7 nguyên tắc dạy con được hầu hết cha mẹ Do Thái áp dụng để nuôi dạy những đứa trẻ thành công! Hãy cùng tham khảo nhé!

Mẹ&Con – Nguyên tắc dạy con của người Do Thái đã được rất nhiều bậc phụ huynh trên khắp thế giới học hỏi. Các mẹ có thể tham khảo và áp dụng 7 nguyên tắc dạy con của người Do Thái sau đây, để có được những bí quyết giáo dục con thật hữu ích.

Không nên quá bảo bọc con cái

Đối với cha mẹ Do Thái thường họ sẽ không bao bọc con mà dành cho con “tình yêu đống lửa”. Có nghĩa là họ luôn tìm cách nhen nhóm, khích lệ để con phát huy khả năng chứ không phải cho con cảm giác bao bọc, che chở như phần lớn các bà mẹ Việt. Nguyên tắc dạy con này được áp dụng khi chúng còn nhỏ, là cách mà hầu hết người Do Thái làm để giúp con trưởng thành.

nguyên tắc dạy con

Cha mẹ người Do Thái luôn tạo điều kiện để con em họ có thể tự giác làm bất cứ điều gì khi thể trạng cho phép. Ở Việt Nam, khi trẻ còn nhỏ hầu hết các bậc cha mẹ chưa muốn các con phải tự lập quá sớm. Một điều có thể dễ dàng thấy, trẻ dù 4-5 tuổi nhưng vẫn được bố mẹ xúc cho ăn cơm hằng ngày. Chính những điều này đã hình thành cho trẻ thói quen dựa dẫm vào cha mẹ.

Cha mẹ hãy làm quân sư cho con

Người Do Thái có câu nói nổi tiếng: “Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con”. Đây có thể được xem là nguyên tắc dạy con bất di bất dịch của cha mẹ người Do Thái. Câu nói có ý chỉ sự hướng dẫn, hỗ trợ cho con cái, không nên làm thay con mọi việc. Hơn hết tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó khiến trẻ trở nên ỷ lại, khó bảo hơn.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, trẻ có thể tiếp cận với nhiều thông tin, có khi đi trước bố mẹ một bước, chúng ngày càng độc lập và phụ huynh không nên áp đặt con cái quá nhiều. Hãy tự tin và phải giữ vững vai trò là người hướng dẫn, giáo dục cho con trẻ đi theo hướng tốt nhất.

Dạy con kiếm tiền từ tuổi lên 5

nguyên tắc dạy con

Cha mẹ Do Thái thường cho con cái tự lập từ khi còn rất nhỏ. Ở khoảng 2 – 3 tuổi, đứa trẻ được học cách tự chăm sóc, tự phục vụ bản thân như: Đánh răng, dọn dẹp phòng, cất đồ chơi… Trẻ cũng đã biết hỗ trợ cha mẹ gấp quần áo, và sắp xếp đồ đạc, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt.

Lên 5 tuổi, trẻ bắt đầu được dạy cách sử dụng sức lao động để kiếm tiền. Thay vì cho con tiền tiêu vặt, cha mẹ sẽ giao cho con một số việc nhà có trả tiền. Điều đáng lưu ý ở đây là cha mẹ phân biệt rất rõ ràng giữa những việc trẻ bắt buộc phải làm để phục vụ bản thân. Việc này đồng nghĩa họ chỉ trả tiền cho những việc như: Tưới cây, lau dọn nhà cửa… Những việc như: Sắp xếp sách vở, gấp quần áo của bản thân thì trẻ phải tự làm và không được trả tiền.

Dạy con nghệ thuật đọc sách

Người Do Thái cực kỳ coi trọng việc đọc sách, đây là một trong những lý do khiến họ trở thành một dân tộc thông thái. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa con đã được cha mẹ vun đắp tình yêu với sách và dạy con cách đọc sách rất nghiêm túc. Đối với họ đọc để hiểu và thấm nhuần tri thức chứ không phải đọc cho có.

Một cuốn sách trẻ sẽ được đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đọc cấp độ hiểu về cuốn sách sẽ tăng lên. Vì vậy, đọc lần đầu để hiểu nội dung cuốn sách đang nói về vấn đề gì? Lần 2 đọc từng phần để nắm các ý chính, lần 3 đọc để hiểu rõ nội dung hơn. Lần 4 đọc để lĩnh hội những tinh hoa của cuốn sách, lần 5 đọc đi đọc lại nội dung cuốn sách để nắm tổng thể nội dung.

Mỗi nỗ lực đều đáng để ghi nhận

Các bậc cha mẹ người Do Thái luôn cho rằng bất cả những thành quả của con cái đều đáng để ghi nhận và khen thưởng. Ngay cả khi con viết, vẽ trên chiếc khăn tay những dòng chữ nguệch ngoạc, phụ huynh cũng tự hào khoe với mọi người như một bức tranh quý.

Ở Việt Nam, một số gia đình vẫn chưa thực hiện được điều này. Họ có thể khiển trách con cái khi chúng làm sai, nhưng thường ít khen thưởng khi chúng làm việc có hiệu quả. Bởi vì, phần lớn các ông bố bà mẹ vẫn còn ít thể hiện tình cảm với con cái của mình.

Biết nhận lỗi khi làm sai

Ở nước ta, thông thường nếu trẻ nhỏ làm sai, gia đình thường dễ dàng bỏ qua lỗi lầm cho các bé, với lí do bé còn quá nhỏ nên vẫn chưa ý thức được việc làm của mình.

Cha mẹ Do Thái lại rất chú trọng đến các lỗi này. Nhưng thay vì phạt hay quát mắng thì cha mẹ Do Thái chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo để con nhận ra lỗi sai của mình để sửa. Còn khi có những việc làm đúng đắn thì sẽ là những phần thưởng khích lệ.

Khuyến khích con đặt câu hỏi

Phụ huynh người Do Thái luôn đặt nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề, khuyến khích trẻ tìm tòi, giải mã để có câu trả lời chính xác. Việc này buộc trẻ phải vận động não suy nghĩ, đồng thời còn giúp trẻ rèn luyện tư duy phản biện rất tốt.

nguyên tắc dạy con

Người lớn đôi khi dễ gắt gỏng vì những câu hỏi dồn dập và có phần “tối nghĩa” của trẻ. Nguyên tắc dạy con của người Do Thái là luôn luôn lắng nghe và tương tác, động viên con trẻ. Bên cạnh đó, họ sẵn sàng hướng dẫn con cách hỏi cho hợp lý, dễ hiểu. Cha mẹ nên quan tâm xem con có đặt câu hỏi lễ phép và lịch sự không, từ đó nhắc nhở và góp ý để con ghi nhớ và sửa lỗi.

Giáo dục con trẻ ngoài tình yêu thương đòi hỏi cha mẹ cần có nguyên tắc dạy con hợp lí, không quá khuôn khổ. Với 7 nguyên tắc dạy con của người Do Thái, hi vọng bạn có thêm nhiều phương pháp giáo dục hợp lý cho con.

Ngọc Xuân

 

 

 

Bài viết liên quan