Ba mẹ nào cũng hy vọng con yêu chào đời khỏe mạnh, xinh xắn và có một cuộc sống êm ả trong tương lai. Thế nhưng, chắc chắn sẽ có những tình huống xảy ra ngoài dự liệu. Dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh là một ví dụ.
Tuy nhiên, ba mẹ đừng lo lắng quá nhé. Tạp chí Mẹ và Con mách ba mẹ cách nhận diện sau đây và có phương án điều trị từ sớm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cơ xương khớp của con về sau nhé!
Dị tật bàn chân khoèo
Kết quả thống kê cho thấy, bàn chân khoèo là một trong những dị tật bẩm sinh mang tính di truyền và thường gặp nhất ở Việt Nam, với tỷ lệ 1/1.000. Mỗi năm có khoảng 300.000 trẻ bị chân khoèo bẩm sinh chào đời và chiếm khoảng 80% trường hợp là đến từ các nước đang phát triển.
Bệnh không chỉ là vấn đề ở bàn chân, gây mất thẩm mỹ, khó khăn khi đi lại mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Bởi lẽ, khi trẻ lớn lên phải di chuyển, chạy nhảy, dị tật chân khoèo có thể dẫn đến nhiều biến chứng ở hệ cơ, xương và khớp, khiến cho trẻ bị lệch khi đi, cổ chân, đầu gối và hông không khớp với nhau.
Nặng hơn, trẻ có thể bị giảm vận động, thậm chí là mất khả năng vận động… Bên cạnh đó, với trẻ gái, dị tật bàn chân khoèo ảnh hưởng đến việc phát triển xương chậu, gây khó khăn cho việc sinh nở…
Tuy bàn chân khoèo gây ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của trẻ về sau, nhưng nếu được phát hiện kịp thời và can thiệp đúng cách thì hiệu quả sẽ vô cùng khả quan. Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc làm cha mẹ nên lưu ý đến hình dạng bàn chân của trẻ từ sớm, ngay sau khi sinh từ 24-48 giờ.
Nếu thấy có biểu hiện bất thường, nên nhanh chóng báo với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chi tiết.
Nguyên nhân bé bàn chân khoèo bẩm sinh
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh vẫn đang được thảo luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng đó là do các nguyên nhân sau đây:
- Di truyền: Do những bất thường về gen của thế hệ trước.
- Tư thế bào thai: Trong thời kỳ mang thai, do một số nguyên nhân nhất định khi thai to, khung xương chậu mẹ hẹp, sinh đôi… khiến thai nhi bị chèn ép.
- Tư thế sinh hoạt hàng ngày không đúng cách của mẹ bầu cũng ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ.
- Đột biến nhiễm sắc thể gây nên tình trạng đa cứng khớp bẩm sinh.
- Bất thường về cấu trúc xương bàn chân hay thần kinh chi phối bàn chân…
- Chế độ dinh dưỡng kém ở người mẹ mang thai.
Biểu hiện bàn chân khoèo
Dị tật bàn chân khoèo thường xuất hiện qua 3 kiểu phổ biến là bàn chân duỗi đổ, bàn chân vẹo trong và bàn chân khép. Trẻ mắc chứng bàn chân khoèo bẩm sinh thường có biểu hiện ngay khi chào đời, chỉ cần quan sát bằng mắt thường bạn cũng có thể xác định được. Đó là:
- Hai bàn chân khép, xoay nghiêng và bị gập về phía lòng bàn chân.
- Cơ vùng bắp chân bị teo, ngón chân cái bị ngắn.
- Khoảng giữa mắt cá trong và xương ghe không sờ thấy.
- Da bàn chân căng mỏng ở phía gan bàn chân và dày lên ở phía bờ ngoài và mu bàn chân.
- Hai chân biến dạng không giống nhau.
- Với trẻ lớn, khi đi sẽ có biểu hiện đi bằng bờ ngoài bàn chân, tỳ lên thân và nền đốt bàn 5. Nếu dị tật quá nặng, trẻ sẽ đi bằng mu bàn chân.
- Chỗ bị tỳ lên trong quá trình di chuyển bị chai.
Biểu hiện qua hình ảnh học
Khi tiến hành chụp X-quang, các bác sĩ sẽ nhận thấy xương bị dị dạng thể hiện qua trục dọc của xương sên và xương gót song song nhau hay có xu hướng song song nhau.
