Mẹ&Con – Tiếng trẻ khóc được “liệt” vào một trong những âm thanh dễ gây stress nhất. Không gì làm một bà mẹ lo lắng cho bằng thấy con (nhất là các bé sơ sinh) khóc mà không biết vì sao con khóc!

Thật ra, bạn không nên lo lắng quá. Đứa trẻ nào cũng có những “lý do chính đáng” để khóc. Bạn nên làm quen với những lý do này để có được cách xử lý tốt nhất với trẻ thay vì stress và lo lắng. 

1. Trẻ sẽ khóc khi đói

Chẳng phải bạn – một người lớn – còn có lúc phát… khùng lên khi bị đói đó sao? Trẻ hoàn toàn không biết cách làm sao “diễn tả” cho bạn biết là trẻ đói. Và khi đó, phản ứng duy nhất bé có thể làm là… khóc! Bé chưa hiểu được việc phải kiên nhẫn chờ mẹ nấu nước, pha sữa trước khi cho bé bú. Và bạn phát hoảng, vì chính bạn cũng không biết khi nào thì bé… đói. Một số bác sĩ bảo rằng khoảng 2-3 giờ bé cần ăn một bữa. Nhưng thực tế nhiều bé khóc đòi ăn sau… 1 tiếng đồng hồ hoặc ít hơn. Để giải quyết việc này, cách duy nhất là luôn sẵn sàng sữa cho bé. Sau thời gian chừng 1 tháng, bạn sẽ “quen” dần với nhịp đòi ăn của con và biết rõ đến lúc nào con đói.  

2. Trẻ sẽ khóc khi tã lót ẩm ướt, không vệ sinh

Bạn có “chịu đựng” được không khi cơ thể bị ẩm ướt, nhất là “ẩm ướt” vì chất thải nữa! Bé cũng vậy. Làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm nên bé lại càng “cảm nhận” rõ rệt hơn sự ướt hoặc bẩn này. Công thức của bạn là đừng đợi đến lúc bé tủi thân khóc ngằn ngặt mới thay tã cho con. Hãy tự kiểm tra, thay tã ngay khi bé đi vệ sinh, lau khô và giữ gìn cho bé trong trạng thái thoáng mát, dễ chịu. Việc làm này của bạn không chỉ giúp con tránh được việc… khóc mà còn giúp bảo vệ bé không bị các vi trùng thâm nhập vào cơ thể.

3. Trẻ sẽ khóc khi ngứa ngáy

Hãy thử tưởng tượng, bạn bị “trói tay trói chân”, không thể nào tự “xử lý” được những cơn ngứa của cơ thể. Ấy thế mà bạn lại đang phải mặc một chiếc áo với những bông vải làm khó chịu, hay một chiếc chăn, tấm đệm dưới lưng bị cấn! Hiểu được điều này, bạn sẽ biết “trình tự xử lý” của mình khi bé khóc. Hãy nhanh chóng kiểm tra xem khăn trải trên nôi, giường có đủ sạch sẽ, mềm mại, êm ái không? Áo quần bé mặc có bị cảm giác chật, bó hay chất liệu dễ cọ vào da gây ngứa không? Đặc biệt, nên cẩn thận kẻo bé đang bị đau, ngứa vì côn trùng cắn, đốt. Những con muỗi, con kiến tí hon rất có thể là nguyên nhân khiến bé yêu của bạn khóc thét lên đấy!

8 ly do khien be khoc

(Ảnh minh hoạ)

