Việc ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng đến các thói quen tốt của con như tập thể dục thường xuyên, vui chơi với bạn bè, khám phá những điều thú vị xung quanh… Bên cạnh đó, khi ở nhà quá lâu tâm lý của trẻ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Cùng Mẹ và Con học ngay cách chăm sóc trẻ mùa dịch bệnh này nhé!
Tập cho trẻ duy trì các thói quen tốt
Những thói quen tốt của trẻ trước dịch như: dậy đúng giờ để chuẩn bị đi học, chăm vệ sinh cá nhân, uống nước đúng giờ, ngủ đủ giấc… sẽ rất khó để duy trì khi ở nhà trong khoảng thời gian dài. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ tuổi. Không chỉ mất đi những thói quen tốt mà trẻ còn hình thành những thói quen không tốt như: xem tivi, chơi game quá lâu, không hoạt động nhiều, lười uống nước…
Chính vì vậy, các bạn nên xây dựng cho trẻ một thời khóa biểu giống như trước dịch để trẻ có thể làm quen với đồng hồ sinh học này. Bạn cũng không nên quá khắt khe phải đúng từng giờ từng phút, các bạn có thể cho trẻ thực hiện chậm hơn hay nhanh hơn khoảng 15 phút. Ví dụ trẻ muốn ngủ nướng thêm khoảng 10 phút bạn cứ cho phép nhưng bắt buộc trẻ phải đổi lại giờ chơi điện thoại là 15 phút.
Nếu bố mẹ giúp trẻ duy trì được thói quen tốt này không chỉ có lợi cho sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ mà còn giúp bạn đỡ vất vả hơn khi chăm sóc trẻ sau dịch.
Giải thích cho trẻ biết về tình hình dịch bệnh
Nhiều bố mẹ thường nghĩ rằng, trẻ em sẽ không lo nghĩ nhiều về dịch bệnh, nhưng bố mẹ biết không suy nghĩ của trẻ đôi khi phức tạp hơn những gì ta biết. Chính vì vậy, trẻ sẽ tự đặt ra hàng trăm câu hỏi liên quan đến dịch bệnh hay vì sao mình lại không được đi học như ngày thường. Để chăm sóc trẻ mùa dịch tốt các bạn nên chọn lọc những thông tin bổ ích về dịch bệnh và tìm cách chia sẻ đúng về dịch bệnh theo từng độ tuổi của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ (dưới 9 tuổi)
Đây là giai đoạn trẻ đang phát triển tâm lý rất mạnh nhưng khả năng tiếp nhận cũng như phân tích thông tin chưa được hoàn thiện nên các bạn cần chọn những từ ngữ dễ hiểu. Bên cạnh đó, các bạn cần giải thích rõ tình trạng bệnh, dấu hiệu bệnh theo cách dễ hiểu nhất để bé có thể dễ dàng chia sẻ với bố mẹ khi mắc phải những triệu chứng bệnh.
Đối với trẻ bắt đầu có nhận thức (10 tuổi trở lên)
Ở độ tuổi này trẻ thường sẽ ngoan ngoãn và vâng lời nếu bố nhẹ nhẹ nhàng chia sẻ với bé, không nên áp đặt quá nhiều kiến thức cùng một lúc. Ngoài ra bố mẹ cần theo dõi những nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận về dịch bệnh, điều này sẽ đảm bảo thông tin chính xác hơn.
Xây dựng năng lượng tích cực cho trẻ
Không chỉ người lớn phải đối mặt với nhiều khủng hoảng tâm lý mùa dịch mà ngay cả trẻ cũng vậy. Đây có thể là một cú sốc rất lớn đến thói quen hàng ngày của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu vì không được khám phá thế giới bên ngoài. Đặc biệt là trẻ ở giai đoạn mẫu giáo và lớp 1 (độ tuổi trẻ rất thích tìm hiểu mọi thứ). Vậy làm cách nào để xây dựng năng lượng tích cực cho trẻ?
Một trong những cách chăm sóc trẻ mùa dịch hiệu quả chính là cho trẻ thực hiện các hoạt động nghiêng về chăm sóc, phát triển bản thân như:
- Các bạn có thể cho trẻ gieo trồng một hạt giống yêu thích (nên chọn những giống dễ phát triển và nảy mầm). Sau đó các bạn hãy chỉ cho trẻ quá trình phát triển của thực vật
- Bạn có thể cùng trẻ thực hiện vài món đồ DIY đơn giản như: lọ cắm hoa handmade, hộp đựng bút, túi thơm….