Ngoài ra, khớp sên gót của trẻ còn có biểu hiện trật nhẹ, sên thuyền, thân xương sên duỗi đổ. Nếu dị tật bàn chân khoèo kéo dài nhiều năm không được phát hiện, xương đốt bàn của trẻ sẽ cong vào trong.
Các cách điều trị bàn chân khoèo
Mục đích cuối cùng của việc điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh không phải là mang lại vẻ đẹp cho đôi bàn chân mà chính là chỉnh sửa những khiếm khuyết của hệ xương, giúp trẻ vận động tốt nhất khi trưởng thành, hạn chế những biến chứng do dị tật này gây ra.
Điều trị bảo tồn
- Vận động trị liệu bằng cách nắn chỉnh bàn chân bằng tay ngay khi trẻ chào đời, tập mạnh nhóm cơ gập mặt lưng và gập lòng cổ chân. Bên cạnh đó, các chuyên gia về chỉnh hình nhi sẽ thực hiện kéo dãn gân gót, làm mềm các vùng co thắt để giúp bàn chân của trẻ nhanh chóng về lại hình dáng chuẩn.
- Ngoài các biện pháp vận động trị liệu, khi điều trị bảo tồn, các bác sĩ có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ như băng chỉnh hình và giày đế nhựa để cố định chân của trẻ ngay từ những ngày đầu sau sinh. Với những bàn chân biến dạng đụng gót hoặc bàn chân trước áp, bác sĩ sẽ dùng Kenesio, một loại băng dán cơ được làm từ bông và lớp acrylic y tế, để hỗ trợ và tăng cường sức mạnh cơ bắp.
- Với những chân khoèo phức tạp, các bác sĩ sẽ tiến hành bó bột nắn chỉnh Ponseti (có thể không cần phẫu thuật hoặc phẫu thuật rất nhỏ). Thời điểm thực hiện phương pháp này rất sớm, tầm 7-10 ngày sau sinh và trải qua vài lần nắn chỉnh, bó bột. Thời gian bó bột khoảng 6 tuần và thay hàng tuần. Phương pháp bó bột Ponseti mang đến hiệu quả đến 95%, nhất là với bé được điều trị sớm trong 2 năm đầu sau khi sinh và tuân thủ việc mang giày nẹp.
- Việc dùng nẹp hay giày nẹp cũng được chứng minh là rất hiệu quả với chân khoèo bẩm sinh, nhất là sau khi đã được bó bột chỉnh hình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn phải tuyệt đối tuân thủ quy định thời gian khi mang giày để điều chỉnh tốt nhất dị tật bàn chân khoèo ở trẻ. Bởi lẽ, việc mang dài này rất lâu, có thể phải mang cả ngày lẫn đêm và kéo dài đến khi trẻ được 4-5 tuổi.
Điều trị can thiệp
Sau khi áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn không thành công hoặc việc phát hiện và điều trị bệnh quá trễ, phẫu thuật chỉnh hình bàn chân khoèo sẽ được chỉ định áp dụng. Lúc này, yêu cầu tối thiểu là trẻ phải trên 3 tháng tuổi và cân nặng đạt trên 6kg.
- Khi tiến hành phẫu thuật chỉnh hình, các bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật can thiệp trên phần mềm như: kéo dài gân Achille, giải phóng bao khớp chầy sên và sên gót, kéo dài gân gấp ngón cái và cắt ngắn gân gấp các ngón, cắt cân gan chân, chuyển gân… Sau khi thực hiện phẫu thuật, trẻ sẽ được bó bột trong khoảng 3-4 tuần.
- Ngoài can thiệp trên phần mềm, trong một số trường hợp can thiệp chưa hiệu quả, biến dạng nặng, các bác sĩ sẽ tiến hành xử lý cả phần xương của trẻ, sau đó cố định bằng đinh Kirschner và bó bột trong 5-6 tháng. Tuy nhiên, việc can thiệp về xương phức tạp hơn như: nạo xương xốp ở xương sên, đục hình chêm cổ xương sên, đục hình chêm mắt cá ngoài và xương gót, đục hình chêm nền các đốt bàn, đục hình chêm qua khớp gót hộp và sên thuyền, đục xương chữa xoay xương chầy… nên cần được thực hiện khi trẻ lớn, với độ tuổi nhất định theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Dị tật bàn chân khoèo ảnh hưởng rất lớn đến trẻ về sau. Nếu thấy bàn chân con có biểu hiện bất thường, bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng bàn chải mềm kích thích vùng bên hông từ gót chân đến ngón chân út để quan sát cử động bàn chân của trẻ và báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa khi thấy nghi ngờ.