1. Rượu, thuốc lá và ma túy!
Đây chỉ là việc “nhắc lại” thôi, vì khỏi nói, bạn cũng biết rượu, thuốc lá, ma túy gây nguy hại đến mức độ như thế nào cho mình và cho thai nhi. Sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, tiền sản giật, bé mang dị tật nặng nề khi sinh ra… là những điều chắc chắn sẽ xảy đến.
Bạn lưu ý thêm rằng trong 3 thứ vừa được nêu ra ở trên thì rất cần cẩn thận với thuốc lá. Vì không như rượu và ma túy chỉ khi dùng trực tiếp mới gây nguy hại, thuốc lá có khả năng gây hại gián tiếp. Tức là bạn không nghiện, không hút, nhưng vô tình trong nhà hay trong phòng làm việc ở công ty lại có người thường xuyên hút. Khi ngửi phải khói thuốc lá, bạn và thai nhi vẫn có thể chịu hàng loạt nguy cơ như thường.
Nếu ở nhà có người hút thuốc lá, hãy yêu cầu họ đi ra khỏi nhà để hút. Nếu công sở có người hút thuốc lá, hãy thẳng thắn đề nghị họ bước ra khu vực hút thuốc riêng chứ không hút ở trong phòng. Nếu bạn đến các quán cà phê có khói thuốc, tốt hơn hết nên rời khỏi đó! Nghe khá “khắc nghiệt”, nhưng đây là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe… “bà bầu”!
2. Stress kéo dài
Bạn sẽ thở dài, bảo rằng làm sao mà tránh được stress cơ chứ! Mang thai, bao nhiêu là mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, từng chút cũng thắc thỏm, stress xem như chuyện… đương nhiên.
Tuy nhiên, hãy biết rằng căng thẳng ở mức độ vừa phải, biết cách giải tỏa khác với stress triền miên, liên tục, kéo dài.
Nhớ nhé, stress có khả năng gây sinh non, làm chỉ số IQ của con bạn sau này thấp hơn bình thường. Mẹ thì dễ kém ăn, mất ngủ, cao huyết áp, trầm cảm…
Stress thấy vậy nhưng không khó chế ngự như bạn tưởng. Công thức cho bạn là: Giảm tối đa công việc có thể (đừng “tham công tiếc việc” lúc này, con bạn quan trọng hơn công việc đấy!), luôn tìm đến người thân để chia sẻ, tranh thủ ăn ngủ đầy đủ, đi chơi và có các hoạt động thư giãn cho riêng mình nếu có thể.
3. Thực phẩm tái, sống
Sushi, bò tái chanh, bò nhúng dấm, các món cá tươi sống chế biến theo kiểu Nhật, các món nghêu sò chế biến theo kiểu tái… đều là thứ bạn nên tránh. Chúng có thể chứa vi khuẩn salmonella, E.coli và vi khuẩn toxoplasmosis. Chúng cũng có thể chứa các mầm sán, giun. Tất cả đều làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non.
Vì vậy, nhớ rằng khi mang thai, tuyệt đối tất cả những gì bạn đưa vào cơ thể đều cần được đun sôi, nấu kỹ, chín hẳn chứ không “tái tái”, “trụng sơ sơ”. Ngay cả đến trứng gà, bạn cũng cần luộc kỹ hoặc chiên kỹ. Không nên ăn trứng lòng đào, hoặc các món ốp-la, trứng cho vào món phở tái khi mà lòng đỏ vẫn còn chảy lỏng.
4. Thuốc (cả thuốc tây lẫn thuốc Nam, thuốc Bắc)
Mọi thứ thuốc bạn uống vào lúc này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Nếu bạn bị ốm, kể cả cảm xoàng, đau răng, đỏ mắt, nhức đầu, sốt nhẹ… cũng đều cần đến bác sĩ để hỏi chi tiết cách điều trị. Không tự tiện uống bất kỳ loại thuốc nào.
