Sai lầm 1: Tranh thủ làm mọi thứ sau khi con đã ngủ
Bận rộn luôn tay luôn chân với con, bạn biết mình còn một núi việc dở dang phải làm. Và bạn tự nhủ: “Lát nữa con ngủ mình sẽ giải quyết hết mớ việc đó!”.
Rồi bạn làm thế thật! Con ngủ, bạn bắt đầu hành trình rón rén xuống bếp, rửa chén, cho quần áo vào máy giặt, giải quyết đống việc ở công ty còn chưa làm xong, dọn dẹp đồ chơi con bày bừa ra, ủi quần áo cho mình và cho con… Khi hoàn tất những thứ này, nhìn đồng hồ, bạn thấy kim đồng hồ đã chỉ qua ngày mới!
>> Bạn “sai” ở chỗ nào?
Bạn không phải là… thánh, càng không phải một cỗ máy không biết mệt mỏi, không cần nghỉ ngơi. Lời hẹn với bản thân: “Sẽ làm mọi thứ sau khi con ngủ” đồng nghĩa với việc bạn tự tước đi của chính mình quyền nghỉ ngơi sau một ngày đã quá nhiều mệt mỏi.
Hãy tôn trọng giấc ngủ của mình và thực hiện công thức: Tranh thủ ngủ lúc con ngủ (chứ không phải là tranh thủ làm lúc con ngủ). Hãy tập trung giải quyết công việc khi con thức, cùng lúc với việc bạn chăm con. Chẳng hạn, cho con chơi trong tầm kiểm soát của mình và cho quần áo vào máy giặt, dọn dẹp phòng ngay trong lúc bé đang chơi…
Nếu phát hiện mình quá tải (tức là không thể giải quyết hết nổi công việc nhà trong ngày, lúc con thức), bạn cần nói ngay điều này với anh xã và người thân, để tìm cách thu xếp lại. Có thể anh xã sẽ tăng cường chia sẻ việc nhà với bạn, có thể sẽ phải thuê thêm người giúp việc… Cách nào cũng được, chỉ cần đảm bảo bạn được ngủ đủ giấc, chứ không phải cuống cuồng giải quyết hết mớ việc nhà tồn đọng rồi mới được lên giường, chợp mắt!
Sai lầm 2: “Thả cửa” ngày cuối tuần
Quá mệt với một tuần lễ dài dằng dặc, kín lịch vì đủ thứ chuyện như đón con, chăm sóc cho con, làm việc ở công ty… thế nên đến ngày cuối tuần, bạn thường cho phép mình xả hơi theo kiểu “thả cửa”.
Nghĩa là thay vì thức dậy lúc 6h sáng như thường lệ, bạn ngủ nướng đến tận 10h. Thay vì đi ngủ vào lúc 9h30 tối, bạn ráng “tận hưởng” bộ phim yêu thích đến 11h đêm. Thay vì chỉ chợp mắt buổi trưa 30 phút như lúc đi làm, bạn cho mình “ngủ đã đời” với một giấc trưa kéo dài 2-3 tiếng!
>> Bạn “sai” ở chỗ nào?
Bạn cứ tưởng việc “thả cửa” như vậy sẽ giúp cơ thể khỏe hơn, phục hồi lại sau những ngày nhiều mệt mỏi trong tuần. Nhưng kỳ thực là cơ thể bạn cần đến sự điều độ hơn là sự nghỉ ngơi “quá trớn”.
Hãy giữ cho mình nhịp điệu ngày cuối tuần cũng gần giống với ngày thường, thức đúng giờ, ngủ đúng giờ. Chỉ khác đi một chút là thay vì 8 tiếng đến chỗ làm, bạn sẽ dành khoản thời gian ấy để sắp xếp và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho tuần sau. Chẳng hạn đi siêu thị cho cả tuần, ướp sẵn thực phẩm cho cả tuần, ủi quần áo sẵn sàng cho cả tuần. Ngoài ra, dành cho mình khoảng 1 tiếng đồng hồ để thư giãn.
Bằng cách này, bạn sẽ thấy tuần kế tiếp của mình rất “đâu vào đấy”, đúng nhịp, thoải mái, không phải vội vội vàng vàng, cuống cuồng, stress, thấy tất cả mọi thứ đều căng thẳng cao độ vào sáng thứ hai.
Sai lầm 3: Con mới quan trọng, mình thì… sao cũng được!
Có con, bạn thấy con là tất cả đối với mình. Con là cả thế giới. Con là cả cuộc đời. Bạn cuống cuồng lên khi thấy con hắt hơi vài cái, ho vài cái. Nhưng bạn lờ đi hẳn cảm giác đau đầu thường trực của mình. Bạn dời lịch khám sức khỏe tổng quát định kỳ của mình chỉ vì hôm ấy trùng với ngày bạn hứa đưa con đi chơi. Bạn hi sinh cho con và nghĩ rằng tất cả mọi bà mẹ trên đời đều cần làm như thế!
>> Bạn “sai” ở chỗ nào?
Bạn có biết tại sao trên máy bay, khi hướng dẫn an toàn bay, người ta luôn nhắc nhở các bà mẹ rằng trong trường hợp khẩn cấp, cần giúp chính mình thở được trước (đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước), sau đó mới giúp con?
Hi sinh cho con là tâm lý tất cả các bà mẹ đều muốn làm. Nhưng đừng vì thế mà coi nhẹ bản thân mình, quên mình theo kiểu “mình sao cũng được”! Muốn chăm sóc cho con lâu dài, muốn con có được những gì tốt đẹp nhất thì chính bản thân bạn phải khỏe, phải trong tình trạng thể chất và tinh thần đều tốt.
