Mua sắm qua mạng đang là xu thế của thời đại, khi mà chị em ngày càng tất bật và yêu cầu về sự tiện lợi cao hơn. Tuy nhiên, mua sắm online cũng chứa đựng không ít rủi ro. Hãy tham khảo các phương pháp sau để mua sắm an toàn và hài lòng các mẹ nhé!
1. Kiểm tra độ tin cậy của website bán hàng
Hiện nay, có rất nhiều trang web lừa đảo giả danh các địa chỉ uy tín. Bạn cần phải kiểm tra thật kĩ địa chỉ url của trang web bán hàng trước khi thực hiện giao dịch, hãy chắc chắn rằng bạn đã vào đúng địa chỉ mong muốn, tránh trường hợp gặp phải các trang giả mạo rất giống trang thật (đôi khi chỉ khác đuôi .com hay .vn).
Việc bạn nên làm là xác minh địa chỉ kinh doanh của website xem có thực hay không, bao gồm cả trụ sở tại Việt Nam và nước ngoài. Kiểm tra giấy phép kinh doanh, tên miền (việc đăng kí tên miền kinh doanh cũng là một thông tin cần thiết cần tìm hiểu trước khi chuyển tiền, thực hiện giao dịch), nhất là các giao dịch lớn.
2. Mua hàng ở người bán đáng tin cậy
Hiện nay, dịch vụ bán hàng online nở rộ, bạn có thể mua bất cứ mặt hàng nào qua mạng, từ hàng công nghệ cho đến mỹ phẩm, thức ăn… Ưu tiên hàng đầu vẫn là những người bạn đã quen biết, có uy tín. Tốt nhất là nên nắm được địa chỉ nhà của người bán. Còn với những giao dịch lần đầu, bạn có thể lên Google tìm kiếm thêm thông tin về người bán. Thông thường những người bán có uy tín đều có địa chỉ, số điện thoại liên lạc rõ ràng.
3. Cân nhắc chi phí phát sinh
Rất nhiều người mua hàng online đã bực mình khi tưởng mua món hàng giá rẻ hơn trên thị trường, nhưng khi đến tay thì giá đội lên rất cao. Lý do là người bán chỉ chú ý đến giá trị thật của món hàng mà quên xem xét các chi phí cộng gộp khác, ví dụ như tiền vận chuyến. Vì vậy, trước khi quyết định đặt hàng, các bạn cần kiểm tra xem những chi phí phát sinh liên quan tới món hàng như phí vận chuyển hay phí bảo hiểm. Đôi khi món hàng có giá trị rất nhỏ nhưng khi cộng cả phí vận chuyển vào, số tiền bạn bỏ ra có khi tăng gấp đôi, gấp ba lần giá trị gốc. Do vậy, tốt nhất hãy hỏi người bán về các khoản phát sinh nếu bạn chưa rõ.
4. Nên xem kỹ hàng trước khi mua và nhận hàng
Nếu là những món hàng thiên về kỹ thuật như điện thoại, máy nghe nhạc, máy chụp hình thì bạn cần phải thử sản phẩm, thời hạn bảo hành, linh kiện đi kèm… Nhiều trường hợp, nhận hàng rồi mới trả tiền, nên khi nhận hàng bạn cần kiểm tra thật kĩ xem có lỗi, hỏng hóc gì không rồi hãy nhận nhé!
5. Lưu hóa đơn chứng từ
Khi chuyển khoản thì đã có sao kê ngân hàng, còn trường hợp nhận hàng trả tiền trực tiếp, bạn nên giữ lại hóa đơn thanh toán để tránh phát sinh các rắc rối về sau khi có tranh cãi, tranh chấp.
6. Chủ động chọn địa điểm và thời gian giao dịch
Khi mua hàng bạn nên chủ động chọn địa điểm giao dịch, tốt nhất là nên chọn chỗ đông người hoặc gần những nơi mà bạn thân thuộc, hoặc những địa điểm gần các công an phường. Thời gian giao dịch tốt nhất bạn nên chọn vào ban ngày, vì như thế bạn có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm kỹ hơn. Ngoài ra, điều này còn giúp bạn tránh những trường hợp mạo danh nhân viên giao hàng để lừa đảo, cướp giật.
7. Test trước khi mua hàng giá trị lớn
Nếu mua món hàng giá trị khá lớn, nhất là từ nước ngoài về, có lẽ bạn nên “test” trước bằng cách đặt 1 món hàng giá trị thấp, sau đó kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, tem… rồi hãy đi đến quyết định mua món hàng mình muốn bạn nhé!