1. Quen việc nhà “mạ”, lạ việc nhà chồng
Nhiều cô dâu mới khi ở nhà mẹ hết sức đảm đang nhưng khi về nhà chồng lại tỏ ra rất lúng túng. Chưa biết lề thói sinh hoạt của nhà chồng nên không biết bắt đầu từ đâu… cho đến những việc hết sức bình thường như không biết khẩu vị gia đình chồng như thế nào để nấu cho vừa ý. Do chưa quen với cách sắp xếp vật dụng trong gia đình, nấu ăn chưa quen lọ muối, thìa tiêu ở đâu,… Nên càng lóng ngóng, vụng về, càng làm càng gặp nhiều điều mẹ chồng không vừa ý…Làm cũng bị la, không làm cũng bị la nên khỏi làm đi cho khoẻ.
Ảnh minh họa
2. Bằng mặt mà không bằng lòng
Con dâu mới về nhà chồng luôn cố gắng hết sức để trở nên đảm đang khéo léo nhưng nhiều việc vì lí do nào đó vẫn chưa làm mẹ chồng bằng lòng và bị khiển trách ít nhiều, thậm chí có những việc không biết phải làm sao cho vừa lòng mẹ chồng đây, làm cũng bị chê, không làm cũng bị chê nên đâm ra ấm ức, bằng mặt mà không bằng lòng. Việc này mới đầu không ảnh hưởng nhiều đến bạn và cuộc sống chung nhưng lâu dần sẽ làm tâm lý bạn hết sức nặng nề, sinh ra ức chế, mệt mỏi.
3. Mình là ôsin của nhà chồng chắc?
Bước chân về nhà chồng, mọi con mắt đều đổ dồn vào con dâu, cháu dâu mới, cái gì cũng để con dâu nó làm cho nó quen việc nhà chồng. Hết căng thẳng ở công sở về nhà một mớ việc nhà đang chờ đón bạn; nào là lau dọn nhà cửa, cơm nước, tưới hoa… mà hình như không ai để ý đến sức khoẻ của bạn… Khác với lúc còn ở nhà, bạn đi làm về mâm cơm đã dọn sẵn. Tất cả những điều đó làm cho bạn có cảm giác như mình là ôsin của cái nhà này vậy.
Ảnh minh họa
4. Cú shock văn hoá mang tên gia đình
Mới về nhà chồng có lẽ cô dâu nào cũng ngạc nhiên vì văn hoá nhà chồng sao quá khác biệt. Vợ chồng son cũng không được nắm tay nhau trước mặt người lớn, ăn mặc dù ở trong nhà phải luôn kín đáo, phải về nhà trước 10h30, không được trễ hơn… Nhiều cô dâu hiện đại gặp trường hợp này đều cảm thấy mình bị quản lý quá mức, tìm cách phản ứng hoặc ngầm đối phó.
5. Lấy chồng chứ có lấy gia đình chồng đâu
Do chưa thực sự thích nghi với cuộc sống mới cùng gia đình chồng, nên khi bị “lên lớp” thường chặp miệng tự nghĩ: ối giời, mặc kệ muốn nói gì thì nói mình lấy chồng chứ có láy nhà chồng đâu. Và xem như đó là lời cứu cánh rất AQ.
6. Nhà chồng chứ đâu phải nhà mình
Đây là suy nghĩ của rất nhiều nàng dâu hiện đại thời nay. Việc đặt chân vào nhà chồng với tư cách là thành viên quan trọng nhưng vẫn giữ suy nghĩ rất “kẻ cả”: nhà chồng chứ phải nhà mình đâu. Cứ làm về cơm nước, lau nhà, ăn rồi ngủ, đối nội đối ngoại cùng mọi việc khác cứ để mẹ chồng lo, ôm đồm lo toan làm gì thêm mệt
7. “Đề kháng” với “bà cô bên chồng”
Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng, xưa tới nay chị em gái của chồng luôn là cơn ác mộng của nàng dâu mới cưới. Vừa bước chân về nhà chồng bạn đã thủ sẵn rất nhiều chiêu sẵn sàng nghêng chiến. Chưa nói đến nhiều bạn trước khi cưới đã tìm hiểu rất kỹ những chiêu thức của đàn chị đi trước để mình không quá non nớt trong cuộc chiến nhất định sẽ xẩy ra này.
Lời khuyên dành cho bạn
“Cuộc chiến hoa hồng” trong quan hệ con dâu nhà chồng đặc biệt là mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn được xem là không thể nào tránh khỏi. Theo các chuyên gia hoá giải điều này không khó. Mâu thuẫn con dâu nhà chồng thực ra là do sự khác biệt giữa hai bên về tuổi tác, sở thích, văn hóa… nên dễ phát sinh mâu thuẫn từ những việc rất nhỏ nhặt. Cô dâu mới hãy vui vẻ làm tròn bổn phận vợ hiền dâu thảo, không nhìn nhà chồng qua con mắt phiến diện, không nên giữ những thái độ như trên khi mới bước chân về nhà. Khi găp phải vấn đề khó khăn hãy nhẹ nhàng nhờ sự giúp đỡ của chồng, nói chuyện với mẹ chồng, chắc chắn gia đình chồng sẽ thương yêu bạn như con gái trong nhà.