4. Trẻ sẽ khóc khi nóng hay lạnh quá

Rất nhiều bà mẹ có con lần đầu áp dụng phương thức “mặc tùm lum áo” cho con. Áo trong áo ngoài, lại còn đóng kín cửa (sợ gió) và… quạt than ở dưới giường. Hãy hình dung bạn không thể diễn tả được, không thể “xử lý” được và bị đặt vào một không gian vừa nóng vừa hầm như vậy, bạn có “khóc thét” lên không! Nếu bé khóc không vì đói, không vì tã ướt, không vì ngứa ngáy thì nguyên nhân kế tiếp bạn cần quan tâm ngay là nhiệt độ trong phòng. Bạn nên kiểm tra thường xuyên khi thấy bé bắt đầu có dấu hiệu vặn vẹo, không nằm yên. Tốt nhất, nên giữ nhiệt độ phòng mát mẻ, thoáng khí. Áo quần mặc cho bé cũng nên thoáng. Vớ hoặc bao tay không quá chật. Nếu bạn rờ lưng bé thấy vã mồ hôi thì bạn biết nguyên nhân bé khóc rồi đấy. Tương tự, nếu nhiệt độ trong phòng quá lạnh, chắc chắn bé cũng sẽ khóc như một tín hiệu “báo động” với mẹ.

5. Trẻ sẽ khóc khi buồn ngủ

Bạn rất dễ nhận ra dấu hiệu này. Bé mếu máo, đồng thời mắt bắt đầu ríu lại, mặt… lờ đờ. Cái miệng xinh xinh ngáp ngắn ngáp dài. Trẻ ngủ gần như suốt ngày và không được “báo trước” khi nào thì đến giờ ngủ như người lớn. Vì vậy, khi cơ thể đòi hỏi ngủ, có khi trẻ vẫn còn chưa ý thức được là “đến lúc phải ngủ rồi”. Lúc này, bạn nên đặt con vào giường, tắt các thiết bị gây tiếng động ồn ào, nhẹ nhàng hát ru. Chỉ sau vài phút, bé sẽ nín khóc để trôi vào giấc ngủ.

6. Trẻ sẽ khóc khi phải tiếp xúc với các mùi không quen thuộc

Khứu giác của trẻ nhạy một cách “khủng khiếp”. Chính vì thế, bạn đừng “chủ quan” khi đặt cạnh giường trẻ một vật gì đó có mùi hương lạ, gắt, hoặc đặt bé vào một không khí không được sạch sẽ, có bụi bặm. Đặc biệt, khi bạn sử dụng các loại “mỹ phẩm” dành cho trẻ em như phấn, lotion… phải chắc chắn rằng những loại này của các nhãn hàng uy tín, lâu năm sản xuất (họ có kinh nghiệm về mùi hương nào phù hợp cho bé). Bạn cũng nên “thăm dò” thử xem trẻ có thích mùi hương đó không trước khi xức. Nếu không, bạn đừng ngạc nhiên khi trẻ bắt đầu khóc ngằn ngặt sau khi được mẹ “bôi” cho một thứ “có mùi” nào đó lên người.

7. Trẻ sẽ khóc khi cảm thấy thiếu thốn tình cảm

Có thể bạn rất bất ngờ về điều này, nhưng ngay cả một bé sơ sinh vẫn cảm nhận được hết sức rõ ràng tình yêu thương của mọi người dành cho bé. Khi “mơ hồ” cảm thấy thiếu vắng những tình cảm đó (ví dụ bạn ít vuốt ve, trò chuyện, ẵm bồng), bé có thể có những cơn “mếu máo” hoặc khóc bất chợt. Đơn giản, đây là tín hiệu “đòi hỏi” bạn quan tâm nhiều hơn đến trẻ, cho trẻ thấy rằng chúng không bị “bỏ rơi” thôi.

8. Trẻ sẽ khóc khi có vấn đề về sức khỏe

Tất cả những vấn đề từ lớn đến nhỏ như bé gặp khó khăn khi đi vệ sinh, bé bị sốt, bé mọc răng, bé đau bụng… đều sẽ được “thông báo” bằng tiếng khóc. Bạn nên kiểm tra thân nhiệt của bé, xem bé có dấu hiệu bị đau ở đâu không. Có thể bạn cho rằng khó quá, làm sao “hiểu đúng” được những tín hiệu này. Nhưng thực chất là không “khó” lắm đâu. Ví dụ như khi bạn “xi” cho bé và thấy bé có vẻ bứt rứt, không “đi” được và khóc thì rõ ràng là bé có vấn đề về bài tiết rồi đấy.

Tags:

Bài viết liên quan