Mẹ&Con – Trên thực tế, tỷ lệ trẻ mắc các dị tật bẩm sinh rất cao. Đây chính là gánh nặng của gia đình và xã hội. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần phải hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình thông qua việc tầm soát sức khỏe trước khi mang thai bằng 5 xét nghiệm sau:

Tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh

Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm 1,5-2% số trẻ được sinh ra hàng năm. Từ đó có thể ước tính là hàng năm ở nước ta có khoảng 22.000-30.000 trẻ mắc bệnh bẩm sinh chào đời.

Nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy, các dị tật bẩm sinh là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ tử vong ở độ tuổi dưới 5.

Nếu may mắn sống sót trẻ cũng sẽ khiếm khuyết về thể chất và tinh thần suốt đời. Đó không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Chính vì thế, trước khi có ý định mang thai, bạn cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và cả người bạn đời bằng những xét nghiệm đặc thù để có được lời khuyên chính xác nhất.

Vai trò của các xét nghiệm tiền mang thai

5 xét nghiệm cơ bản khi mang thai mẹ nào cũng cần biết 4

Thực hiện các xét nghiệm sức khỏe tiền mang thai giúp cả mẹ và thai nhi phòng tránh được nhiều bệnh tật. (Ảnh minh họa)

– Xét nghiệm sức khỏe tiền mang thai là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để nắm bắt tình hình sức khỏe sinh sản và có những giải pháp chuyên biệt cho bản thân.

– Hạn chế tỷ lệ dị tật bẩm sinh cho thai nhi, những khiếm khuyết có thể xảy ra cho trẻ.

– Kịp thời điều trị để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

– Giảm áp lực tâm lý cho người phụ nữ trong suốt quá trình mang thai.

– Tạo điều kiện cho quá trình sản sinh ra những cá nhân khỏe mạnh, tiết kiệm chi phí chăm sóc và duy trì sự phát triển của giống nòi về sau.

5 xét nghiệm cần thiết tiền mang thai

1. Kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể

Ở mỗi người sẽ có 46 nhiễm sắc thể chia thành 22 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp nhiễm sắc thể giới tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bất thường làm tăng số lượng hay đột biến mất đoạn hay vi mất đoạn, rối loạn đơn gien… sẽ gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể thường gặp nhất là Hội chứng Down, Hội chứng Edward, Hội chứng Tuner, Patau…

Những thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể phải đối mặt với nguy cơ đa dị tật bào thai, sẩy thai sớm, thai chết lưu hoặc chết ngay khi sinh. Trong một số trường hợp khác không thể tầm soát được hoặc vượt qua được giai đoạn bào thai, trẻ chào đời sẽ mắc bệnh bẩm sinh với những khuyết tật đeo đẳng suốt đời.

Để hạn chế những bất thường về nhiễm sắc thể có thể di truyền sang con, bạn nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra máu tĩnh mạch vào thời điểm 3 tháng trước khi mang thai. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết nguy cơ trẻ có thể mắc bệnh nào từ người mẹ và có các biện pháp dự phòng.

Ngoài ra, bạn cũng nên yêu cầu người bạn đời đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe để tầm soát các bệnh mãn tính, di truyền, đảm bảo cho trẻ có cơ hội chào đời khỏe mạnh.

2. Kiểm tra các chỉ số về máu

Thông thường, ở giai đoạn chuẩn bị mang thai, các bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra công thức máu, các chỉ số về hồng cầu, dung tích hồng cầu, tiểu cầu.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm về máu còn được thực hiện để xác định các bệnh di truyền về máu như bệnh máu bẩm sinh có liên quan đến nhiễm sắc thể hay bất thường mức độ gen. Những nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nguy cơ chảy máu sau sinh, bệnh máu không đông, thiếu máu, thiếu hồng cầu hoặc xơ nang… cũng được tầm soát qua các xét nghiệm máu tiền mang thai.

Mục đích của các xét nghiệm máu này là để xác định tình trạng sức khỏe của bạn, giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi mang thai. Ngoài ra, xét nghiệm máu tiền mang thai còn giúp các bác sĩ có được cái nhìn tổng thể về những nguy cơ di truyền các bệnh nguy hiểm cho thế hệ sau và có giải pháp thích hợp cho trường hợp của bạn.

Bên cạnh đó, các bác sĩ còn dựa theo kết quả xét nghiệm để chuẩn bị các biện pháp đối phó những vấn đề phát sinh khi bạn mang thai và sinh nở, nhất là khi bạn thuộc nhóm máu hiếm, người có bất thường về đông máu….

Ngoài ra, việc kiểm tra các thành phần của tế bào máu còn giúp phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như HIV/AIDS, giang mai, herpes, các bệnh viêm gan… để có biện pháp điều trị cũng như giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho trẻ.