Bạn lưu ý thêm một “lỗi” rất thường gặp ở các bà bầu mới mang thai lần đầu là hay nghe lời mách bảo dân gian, để uống các loại thuốc Nam, thuốc Bắc nhằm an thai. Điều này rất nguy hiểm. Nhớ là: Tất cả mọi thứ thuốc bạn uống trong chín tháng thai kỳ, kể cả thuốc bổ đều phải hỏi ý kiến bác sĩ! Kể cả vitamin cũng cần bổ sung theo hướng dẫn. Không “nạp” tùy tiện, vì có một số vitamin nếu dùng quá liều, kéo dài vẫn có thể gây tác hại cho thai phụ và thai nhi như thường!
5. Xông hơi, ngâm nước nóng
Hai việc này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể của thai phụ, gây hại cho thai nhi, thậm chí dọa sẩy thai. Vì vậy, trong giai đoạn mang thai, hãy tạm quên phương pháp xông lá, xông hơi cho “khỏe” như bình thường đi nhé! Ngay cả ngâm bồn nước nóng thư giãn tại nhà cũng cần thận trọng. Bà bầu chỉ nên tắm nước ấm vừa phải, tắm nhanh bằng vòi sen là tốt nhất.
6. Trực tiếp chăm sóc… mèo!
Không nhiều người biết việc này! Bạn hãy nhớ rằng trong phân mèo thường có vi khuẩn toxoplasmosis. Khi bạn chăm sóc mèo trực tiếp, dọn phân mèo, ôm ấp vuốt ve mèo thì hoàn toàn có thể nhiễm phải vi khuẩn nói trên.
Nhiễm thì có sao không? Có đấy! Vi khuẩn này có thể khiến thai chết lưu, hoặc gây dị tật. Vì vậy, hạn chế tối đa việc nuôi mèo trong những gia đình có phụ nữ mang thai. Nếu lỡ nuôi rồi, bạn cần để người khác trực tiếp chăm sóc mèo, không ôm ấp chúng. Chỗ ngủ của mèo hoặc chỗ mèo thường đi ngoài cần tránh xa phòng của bà bầu.
7. Chụp X-quang
Ở mọi phòng chụp X-quang uy tín, đều có bảng thông báo không được chụp X-quang nếu bạn đang mang thai. Bạn nhớ thông báo với bác sĩ trong mọi trường hợp đi khám bệnh, làm xét nghiệm là bạn đang mang thai nhé. Nếu vì một sơ suất nào đó mà phòng khám / bệnh viện vẫn đề nghị bạn chụp X-quang chẩn đoán thì bạn cần nói rõ lại một lần nữa với các bác sĩ về tình trạng mang thai của mình.
8. Sản phẩm tẩy rửa mạnh và sơn
Những sản phẩm vệ sinh bồn cầu, nước lau sàn, nước tẩy rửa nhà bếp… thường là sản phẩm tẩy rửa mạnh. Chúng có chứa các hóa chất dễ bay hơi, làm tăng nguy cơ với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì vậy, bạn hãy “bàn giao” những công việc vệ sinh cần tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh sang cho người khác trong gia đình suốt giai đoạn bạn mang thai, sinh nở nhé! Trường hợp bắt buộc phải làm, phải tiếp xúc, hãy bảo vệ mình bằng găng tay cao su (không tiếp xúc da tay trực tiếp), đeo khẩu trang để hạn chế hít thở phải mùi, mở rộng cửa thông thoáng trong lúc làm.
Sơn cũng là một hóa chất tương tự các chất tẩy rửa mạnh, có thể gây khó chịu cho bà bầu và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Bạn cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Nếu nhà cần sơn phết lại, hãy tránh đi vài ngày cho đến khi mùi sơn đã hoàn toàn mất hẳn.
9. Thực phẩm có thể dọa sẩy thai
Ba ba, táo mèo, rau sam, đu đủ xanh, nha đam là một số món vẫn được đông y liệt vào danh sách dễ dọa sẩy thai. Bạn hạn chế dùng những món này. Lưu ý rằng khi mang thai, cũng không nên tự ý bồi bổ bằng các loại thực phẩm lạ mà bạn chưa bao giờ dùng qua trước đó. Vì cơ địa của mỗi người mỗi khác, nếu bạn bị dị ứng trong lúc này sẽ rất nguy hiểm. Công thức ăn uống dành cho bà bầu là ưu tiên món quen thuộc, bạn nhé!