1. “Bất công quá đi!”
Bạn có thể thấy vô vàn thứ “bất công” xảy đến với mình. Chẳng hạn như tiền thưởng của bạn ít hơn cô bạn đồng nghiệp chỉ vì bạn nghỉ thai sản. Rồi thì bạn vẫn phải đảm bảo lượng công việc tương đương như các đồng nghiệp khác dù đã được sếp đồng ý cho về sớm, chỉ phải làm ít giờ hơn để đón con…
Nhưng có thế nào cũng hạn chế đừng than vãn chuyện “bất công” này. Cứ phàn nàn mãi không làm tình hình khá hơn, thay vào đó chỉ khiến các đồng nghiệp khác cau mày, nghĩ rằng “chỉ nuôi con nhỏ thôi mà cái gì cũng đòi hỏi là sao?”, “làm như mình cô có con vậy đó!”. Ngoài ra, sự kêu ca không ngừng nghỉ sẽ tạo nên một tâm lý bất ổn cho chính bạn. Bạn thấy ức chế, khó chịu, bực dọc, ganh tị, kém tự tin và cuối cùng là mất cảm hứng trong công việc.
2. “Cái này đâu phải việc của tôi!”
Đừng quên suốt giai đoạn bạn mang thai và sinh nở, các đồng nghiệp khác cùng bộ phận đã gánh vác, chia sẻ cùng bạn không ít. Vẫn biết bây giờ khi có con nhỏ, bạn được xếp trong “diện ưu tiên” nhưng nếu thấy một việc gì đó mình có thể làm, có thể giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp, bạn đừng nên từ chối phũ phàng bằng câu nói: “Cái này đâu phải việc của tôi!”.
Khi bạn nói câu đó, tự khắc những đồng nghiệp khác sẽ “ghi nhớ”. Lần sau, lúc con ốm đột xuất hoặc có việc nhà, bạn sẽ rất dễ nhận lại được những lời từ chối giúp đỡ: “Cái này đâu phải việc của tôi!” đấy. Thay vào đó, hãy chia sẻ thật chân thành rằng: “Mình sẽ phải về đón bé Ti lúc 4h30. Nhưng từ giờ đến lúc ấy, mình sẽ phụ bạn được chút nào hay chút ấy nhé?”. Câu nói ấy cho thấy dù bạn bận rộn nhưng vẫn luôn có ý thức hỗ trợ đồng nghiệp lúc khó khăn.
3. “Xin lỗi, tại vì hôm qua con tôi…”
Ai cũng biết bạn có con nhỏ và hoàn toàn thông cảm với điều ấy. Song, đừng nên lấy con nhỏ ra làm lý do để biện minh, xin lỗi cho những “lỗi” của mình trong công việc (trễ hạn cuối công việc được giao, đi làm muộn…).
Thay vì đổ lỗi cho… con (tại bé quấy, tại bé bệnh đột xuất, tại bé sốt…), bạn nên thẳng thắn xin lỗi và đơn giản là nhận lỗi về mình, nói rằng do mình sắp xếp thời gian chưa tốt hoặc bất cẩn nên xảy ra sự cố. Kèm theo đó là hướng giải quyết bạn nghĩ là tốt nhất và lời hứa sẽ tránh “tái phạm”. Cùng là lời xin lỗi nhưng cách làm này cho thấy bạn chuyên nghiệp hơn hẳn.
4. “Tôi sẽ xin nghỉ việc…”
Có con nhỏ và phải đi làm là một việc không hề dễ dàng. Bạn rất dễ bị stress, trầm cảm nặng nề, ức chế, mệt mỏi và rất nhiều lúc, ý nghĩ “nghỉ việc” xuất hiện trong đầu bạn. Nhưng hãy nhớ điều này: Nếu bạn thật sự cảm thấy không thể tiếp tục đảm đương cả hai trọng trách (làm mẹ và đi làm) cùng lúc, bạn có thể suy nghĩ thật kỹ, sau đó trao đổi với bộ phận nhân sự và hoàn tất thủ tục nghỉ việc một cách kín đáo, nhẹ nhàng. Không nên hở chút là ầm lên, bảo với các bạn đồng nghiệp của mình: “Chán quá đi! Chịu không nổi nữa. Chắc mình xin nghỉ việc đây…” trong khi bạn vẫn chưa hề nộp đơn chính thức. Những lời như thế bị xem là tối kỵ trong công ty, vì bạn thử nghĩ xem, có cấp trên nào dám giao các công việc quan trọng cho một nhân viên luôn mở miệng đòi… nghỉ việc không?
