Mẹ&Con – Sau đây là 5 lời khuyên nho nhỏ dành cho bạn khi nuôi chó trong nhà…

1. Chọn giống chó hiền lành

Nếu nhà có trẻ nhỏ, tuyệt đối không nên chọn nuôi những giống chó săn, chó có kích thước to lớn, nhất là chó béc-giê. Chỉ nên cho con làm bạn với những chú chó kích thước tương đối nhỏ, hiền lành như Chihuahua, Phốc… Tốt hơn cả là nên nuôi một chú cún con vì khi có khoảng thời gian lớn lên bên chủ, con chó sẽ hiểu tính chủ, hiền lành hơn và ít cắn bừa.

5 việc nên làm khi nhà nuôi chó
5 việc nên làm khi nhà nuôi chó

2. Nhớ tiêm phòng dại cho “gâu gâu”

Đây là điều bắt buộc cần làm. Nếu bạn muốn nuôi một chú chó thì hãy chắc chắn rằng nó được tiêm phòng bệnh dại, được bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe thường xuyên.

3. Có khu vực riêng cho chó

Đừng thả con chó tự do tung tăng chạy khắp nơi trong nhà. Cần có khu vực riêng cho nó lúc nằm ngủ, lúc ăn… Ví dụ như một cái cũi ở ngoài sân chẳng hạn. Khu vực này cần có hàng rào bảo vệ và yêu cầu con tôn trọng giờ ăn, giờ ngủ của vật nuôi, đừng chọc phá bừa bãi. Chỉ khi nào con chó thoải mái và có thể chơi cùng con bạn thì mới để bé bên cạnh con chó thôi.

4. Không để trẻ một mình với “người bạn bốn chân”

Cho dù tự tin con chó ở nhà hiền đến cỡ nào thì bạn vẫn phải luôn để mắt trông chừng khi bé chơi với chó. Hãy biết rằng có những điều về “tính cách” của một con vật mà con người không thể hiểu hết hoặc khống chế hết. Vì vậy, việc bất thần một con chó hiền lành, dễ thương bỗng dưng… nổi quạu, tấn công bé là việc rất dễ xảy ra.

Bạn không nên để con gần gũi, âu yếm, chơi đùa với chúng một mình nếu như bé dưới 12 tuổi. Ngoài ra, nếu là chó lạ ở nhà bạn bè, người thân, chó của hàng xóm thì lại càng phải cẩn thận hơn nữa khi để bé ở bên con chó một mình.

5. Luôn nhắc con không được trêu tức chó

Trẻ vốn nghịch ngợm và hiếu động, lại rất hay bày ra những trò chơi ác như buộc đá vào đuôi con vật, đánh đập chúng, giành đồ chơi của chúng, nghịch quá mức kích động chúng phải chạy nhảy điên cuồng… Tất cả những hành động này đều có thể khiến con vật nổi khùng và bất ngờ cắn trẻ.

Để tránh tai nạn, bạn cần nhắc nhở cho con hiểu những nguy cơ, yêu cầu trẻ tuân thủ những việc như không đùa giỡn với chó khi chúng đang chăm con, đang đói, đang ăn hoặc đang ngủ.

Hỏi & Đáp

Hỏi: Sao trẻ con (nhất là các bé dưới 10 tuổi) lại dễ bị chó cắn hơn người lớn? 

Đáp: Trẻ nhỏ thường chạy nhảy lung tung và chưa có ý thức nên hay bày những trò “nghịch dại”, trêu đùa khiến chó hoảng sợ, dễ cắn. Lưu ý rằng chó rất dễ cắn khi cảm thấy người ta đang định lấy thức ăn, đồ chơi, khi thấy ai đó xâm phạm vào lãnh thổ của chúng.

Thật nguy hiểm vì đây lại là những điều trẻ nhỏ rất thích làm! Khi bị trẻ nghịch đùa giành mất đồ ăn, đồ chơi, khi bị bé tự ý xâm nhập vào khu vực nghỉ ngơi hoặc khu vực nuôi con, con chó sẽ trở nên hoảng sợ và hung dữ. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn hãy để mắt đến con (nhất là các bé dưới 6 tuổi) và sớm nói cho con biết những nguy cơ này ngay khi bé đủ sức hiểu được điều bạn nói.

NHẮC BÉ CHUYỆN NÀY…

– Không ôm hôn chó, dù đó là một chú chó trông có vẻ xinh đẹp và hiền lành đến cỡ nào chăng nữa. Vì tư thế ôm hôn sẽ khiến vết cắn (nếu bé bị chó cắn) trực tiếp nằm trên mặt, rất nguy hiểm.

– Khi con chó đang bị thương, bị đau, hãy để bố mẹ chăm sóc cho nó, bé không được phép đến gần vuốt ve an ủi vì nếu vô ý làm nó đau, bé sẽ bị tấn công ngay.

– Không đi từ phía sau bất thần chộp đuôi hoặc lưng chó. Con chó sẽ quay ngoắt lại ngay lập tức để phản xạ mà không kịp nhận ra bé là “người quen”.

– Nhắc bé không đến gần một con chó đang bị xích nhốt trong chuồng vì lúc này chó sẽ hung hãn hơn bình thường.

– Nếu con bạn trên 7 tuổi, hướng dẫn bé: Trường hợp bất thần bị chó xông tới, không được la hét hay bỏ chạy mà hãy đứng im, không nhìn trực tiếp vào mắt con chó, chỉ nhìn xuống chân. Con chó có thể gầm gừ, tới gần đánh hơi, ngửi, nhưng thường là sau đó sẽ bỏ đi.

Tags:

Bài viết liên quan