- Cho trẻ tham gia một khóa học online về năng khiếu hay bất kỳ bộ môn nào mà không cần phải làm bài tập về nhà
Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ
Một yếu tố chăm sóc trẻ mùa dịch hiệu quả chính là hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ. Vì chắc hẳn trong mùa dịch này các thiết bị điện tử chính là “người bạn” đồng hành của nhiều trẻ. Đây cũng là cách mà bố mẹ thường sử dụng để có thời gian rảnh giải quyết các công việc cá nhân. Tuy nhiên việc này có thể vô tình hình thành thói quen xấu cho trẻ.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới hai tuổi xem truyền hình; thời gian cho phép trẻ 2 – 5 tuổi xem truyền hình khoảng 1 giờ nhưng có giám sát; thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ em trên 5 tuổi tuỳ theo nhu cầu giáo dục, giải trí và có thời gian nghỉ phù hợp.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng nhiều thiết bị điện tử, tivi sẽ tác động xấu đến trí nhớ, giấc ngủ, khả năng giao tiếp hay kỹ năng xã hội của trẻ. Vì khi xem các chương trình trên điện thoại trẻ chỉ giao tiếp thụ động không có sự tương tác qua lại.
Chăm sóc trẻ mùa dịch: Xây dựng thực đơn khoa học
Thực phẩm chính là nguồn năng lượng và nguồn cung cấp dinh dưỡng để cho trẻ phát triển khỏe mạnh. Chính vì vậy, bố mẹ nên xây dựng cho con một thực đơn đầy đủ nhóm chất. Đặc biệt là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay:
- Chất đạm: Thường có trong các loại đậu, trứng, cá, gà, các loại thịt, sữa, sữa chua và phô mai, bổ sung chất đạm giúp bé xây dựng cơ thể khỏe khoắn và mạnh mẽ.
- Vitamin và khoáng chất: Việc cho con “ăn lệch” 1 nhóm thực phẩm như thịt, cá, “ngó lơ” rau xanh sẽ làm cơ thể thiếu hụt một lượng lớn vitamin và khoáng chất cùng một lượng chất xơ dồi dào. Trẻ thiếu chất, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng không thể hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, từ đó ảnh hưởng sức khỏe. Mẹ nên ưu tiên chọn những loại rau quả nhiều màu sắc. Các loại rau như: bông cải xanh, đậu xanh, cà rốt, khoai lang, cà chua, cải bó xôi và dưa leo nguyên vỏ và các loại trái cây như đào, mơ, lê và táo rất tốt cho sức khỏe trẻ.
- Tinh bột: Không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, cơm, nui, ngũ cốc… còn giúp cơ thể bổ sung một lượng chất xơ dồi dào.
- Chất béo: Cần thiết cho sự phát triển não của trẻ, chất béo chưa bão hoà có nhiều trong cá, trái bơ, dầu ôliu, hạt cải…
- Chất lỏng: Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ nên cho trẻ uống 1,5 -2 lít nước ngày, bao gồm cả hàm lượng nước canh, nước ép và lượng nước trong các loại hoa quả.
Tập thể dục hàng ngày
Yếu tố quan trọng cuối cùng khi chăm sóc trẻ mùa dịch chính là nên cho trẻ vận động thường xuyên. Các bạn nên cân bằng giữa thời gian giải trí của trẻ với thời gian tập thể dục, xem phim. Bên cạnh các bài tập thể dục bình thường, bố mẹ có thể cho trẻ tập yoga, nhảy dây hay đi cầu thang bộ (đối với trẻ đã biết đi thành thạo). Điều quan trọng nhất chính là cho trẻ tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, nên các bạn có thể cho trẻ hoạt động ngoài sân, ban công hay gần cửa sổ.
Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, chăm sóc trẻ mùa dịch còn khó hơn gấp nhiều lần. Mẹ và Con hy vọng với những thông tin trên đây sẽ phần nào chia sẻ được với bố mẹ nỗi vất vả chăm con mùa dịch. Chúc gia đình bạn thật nhiều sức khỏe!