Khi trẻ ra mồ hôi trộm, nên hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn nhiều năng lượng, sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa, dễ làm cho cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi như dầu mỡ, thịt bò, tôm cua, cá biển… hoặc các loại trái cây “sinh nhiệt” như mít, sầu riêng, xoài… Ngoài ra, cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Cho trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát như rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam quýt,…
Dưới đây, Mẹ&Con sẽ gợi ý cho bạn một số món cháo có công dựng chữa cho trẻ ra mồ hôi trộm.
1. Cháo cá trạch
Cá trạch 100g, gạo 50g, dầu ăn, gia vị.
Cá trạch làm sạch, bỏ đầu, nội tạng, đuôi. Đem hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt, ướp gia vị, xào với dầu ăn. Xương cá trạch giã nhỏ, lọc lấy nước.
Gạo xay thành bột cho vào nước lọc xương cá khuấy đều. Đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho thịt cá và gia vị vừa đủ.
Chờ cháo sôi lại là dùng ngay được.
Ăn một lần trong ngày, lúc đói. Ăn trong 5 ngày.
2. Cháo cá quả
Cá quả 1 con, gạo 50g, dầu ăn, gia vị.
Làm tương tự như cháo cá trạch.
Ngày ăn 1 lần lúc đói, ăn liền 3 – 5 ngày.
3. Cháo trai
Trai đồng 5 con, lá dâu non 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật, gia vị.
Trai ngâm trong nước muối loãng khoảng 1 giờ, vớt ra, rửa sạch, cho vào nồi luộc. Chờ sôi trong 5 phút, vớt trai ra, lấy thịt và lọc lấy nước luộn trai. Thịt trai thái nhỏ, ướp gia vị, cho lên chảo xào thơm.
Lá dâu non rửa sạch, thái nhỏ.
Gạo tẻ trộn chung với gạo nếp, xay thành bột mịn. Nấu gạo chung với nước luộc trai cho đến khi chín. Cho trai, lá dâu, gia vị vào khuấy đều.
Chờ cháo sôi lại là dùng ngay được.
Ăn ngày hai lần, lúc đói, ăn trong 4-5 ngày.
4. Cháo cá mực
Cá mực khô 50g, củ mài 150g, hạt ý dĩ 50g, gia vị.
Cá mực khô rửa sạch, thái nhỏ. Hạt ý dĩ bỏ hết vỏ xay thành bột. Củ mài gọt vỏ thái nhỏ, cho vào ninh nhừ. Chờ sôi cho cá mực, bột ý dĩ vào quấy đều, nêm gia vị.
Ăn ngày hai lần, ăn trong 10 ngày.
5. Cháo sò, hến
Sò 100g, hến 100g, gạo 50g, rễ cây hẹ 3g, dầu ăn, gia vị.
Sò, hến rửa sạch, hấp cách thủy rồi bỏ vỏ, ruột thái nhỏ, ướp gia vị. Cho lên chảo, cho dầu vào xào thơm.
Rễ cây hẹ rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước.
Gạo xay thành bột, cho vào nước lọc rễ cây hẹ pha loãng, khuấy đều, đun lửa nhỏ.
Cháo chín, cho sò biển và hến vào đảo đều, nêm gia vị.
Chờ cháo sôi là lấy ra dùng ngay được.
Ăn ngày 1 lần, lúc đói. Ăn từ 3 – 5 ngày.
6. Cháo đậu xanh
Đậu xanh 50g, lá dâu non khô 10g, gạo nếp 50g, đường.
Đậu xanh, gạo nếp rang vàng trên chảo, rồi tán thành bột nhỏ.
Lá dâu khô cho vào ấm, đun sôi kĩ, chắt lấy nước.
Cho bột đậu, bột gạo, đường vào nước lá dâu khuấy đều.
Chờ cháo sôi là dùng được ngay.
Ăn ngày 2 lần, lúc đói. Ăn trong 7 ngày.
7. Cháo gốc hẹ
Gốc hẹ 30g, gạo 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị.
Gốc hẹ chọn phần thân sát củ, rửa sạch giã nhỏ lọc lấy nước đặc.
Thịt lợn nạc băm nhỏ, ướp gia vị xào chín.
Gạo xay thành bột, cho vào nước gốc hẹ đã lọc, khuấy đều, đun lửa nhỏ, khi cháo chín cho thịt lợn đã xào chín vào, nêm gia vị.
Chờ cháo sôi lên lại là dùng ngay được.
Ăn ngày một lần. Ăn trong 2 – 3 ngày.
Ngoài ra, trẻ ra mồ hôi trộm nhiều một phần do cơ thể thiếu vitamin D, đây là chất quan trọng để hấp thụ canxi. Do đó, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin D để giảm chứng ra mò hôi trộm ở trẻ.