Mẹ và Con - Các ý tưởng tái chế đồ nhựa có thể nói là muôn màu muôn vẻ. Tùy theo điều kiện sẵn có mà bạn có thể biến tấu đồ nhựa thành đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ dùng hay đồ trang trí trong gia đình.

Tái chế đồ nhựa không hề khó. Chỉ với vài vật dụng đơn giản bạn đã có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm từ nhựa thú vị. Tưởng tượng bạn cùng bé dành thời gian cùng thiết kế đủ món đồ chơi lẫn dụng cụ học tập thì thú vị biết nhường nào.

Hơn hết, việc tái chế vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tăng khả năng sáng tạo và sự khéo léo. Dưới đây là một số gợi ý của Mẹ và Con vài cách tái chế đồ nhựa đơn giản, dễ làm bạn có thể tham khảo.

Tái chế đồ nhựa thành đồ chơi

Đồ chơi chắc chắn là món mà các bé thích thú vọc vạch nhất. Bạn cần chuẩn bị:

  • Chai nhựa làm sạch, loại 390~500ml và chai to 1,5L.
  • Kéo
  • Dao mũi nhọn
  • Keo nến
  • Băng keo
  • Các phụ kiện như giấy bìa, dây thừng, giấy màu tùy món đồ bạn muốn thực hiện.

Làm thuyền buồm, ô tô từ chai nhựa

Chỉ cần vài chai nhựa bỏ đi và xiên tre thì bạn đã có thể lắp ráp được cả một chiếc thuyền buồm xinh xắn. Bạn cần dùng 1 chai nhựa khoét nửa để làm thân thuyền, dùng 1 xiên tre làm cột buồm và các mảnh nhựa hoặc giấy bìa để làm buồm. Nếu vẫn chưa hình dung được cách lắp ghép thì hãy xem ảnh minh họa này nhé:

Tái chế đồ nhựa thành đồ chơi
Tái chế đồ nhựa thành đồ chơi

Trường hợp muốn thiết kế thành xe hơi thì bạn sẽ cần thay đổi một chút. Theo đó ta vẫn cần một chai nhựa làm thân xe. Bạn dùng giấy bìa cạc tông để làm ghế và bánh xe. Sau đó dùng 2 xiên tre để làm trục cho 2 cặp bánh.

Tái chế chai nhựa thành ô tô đồ chơi
Tái chế chai nhựa thành ô tô đồ chơi

Ống bỏ tiền tiết kiệm hình động vật

Tái chế các loại chai nhựa thành một ống tiết kiệm hình con vật đáng yêu, tại sao không? Rất đơn giản, bận chỉ cần một bình nước to, ngắn để làm thân, 4 chân là 4 nắp chai và đính thêm tai, mắt, đuôi như ảnh:

Ngoài ra còn có ống tiết kiệm hình gấu trúc, hươu cao cổ… bạn có thể dùng thêm sơn bên ngoài để tăng vẻ sống động cho các món đồ tái chế.

Tái chế đồ nhựa thành đồ dùng trong nhà

Làm chậu hoa bằng chai nhựa

Chai nhựa đa dạng mẫu mã, kích thước lẫn màu sắc nên tận dụng để làm chậu hoa thì thật tuyệt. Bạn hoàn toàn có thể cắt các chai nhựa thành nhiều chậu hoa đa kích cỡ. Lưu ý là cần khoét thêm lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu để tránh úng, ngập cây nhé. Ngoài ra thì bạn cũng có thể dùng dây thừng để tạo thành chậu treo tường, treo ban công xinh xắn.

Chế tạo đèn trang trí lung linh

Tái chế đồ nhựa thành đèn
Tái chế đồ nhựa thành đèn

Biến các vỏ chai cũ thành đèn lồng, chụp đèn lung linh thì thế nào nhỉ? Với món đồ tái chế này bạn nên chọn loại vỏ nhựa dày, chắc chắn. Dùng thước để đánh dấu chia chai nhựa thành hai phần bằng nhau, bạn nên dùng dao rạch nhẹ một vòng tròn để đánh dấu điểm ở giữa này. Sau đó dùng dao rọc giấy rọc từ trên xuống, cách đầu và đáy chai khoảng 3cm. Cuối cùng, bạn dùng tay ép nhẹ nhàng theo vòng tròn ở giữa chai để tạo nếp gấp như đã đánh dấu. Sau đó bạn có thể sử dụng kẽm hoặc dây thừng để treo thành dây đèn trang trí xinh xắn hoặc làm thành lồng đèn mini cho bé chơi đùa.

Tái chế đồ nhựa thành đồ dùng học tập

Hộp bút từ chai nhựa

Chỉ cần cắt ngang một chai nhựa, mài nhẵn mặt cắt là bạn đã có ngay ống đựng bút đơn giản mà cực kỳ bền. Để thêm phần bắt mắt thì hãy thử trang trí bằng sơn hoặc màu acrylic hoặc dùng giấy màu dán lên vỏ chai.

Ngoài ra, nếu cầu kỳ hơn thì bạn có thể cắt hai phần đáy chai sao cho vừa đủ độ dài đựng bút, thước. Sau đó dùng keo nến dán chặt khóa kéo bên ngoài như ảnh bên dưới. Vậy là có ngay hộp bút xinh xắn tiện dụng.

Tái chế chai nhựa thành hộp bút
Tái chế chai nhựa thành hộp bút

Làm kệ đựng hồ sơ từ can nhựa cứng

Thay vì mua các hộc nhựa để đựng tài liệu, hồ sơ, bạn chỉ cần vài can nhựa 5L cũ được làm sạch. Sau đó, bạn cắt hình chữ L theo chiều dọc như ảnh bên dưới để tạo thành các ngăn kệ. Dùng keo hoặc đinh ghim để cố định các ngăn nhựa này lại với nhau. Vậy là bạn có ngay một kệ sách để bàn mini xinh xắn.

Làm kệ đựng hồ sơ từ can nhựa cứng
Làm kệ đựng hồ sơ từ can nhựa cứng

Một số lưu ý khi tái chế đồ nhựa

Việc tái chế đồ nhựa thì rất tốt nhưng bạn cần chú ý một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn nhé:

  • Phải vệ sinh thật kỹ, tốt nhất là vệ sinh đồ chơi cho bé sau đó phơi qua nắng để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Cần lưu ý khi thao tác với các dụng cụ có thể gây nguy hiểm tới trẻ nhỏ.
  • Tránh các đường cắt quá sắc nhọn sẽ dễ tổn thương trẻ. Tốt nhất bạn nên hơ nhẹ các mép cắt qua lửa hoặc dùng giấy nhám mài lại trước khi dùng.
  • Đồ tái chế từ nhựa dùng một lần không nên để tiếp xúc với đồ ăn thức uống vì nhựa tái chế nhìn chung không tốt cho sức khỏe.

Vẫn còn rất nhiều ý tưởng tái chế đồ nhựa khác bạn có thể thử tham khảo trên internet. Chúc bạn và bé có khoảng thời gian sáng tạo thật vui với nhiều thành phẩm tái chế độc đáo.

Bài viết liên quan

cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất

Cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính

Mẹ và Con - Tiết kiệm tiền cho những dự định tương lai luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là giải pháp đáng tin cậy. Tuy nhiên, làm thế nào để việc tiết kiệm vừa an toàn vừa sinh lời tối ưu? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá ngay cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất, sinh lời cao trong bài viết dưới đây nhé.