Mẹ&Con - Có thể bạn sẽ ngớ ra khi đọc được những điều này và mắt tròn mắt dẹt thốt lên: “Ơ, cần làm như vậy à?” hay “Không được làm thế sao?” Những lầm tưởng này của mẹ đôi khi rất tai hại, nhất là khi bạn chưa có kinh nghiệm và đang chăm bé đầu lòng.
Dieu can biet khi cham con so

(Ảnh minh hoạ)

1. Tuyệt đối không nên lắc bé sơ sinh

Việc à ơi đưa bé tới lui quá mạnh, rung lắc cả người bé nhằm “biểu lộ tình cảm” là rất sai lầm. Trẻ sơ sinh có bộ não còn rất yếu, đầu nặng và cổ chưa đủ sức nâng. Ba lý do đó giải thích vì sao bạn không bao giờ được lắc bé.  

Có những trẻ sơ sinh phải nhập viện chỉ vì người lớn lắc lư quá mạnh. Thậm chí, có một số bé còn phải chịu tàn phế suốt đời vì mạch máu não bị rách, chảy máu, gây tổn thương không chữa được.

2. Nếu trẻ ọc sữa, vặn mình trong 2 tuần đầu nên nghĩ đến do thiếu canxi

Nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong tối thiểu 6 tháng đầu đời. Trong trường hợp vì lý do nào đấy bé phải bú bình, bạn cần theo dõi sát sao vì bé rất dễ bị thiếu canxi khi bú bình.

Sau khi sinh, trong 2 tuần đầu, nếu xảy ra hiện tượng trẻ ọc sữa, vặn mình phải lập tức nghĩ đến việc trẻ thiếu canxi. Thời gian này, xương trẻ cần phát triển mạnh, đòi hỏi lượng canxi cung cấp rất lớn, song sau khi cắt rốn, lượng canxi từ mẹ cung cấp cho con bị mất đột ngột và nguồn cung cấp từ bên ngoài qua sữa bình bị thiếu, dẫn đến tình trạng trên.

Canxi là một trong những muối khoáng có chức năng tham gia vào các phản ứng chuyển hóa, điều hòa môi trường trong cơ thể như trong mạch máu, tế bào, v.v.. Do đó, nếu không cung cấp đủ canxi, trẻ sẽ bị biến dạng xương tay, chân; nhiễm trùng đường hô hấp do lồng ngực bị méo, v.v..

Khi không thể cho con bú sữa mẹ, cần tìm các loại sữa có hàm lượng canxi cao và cho trẻ bú nhiều. Ngoài ra, muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể phải có đủ vitamin D. Phơi nắng buổi sáng cho trẻ cũng là cách tốt để cung cấp vitamin D. 

3. Chăm cuống rốn

Muốn cho cuống rốn khỏi bị nhiễm trùng sau khi cắt, cần giữ sạch và khô. Cuống rốn càng khô càng mau rụng. Vì lẽ đó, không nên băng quanh bụng trẻ lại và nếu muốn băng, thì nên băng lỏng thôi. Rốn có mủ hoặc có mùi hôi là dấu hiệu nguy hiểm. Cần chú ý theo dõi sát và báo với bác sĩ ngay khi có dấu hiệu đỏ bất thường.

4. Vệ sinh cho bé

Mỗi khi tã lót hay chăn chiếu của trẻ bị ướt hay bẩn, phải thay ngay. Nếu da trẻ bị đỏ, phải thay tã lót luôn hoặc tốt hơn cứ nên để truồng. Sau khi rụng rốn, nên tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng dành riêng cho trẻ sơ sinh. Nếu nhà có muỗi hay ruồi, cần buông màn cho trẻ nằm, có thể che bằng vải mỏng. Những người thân bị lở loét, cảm cúm, viêm họng, lao hay bị bệnh nhiễm trùng khác không được bế hay đến gần trẻ.

5. Theo dõi cân nặng của trẻ

Những ngày đầu, nhiều trẻ thường sụt cân đôi chút. Đó là chuyện bình thường. Sau tuần đầu, nếu là trẻ khỏe mạnh thì mỗi tuần tăng được 200g. Nếu không lên cân hoặc sút cân, có thể trẻ có vấn đề. Cần xem xét tình hình sức khỏe của trẻ lúc mới sinh, trẻ có bú nhiều không cũng như những dấu hiệu nhiễm trùng hoặc vấn đề khác. Nếu không tìm thấy nguyên nhân phải đi bác sĩ ngay

6. Trớ bình thường và trớ bất thường

Trẻ khỏe mạnh bú xong có thể ợ ra một ít sữa (hoặc ợ hơi mà trẻ nuốt phải trong khi bú). Đó là điều bình thường. Để giúp trẻ ợ hơi ra sau khi bú, người mẹ cần ẵm trẻ lên vai, vỗ nhẹ vào lưng trẻ. Nếu sau khi cho bú, đặt trẻ nằm, trẻ bị trớ, thì sau khi cho bú giữ cho trẻ thẳng một lúc.

Nếu trẻ bị trớ nhiều quá, hoặc trớ luôn làm cho trẻ bị sụt cân hay kiệt nước, tức là trẻ đã bị ốm. Nếu kèm theo bị tiêu chảy, có thể là trẻ bị viêm đường ruột, nhiễm trùng máu, viêm màng não và nhiều bệnh viêm nhiễm khác cũng có thể gây trớ.

Nếu các chất trớ ra màu xanh hay vàng có thể là trẻ bị tắc ruột, đặc biệt nếu bụng trẻ chướng căng, hoặc không đi ngoài được, cần cho trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. 

Tags:

Bài viết liên quan