng sự được in trang nhất: Người phụ nữ nuôi hai con trai vào đại học bằng công việc thu gom rác.

 ***

Lần theo dòng địa chỉ của tòa soạn báo, anh muốn gặp cô phóng viên trẻ để cảm ơn. Anh thư ký toà soạn lộ vẻ tiếc nuối:

– Cô ấy mới nhập viện hôm qua, nếu muốn cậu có thể ghé thăm tại bệnh viện. Cô ấy sẽ rất vui nếu như bài báo của mình có sự tác động mạnh trong lòng độc giả như thế!

Trên giường bệnh, toàn thân cô bị băng bó bởi một màu trắng toát. Chỉ có khuân mặt là nguyên vẹn. Cô nhìn anh, chào bằng ánh mắt sáng và nụ cười đôn hậu. Nhưng Quang chưa kịp tươi cười chào lại, mắt anh đã chạm phải một vật quen quen; chiếc túi xách và cô gái thì vẫn mặc nguyên màu áo đỏ của ngày hôm qua.

Cảm giác tội lỗi bủa vây khiến Quang chỉ muốn biến mất khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Lạ thay, cô gái nhìn anh bằng ánh mắt tha thứ và cảm thông khiến anh không thể quay bước. Giọng cô cất lên thật nhẹ và ngọt:

– Em biết thế nào anh cũng ghé thăm em!

Quang lúng túng:

– Thực ra tui… anh đến để cảm ơn em về bài báo, nhờ nó mà mẹ anh thoát khỏi cái chết. Với lại anh còn đến để nói thật với em một chuyện, mong em tha thứ!

– Em đã biết cả rồi, anh chính là tên giật túi xách em hôm đó

Giọng cô tỉnh bơ càng khiến Quang giật thót người. Hóa ra cô đã biết mọi chuyện, giọng cô vẫn rất đỗi dịu dàng:

– Em biết từ lúc anh mang trả túi xách. Chứ có người hùng nào chiến thắng tội phạp lại run rẩy như thế đâu?

Cô nói xong và khúc khích cười khiến Quang vừa ngượng vừa xấu hổ.

Cô nhìn anh, giọng cứng cỏi

– Một thủ khoa học giỏi, hiếu thảo như anh, nhất định không phải người xấu. Anh không cần phải nghĩ ngợi nhiều đâu.

Quang thấy nhẹ nhõm. Bây giờ thì anh tin cuộc sống luôn dành món quà kỳ diệu nhất cho mỗi người.

Tags:

Bài viết liên quan