Một người có dấu hiệu buồn bã, chán nản có phải là họ đang bị bệnh trầm cảm? Liệu có phải bệnh trầm cảm điều trị rất khó hay không? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá 6 sự thật thường hay được hiểu sai nhất về bệnh trầm cảm bạn nhé!
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một căn bệnh được xếp vào nhóm rối loạn tâm trạng. Khi bị bệnh trầm cảm, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy buồn bã, mất mát hoặc tức giận,… Những cảm xúc tiêu cực này sẽ dễ gây cản trở đối với các hoạt động hằng ngày cũng như các mối quan hệ của bạn.
Hiện nay, số lượng người mắc bệnh trầm cảm ngày một cao hơn, đặc biệt là khi chúng ta ngày càng gặp nhiều căng thẳng, áp lực trong công việc và trong cuộc sống. Và mặc dù trầm cảm là một căn bệnh đang vô cùng phổ biến, vẫn có rất nhiều thông tin sai lệch về bệnh khiến việc phát hiện, điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
6 Lầm tưởng về bệnh trầm cảm chúng ta thường gặp
1. Bạn sẽ biết được nếu ai đó bị trầm cảm
Có phải bạn vẫn luôn nghĩ những người trầm cảm thì có biểu hiện vô cùng rõ ràng và chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết hay không? Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm đấy nhé! Nhiều người sống nội tâm, không thích trò chuyện nơi đông người hoặc đang gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống cũng sẽ có biểu hiện lo lắng hoặc mệt mỏi, buồn bã. Tuy nhiên, họ không hề mắc bệnh trầm cảm như chúng ta vẫn nghĩ.
Do đó, nếu chỉ dựa trên một vài triệu chứng cơ bản, chúng ta không thể đoán được một người có bị trầm cảm hay không. Chúng ta cần phải cẩn thận quan sát những thay đổi lớn trong lối sống và hành vi của họ, chẳng hạn như họ trở nên tranh luận nhiều hơn, bắt đầu ăn uống nhiều hơn hoặc trở nên cô lập hơn trong một thời gian dài. Lúc này, những gì tốt nhất bạn có thể làm chính là khuyên người có triệu chứng bệnh trầm cảm đến gặp chuyên gia để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị nếu cần.
2. Ai cũng có lúc bị trầm cảm
Hầu hết chúng ta đều từng cảm thấy buồn bã, chán nản, mất đi động lực sống và làm việc. Tuy nhiên, điều này không hề đồng nghĩa với việc chúng ta mắc bệnh trầm cảm. Do đó, việc kết luận rằng ai cũng có lúc mắc bệnh trầm cảm là một kết luận hoàn toàn không chính xác.
Những cảm xúc buồn bã của chúng ta thường chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, những triệu chứng lâm sàng của chứng trầm cảm thường xuất hiện liên tục và kéo dài trong một khoảng thời gian. Thậm chí, những người mắc bệnh trầm cảm cũng không thể lý giải được vì sao họ lại có những cảm xúc buồn bã như thế.
Một số dấu hiệu của người mắc bệnh trầm cảm thường gặp như:
- Mất hứng thú với những điều bạn từng rất thích
- Có ý định tự tử
- Có cảm giác tội lỗi
- Tự ti, thấy bản thân mình vô dụng
- Tuyệt vọng
- …
Nếu những triệu chứng này xuất hiện và kéo dài từ hai tuần trở lên, bạn nên tìm đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn.
3. Bệnh trầm cảm chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng
Khi rơi vào tình trạng trâm cảm, tâm trạng của bạn sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bệnh trầm cảm chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà thôi. Căn bệnh này còn có thể làm tiêu hao năng lượng của bạn, khiến bạn cảm thấy thèm ăn hoặc chán ăn, gây nên rối loạn giấc ngủ,… Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn, khiến bạn cảm thấy đau đầu và gây nên hàng loạt triệu chứng khác có liên quan đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa,…
Do đó, khi mắc bệnh trầm cảm, bạn không chỉ cần sử dụng thuốc hoặc điều trị tâm trạng của mình mà còn phải khắc phục những hậu quả do bệnh gây ra với sức khỏe thể chất của bạn.
4. Trầm cảm và rối loạn lo âu là 1
Rối loạn lo âu (anxiety disorder) là một dạng bệnh tâm lý khiến người bệnh rơi vào trạng thái lo lắng quá mức, sợ hãi không lý do. Một số triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu gần như tương đồng với triệu chứng bệnh trầm cảm.
Tuy nhiên, hai căn bệnh này hoàn toàn khác nhau. Một điểm khác biệt thường thấy nhất chính là người mắc chứng rối loạn lo âu vẫn có thể chia sẻ nỗi lo lắng của mình với mọi người trong khi người mắc bệnh trầm cảm thường có tâm lý im lặng, không chia sẻ với bất kỳ ai.
5. Chỉ cần ý chí quyết tâm là có thể vượt qua bệnh trầm cảm
Nếu bạn vẫn đang nghĩ rằng khi bị trầm cảm chỉ cần sức mạnh của ý chí là có thể giải quyết toàn bộ vấn đề thì hãy suy nghĩ lại bạn nhé! Bên cạnh các yếu tố như căng thẳng, rối loạn lo âu kéo dài hay gặp phải các sự kiện tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn, bệnh trầm cảm cũng có thể xuất hiện do sự gián đoạn của các chất hóa học điều chỉnh tâm trạng hoặc do các chấn thương tác động trực tiếp đến não bộ, do di truyền,…
Do đó, không phải chỉ cần cố gắng với ý chí quyết tâm là có thể cải thiện tình trạng bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bệnh nhân cũng cần ý chí để học cách điều chỉnh lại cách bản thân đang nhìn nhận mọi thứ, đẩy lùi những suy nghĩ phiến diện, tiêu cực, từ đó khiến tâm trạng của bạn cảm thấy tốt hơn và giúp việc điều trị bệnh trầm cảm trở nên dễ dàng hơn.
6. Rất khó để điều trị bệnh trầm cảm
Khi nhắc đến bệnh trầm cảm, chúng ta thường nghĩ đến sự tiêu cực, bế tắc và cho rằng đây là một vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần vô cùng khó chữa. Theo các chuyên gia tâm lý, bệnh trầm cảm thuộc nhóm những bệnh tâm thần đơn giản nhất, dễ điều trị nhất. Tùy theo mức độ bệnh mà thời gian chữa bệnh trầm cảm cũng sẽ khác nhau.
Vấn đề của bác sĩ điều trị và của chính bệnh nhân chính là cùng hợp tác để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cũng như cách để giải quyết các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như việc lo lắng quá mức, thường xuyên lạm dụng các chất gây nghiện,…
Hiện nay, sự kết hợp giữa các liệu pháp điều trị tâm lý và sử dụng thuốc đã cho thấy hiệu quả nhất định đối với những người bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Theo đó, có đến 70% những người bị trầm cảm nặng cho thấy có sự cải thiện rõ rệt sau khi tiếp nhận điều trị. Do đó, nếu bạn có người thân hoặc bạn bè mắc bệnh trầm cảm, hãy cố gắng để thuyết phục họ đi điều trị càng sớm càng tốt, từ đó có thể có được những phương pháp trị bệnh phù hợp nhất.
Những thông tin sai có thể khiến việc phát hiện và điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Vì thế, hãy chia sẻ bài viết của Tạp chí Mẹ và Con đến gia đình, bạn bè để mọi người có được những thông tin chính xác hơn về bệnh trầm cảm bạn nhé!