5 xét nghiệm cơ bản khi mang thai mẹ nào cũng cần biết 5

Xét nghiệm máu. (Ảnh minh họa)

Các xét nghiệm sinh hóa máu tiền mang thai còn giúp xác định yếu tố Rh để phòng tránh nguy cơ bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Trong tình huống người mẹ có Rh-, nhưng người bố có Rh+ thì nhiều khả năng bé có thể mang Rh+ gây nên hiện tượng cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đào thải thai nhi, gây các biến chứng sảy thai hoặc trẻ tử vong ngay sau khi sinh.

3. Kiểm tra nước tiểu

Thông qua xét nghiệm nước tiểu, các bác sĩ sẽ tìm ra các thành phần bất thường gồm hồng cầu, bạch cầu, chất đạm, đường, vi khuẩn… để xác định các bệnh có thể có ở bạn như bệnh tim, thận, từ đó có biện pháp điều trị, giúp bạn chuẩn bị sức khỏe thật chu đáo.

Cũng bằng các xét nghiệm nước tiểu, các chứng bệnh có liên quan đến đường tiết niệu, đường tình dục dễ dàng được phát hiện và kiểm soát, tạo điều kiện cho một thai kỳ an toàn diễn ra.

Các xét nghiệm về nước tiểu nên được thực hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tốt nhất là khoảng thời gian 3 tháng trước khi bạn quyết định mang thai.

4. Kiểm tra ung thư cổ thử cung

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi trên 30. Đây là một chứng bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 2 trong các ung thư phụ khoa ở nữ giới. Ước tính ở Việt Nam hàng năm có hơn 5.300 ca mắc mới với tỷ lệ tử vong là gần 50%.

Điều đáng nói là ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng cụ thể nên rất dễ bị bỏ qua và khi phát hiện thì bệnh đã vào giai đoạn muộn. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn cả tính mạng của người mẹ.

Hiện tại có 4 cách tầm soát ung thư cổ tử cung:

– Quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch axít acetic 3-5% (VIA). Phương pháp sàng lọc này khá dễ làm và cho kết quả ngay lập tức.

– Quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch Lugol 3% (VILI). Nghiệm pháp này có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc phối hợp sau VIA.

– Phương pháp phết tế bào tử cung (Pap’smear) hoặc Thinprep Pap Test phát hiện tế sớm bào ung thư cổ tử cung hoặc các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là các tế bào biểu mô tuyến.

– Xét nghiệm AND HPV. Đây là cách xét nghiệm các tuýp HPV có nguy cơ sinh ung thư cổ tử cung và có thể được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với các xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Xét nghiệm này có độ nhạy cao, giá trị dự báo chính xác trong khoảng thời gian 6-10 năm. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu số lần sàng lọc và mang đến sự yên tâm khi bạn quyết định mang thai

5. Kiểm tra tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình dáng như cánh bướm và nằm ở phía trước và bên dưới cổ. Chức năng của chúng là tổng hợp hóc môn giáp trạng để tiết vào máu và truyền đến các mô trên khắp cơ thể để làm nhiệm vụ giữ ấm, duy trì sự ổn định của não và và các cơ quan quan trọng khác.

Nếu tuyến giáp không hoạt động ổn định, bạn có nguy cơ gặp các rắc rối về sức khỏe sinh sản như kinh nguyệt không đều, khó khăn trong việc thụ thai và thậm chí đối diện với nhiều biến chứng bất thường bẩm sinh ở thai nhi.

Thông thường trong khoảng 12 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi sẽ phụ thuộc vào chức năng tuyến giáp của mẹ. Từ tháng thứ 3 trở đi, cơ thể thai có thể tự sản xuất ra hóc môn tuyến giáp nhưng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào mẹ.

Chính vì thế, nếu tuyến giáp gặp vấn đề có thể làm mẹ mắc chứng cường giáp (tỷ lệ mắc bệnh là 1/1.500) hay suy giáp, để lại nhiều di chứng nặng nề lên các cơ quan trọng của thai nhi, đặc biệt là não bộ, khiến cho trẻ phải đối mặt với những bất thường nghiêm trọng về nhận thức và phát triển hệ thần kinh khi được sinh ra.

Vì thế, để hạn chế những tình huống này phát sinh, bạn nên dành thời gian kiểm tra chức năng tuyến giáp trước khi mang thai và tiến hành các xét nghiệm cần thiết để loại bỏ nguy cơ cho bản thân và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Ngoài các xét nghiệm quan trọng đã nêu ở trên, trước khi mang thai bạn cần phải kiểm tra cả sức khỏe răng miệng. Bởi lẽ, các bệnh về răng miệng thường có những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi như tăng nguy cơ bị tiền sản giật, sinh non và sảy thai. Bên cạnh đó, các loại thuốc dùng để điều trị trong nha khoa đều có thể để lại nhiều di chứng cho sức khỏe của thai nhi nên bạn cũng không nên lơ là.

Bài viết liên quan