5. “Tôi đã cố gắng lắm rồi, nhưng…”
Câu nói này của bạn khiến người khác cảm thấy bạn như một bà mẹ “tuyệt vọng” vậy. Đừng tỏ ra yếu đuối trong công việc và đừng luôn miệng bảo rằng mình đã cố gắng hết sức nhưng không thể hoàn tất việc gì đó. Vậy phải nói như thế nào? Ồ, cách đơn giản bạn nên thực hiện là nghiêm túc nhìn trực diện vào cấp trên và trao đổi: “Tôi đã thử thực hiện một số cách nhưng chưa ổn. Anh/ chị có thể gợi ý cho tôi một vài hướng để giải quyết được vấn đề này không?”. Với cách nói ấy, bạn cho thấy bạn vẫn rất sẵn sàng đương đầu tiếp tục với các thử thách, khó khăn.
6. “Bực mình quá đi!”, “Đừng chọc nha!”, “Tôi đang cáu!”…
Rất nhiều mẹ công sở thốt ra câu này một cách trực tiếp với bạn bè đồng nghiệp hoặc “trút” lên facebook mỗi ngày. Vẫn biết tính khí của một bà mẹ có con nhỏ dễ “cáu” hơn bình thường (vì áp lực quá nhiều), tuy nhiên môi trường công sở không hề thích hợp cho những câu nói mang tính nóng nảy như thế. Nó tạo nên hình ảnh thiếu chín chắn, thiếu chuyên nghiệp ở bạn và thậm chí có thể “gây thù chuốc oán”, khơi nguồn cho nhiều mâu thuẫn khó giải quyết về sau.
7. “Đáng lẽ anh/ chị nên…”
Không ai cảm thấy thoải mái khi bị “chỉ tay điều khiển”. Câu nói trên thực sự gây nên cảm giác khó chịu cho người nghe dù có thể bạn không hề chứa đựng ác ý nào khi thốt ra như thế. Người khác sẽ cảm thấy bạn là người chỉ chuyên nhìn ra lỗi của họ, chuyên chỉ tay năm ngón hoặc chuyên đẩy trách nhiệm về phía họ. Vì vậy, lần sau khi muốn nói ý tương tự, bạn hãy thử đổi thành cách diễn đạt này: “Theo tôi, trong tương lai chúng ta nên…”. Đây được đánh giá là một câu nói mang tính tích cực hơn nhiều, dù vẫn diễn đạt gần như cùng một ý.
8. “Chị chưa có con nên chị làm sao biết tôi vất vả thế nào…”
À vâng, đây là tình huống nhạy cảm vào hàng bậc nhất. Con bạn sốt hoặc bé có một vài vấn đề gì đó (đi chích ngừa, đi nhổ răng, đi học mẫu giáo ngày đầu tiên… chẳng hạn). Bạn lại gặp chút khó khăn khi sếp hoặc một cô bạn đồng nghiệp không chịu linh động hỗ trợ, giúp đỡ (dù bình thường họ vẫn hay giúp bạn). Thế là bạn bực tức. Bạn tự hỏi tại sao lại có người trái tim sắt đá đến thế, không thông cảm cả cho một bà mẹ công sở như bạn nhỉ! Và kết quả cuối cùng, bạn thốt ra câu: “Chị chưa có con nên làm sao chị hiểu được…”.
Cách nói của bạn hoàn toàn không đúng. Hãy nhớ rằng dù mọi người cố gắng cảm thông và chia sẻ với bạn nhưng công việc vẫn là công việc. Bạn không thể đòi hỏi người khác choàng gánh mãi thay bạn những việc thuộc về trách nhiệm của bạn. Câu nói của bạn lại gây nên một ác cảm lớn cho người khác, khiến họ cảm thấy như bạn vin vào chuyện có con nhỏ để cho rằng mình có quyền đòi hỏi những ưu đãi tốt hơn và rằng họ “chẳng biết gì chuyện chăm con”.
Nghe thật khắc nghiệt nhưng trong hoàn cảnh này, hãy tự “cứu” lấy mình bằng cách sắp xếp hợp lý công việc, thời gian, thay vì chờ đợi ở người khác sự “cứu nguy” rồi thốt lên những lời hờn trách theo cách ấy, bạn nhé!