Chọn người cùng bạn chia sẻ những “gánh nặng” trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ. Con bạn khỏe mạnh hay ốm yếu, “măm” giỏi hay biếng ăn, sạch sẽ hay lấm lem, thậm chí phát triển trí tuệ bình thường hay gặp phải một số vấn đề không ổn về sức khỏe tâm thần đều có sự góp phần ít nhiều của “người mẹ” thứ hai này đấy.
1. Chọn người có kinh nghiệm
Chắc chắn, một cô gái chưa từng bao giờ trực tiếp chăm sóc trẻ em sẽ gặp khó khăn ngay nếu trở thành “vú em” cho bạn. Tuy nhiên, cũng đừng cực đoan đến mức khăng khăng đó phải là người đã lập gia đình, đã có con. Trong nhiều trường hợp, một phụ nữ chưa làm mẹ nhưng đã từng chăm em, chăm cháu, hoặc một cô gái đã qua trường lớp đào tạo về chăm sóc bé sơ sinh, như các nữ hộ sinh chẳng hạn, vẫn có thể làm tốt được công việc này. Tùy điều kiện kinh tế và điều kiện gia đình, bạn có thể chọn một người giúp mình trông em sao cho tốt nhất.
Có một điều cần lưu ý là nhiều người lớn tuy rất giàu kinh nghiệm, nhưng có thể có một số kiến thức không còn phù hợp với việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ hiện nay. Ví dụ như họ hay dùng những “mẹo” dân gian, những bài thuốc dân gian không được phép có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Bạn cần hiểu thật rõ người chăm bé của mình và chỉ chọn nếu hoàn toàn tin tưởng vào những kinh nghiệm, kiến thức khoa học của họ. Nếu không, cần có sự dặn dò, hướng dẫn, theo sát họ cẩn thận.
2. Chọn người có lý lịch rõ ràng
Không cần nói thêm quá nhiều về chuyện này. Bạn từng đọc các bài báo mà người bắt cóc trẻ lại chính là người giúp việc, người trực tiếp chăm sóc trẻ rồi đấy. Nếu bạn được người thân như bà nội, bà ngoại, chị em gái, họ hàng dưới quê… hỗ trợ chăm sóc thì quá tốt. Trong trường hợp cần tìm “vú em” thông qua các dịch vụ tuyển dụng, cần nghiên cứu lý lịch của họ thật chặt chẽ, có đủ thời gian để quan sát tính cách, ứng xử của người này trong cuộc sống đời thường.
3. Chọn người sạch sẽ, chu đáo
Vấn đề vệ sinh của người chăm bé sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con bạn. Do đó, bạn không thể lơ là. Nên để ý đến cả các chi tiết nhỏ như đầu tóc của họ ra sao, móng tay có được cắt ngắn, áo quần có sạch sẽ gọn gàng. Bạn cần thiết phải tìm hiểu cả về vấn đề sức khỏe của người chăm bé, chẳng hạn như họ có bị bệnh ngoài da, bệnh có khả năng lây truyền qua đường hô hấp, đường máu, đường ăn uống… hay không. Trong trường hợp bạn tuyển người để làm “vú em”, nhất thiết nên yêu cầu một phiếu khám sức khỏe tổng quát của họ.
Đừng cho rằng đây là những điều “nhạy cảm”, là đòi hỏi khắt khe. Thực tế rất nhiều lần bệnh viện phải cấp cứu trẻ mà nguyên nhân chỉ là do người giúp việc thiếu kiến thức, sơ ý, bất cẩn hoặc kém vệ sinh, là nguồn lây bệnh cho trẻ. Bạn cũng đừng ngại hắc nhở họ lưu ý đến những việc như rửa tay sạch sẽ trước khi cho bé ăn, chăm sóc bé…
4. Chọn người yêu thương trẻ em
Một lần nữa, lại phải nói rằng người thân (ông bà, chị em ruột, họ hàng gần…) là những chọn lựa quá lý tưởng vì tình yêu thương của họ dành cho bé yêu của bạn chắc chắn có một cách rất tự nhiên. Song, nhớ thêm rằng nếu bạn nhờ bà nội hoặc bà ngoại trông giúp, thì nên tính trước chuyện có thể có những bất đồng nảy sinh, dễ gây căng thẳng trong gia đình. Chẳng hạn bà quá thương mà chiều cháu theo những cách bạn không hề muốn. Bạn cần cùng với anh xã thống nhất những việc này từ đầu, để tránh mâu thuẫn xảy ra.
Trong trường hợp chọn người ngoài, nên đặc biệt quan sát thái độ của người giúp việc khi hành xử với bất kỳ đứa trẻ nào (chứ không chỉ là con bạn). Bạn nên đặt dấu chấm hỏi nghi ngờ ngay nếu vô tình thấy “vú em” của mình lén đánh hay quát tháo một đứa trẻ hàng xóm. Vì nếu không có tình yêu thương trẻ nhỏ từ trong tâm, thì sau lưng bạn, “vú em” vẫn có thể có những lúc tức bạn và sau đó lén “trút giận” lên… con bạn.
5. Chọn người có ngôn ngữ chuẩn xác
Nếu bạn có “nguyện vọng” con nói giọng miền nào (Nam, Trung, Bắc) thì tốt nhất là nên chọn người chăm bé có giọng nói của vùng miền tương thích. Người chăm bé cũng nên có cách phát âm chuẩn xác, không nói ngọng, không nói đớt, tuyệt đối không nói tục chửi thề hay quen dùng tiếng lóng. Nếu người thân của bạn gặp những vấn đề về phát âm, bạn cũng nên có sự cân nhắc nhất định khi quyết định nhờ người đó trực tiếp chăm sóc trẻ. Giọng nói, âm điệu của người chăm bé cũng cần êm ái, nhẹ nhàng, không chói tai. Đừng xem thường những chuyện này, cũng đừng tưởng chỉ đến khi trẻ tập nói, việc này mới thành quan trọng. Trẻ ảnh hưởng tâm lý theo ngữ điệu, giọng nói, ăn sâu các thói quen phát âm của người trực tiếp chăm sóc mình từ trước cả khi biết nói.
6. Chọn người biết chơi với bé
Không giao thêm việc nhà cho người chăm bé
Một đứa trẻ cần sự quan tâm tối đa, chăm sóc liên tục. Giao thêm những việc nhà khác như nấu ăn, dọn dẹp… sẽ khiến người chăm trẻ bị chi phối, dễ cáu gắt, khó tập trung nhiều cho trẻ, chăm trẻ không đủ tốt.
Cuối cùng, nên đối xử với người chăm trẻ thật tình cảm và chu đáo. Đừng nghĩ đấy là “vú em” mà hãy luôn nhớ rằng đó là người đã chia sẻ với bạn mọi khó khăn trong quá trình làm mẹ, giúp bé được nuôi lớn, khỏe mạnh, thông minh.
Bên cạnh chuyện lo cho bé ăn, bé ngủ, bé được tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày thì chuyện chơi với bé là vô cùng cần thiết. Những trò chơi từ khi bé vài tháng tuổi đã có thể giúp kích thích giác quan, kích thích trí thông minh ở trẻ. Bạn có thể hỗ trợ cho người chăm trẻ bằng cách mang về những tập sách hướng dẫn chơi với trẻ, mua các đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Nếu trẻ không được chơi đùa, giao tiếp mà chỉ được cho ăn, ngủ rồi bỏ vùi thì sẽ rất dễ mắc bệnh tự kỷ. Bạn cũng không nên “khoán trắng” việc này cho người chăm bé, mà cần tranh thủ dành thời gian để chơi với con càng nhiều càng tốt.
7. Chọn người ứng phó linh hoạt trong hoàn cảnh nguy cấp
Đây được xem là bản năng. Một số người khi gặp tình huống nguy cấp rất dễ cuống lên và chẳng còn có thể làm được bất cứ thứ gì nữa. Một số người khác lại đặc biệt bình tĩnh, có cách ứng phó linh hoạt. Bạn nên ưu tiên chọn người có “bản năng” sau. Tuy nhiên, trong trường hợp đó là người thân và bạn chẳng có chọn lựa nào tốt hơn chẳng hạn, có thể khắc phục điều này bằng cách hướng dẫn cho người chăm bé các kỹ năng cấp cứu trong các tình huống cụ thể. Tập đi tập lại, thực hành nhiều lần, nắm vững về cách giữ bé an toàn cũng như xử trí nhanh khi bé ngạt, bé hóc, bé sặc, bé té ngã, chảy máu…, người chăm sóc bé cùng bạn sẽ tự dưng “linh hoạt” lên dần. Việc này cũng được xem là cần thiết, vì trẻ nhỏ rất dễ gặp phải những tình huống rủi ro.