Hãy chăm sóc thật tốt cho chính mình. Khi bạn cảm thấy stress, đừng ngần ngừ nhờ ông bà chăm sóc bé một buổi để có thể cho phép mình có không gian riêng thư giãn, tìm lại sự cân bằng. Giúp con tự lập sớm, đừng để cái gì con cũng phụ thuộc vào bạn, chờ bạn làm cho. Đừng quên dành cho mình ít nhất một kỳ nghỉ mỗi năm mà không có con đi cùng. Đừng quên mỗi tuần, bạn phải có tối thiểu vài tiếng đồng hồ ra ngoài, chuyện trò, đi chơi cùng bè bạn mà không bị áp lực lo cho bé ở nhà.
Nghe có vẻ như hơi “ích kỷ” nhỉ? Nhưng bạn có biết không, những nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy các bà mẹ công sở thoải mái và hạnh phúc, yêu đời và được nghỉ ngơi đầy đủ như thế này sẽ truyền “năng lượng sống” cho con cái của họ tốt nhất. Thời gian bạn ở bên con có thể ít hơn, song đó lại là khoảng thời gian đầy ắp niềm vui cho cả mẹ và con, là khoảng thời gian thật sự chất lượng cho tinh thần của bé. Ngược lại, khi cứ chăm chăm chỉ muốn hi sinh cho con, sẽ đến lúc cơ thể bạn quá tải. Bệnh tật dễ kéo đến, sức khỏe suy kém, tinh thần chỉ luôn trì trệ, mệt mỏi và cáu bẳn.
Sai lầm 4: Công việc trở thành thứ chẳng còn đáng quan tâm!
Trước khi có con, bạn yêu công việc và luôn được đánh giá cao ở nơi công sở. Nhưng đến khi bé chào đời, bạn bắt đầu xếp công việc vào hàng thứ yếu. Bạn chỉ bận tâm đến chuyện làm thế nào cho con lên cân đều, làm thế nào đón con kịp giờ, còn công việc chỉ là thứ chẳng đáng bận tâm nữa.
Ngay cả khi sếp của bạn phàn nàn, bạn cũng nhủ thầm trong bụng: “Nếu căng quá thì mình sẽ… nghỉ! Con mới là điều quan trọng, chứ công việc lúc này không có ý nghĩa gì nữa rồi!”.
>> Bạn “sai” ở chỗ nào?
Khi bạn coi nhẹ công việc, chắc chắn bạn không thể làm tốt nó nữa. Thật ra, đứa con luôn là thứ quan trọng nhất của một người phụ nữ. Nhưng sẽ đến lúc bạn nhận thấy, cuộc sống của một người phụ nữ không thể chỉ có đứa con!
Bạn bỏ việc, dồn gánh nặng kinh tế lên vai chồng. Sau vài năm (thậm chí 1 năm thôi), bạn bỗng giật mình nhận ra mình muốn… “đuối” vì tiền bạc trong nhà thiếu trước hụt sau. Rồi kế đến, bạn “đuối” với cảm giác mình không còn tự tin nữa, không còn niềm vui của một người phụ nữ tự chủ về kinh tế nữa mà cứ quanh quẩn hàng ngày với chuyện ăn, chuyện ngủ của con.
Chồng dễ nảy sinh tâm lý mình là trụ cột kinh tế, còn vợ chỉ việc “ở nhà chăm con… nhàn nhã”. Vì ý nghĩ này, rất nhiều anh chồng không chịu chia sẻ việc nhà. Bạn cứ tưởng sẽ rảnh rỗi khi nghỉ việc, song hóa ra sự nặng nề và mệt mỏi cứ thế tăng lên!
Giải pháp hợp lý cho bạn chính là: Đặt con làm ưu tiên số 1, song đừng quên nỗ lực hết sức vì công việc. Ban đầu bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng nếu bạn học được kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp mọi thứ một cách ổn thỏa, nhờ cậy thêm vào sự giúp đỡ của người thân và anh xã, mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Bạn sẽ nhận ra tưởng là mệt hơn, nhưng khi đi làm, tinh thần của bạn vui hơn rất nhiều. Bạn thoải mái và tự tin, bạn cảm nhận việc có con là một niềm vui, chứ không phải một điều trì kéo và thay đổi cuộc sống của bạn theo chiều hướng đi xuống.
Sai lầm 5: Chuyện ăn ngủ của con là chuyện của… mẹ!
Phụ nữ Á Đông rất hay gặp phải “lỗi” này. Họ tự đặt trách nhiệm lên vai mình, cho rằng mình là người nên trực tiếp chăm sóc cho chuyện ăn ngủ, thay tã, tắm gội… của con. Có rất nhiều gia đình, cho đến tận khi con 1 tuổi mà bố vẫn chưa bao giờ phải mó tay vào việc thay tã cho con! Tất cả đều trông chờ vào mẹ. Đút cho con ăn: Nghĩa vụ của mẹ. Tắm cho con: Nghĩa vụ của mẹ. Cho con đi vệ sinh: Tất nhiên là mẹ. Ru con ngủ: Mẹ ru chứ làm sao bố có thể ru!
>> Bạn “sai” ở chỗ nào?
Nếu bạn cứ giành làm tất cả những việc này, xem đây là nghĩa vụ của mình thì chẳng có lý do gì anh xã của bạn phải làm nữa cả! Thực tế, bạn sẽ kiệt sức nếu ôm hết việc chăm sóc trẻ vào người, đặc biệt là đến khi vừa chăm con vừa đi làm lại.
Hãy nhớ rằng bạn có “quyền” đòi hỏi anh xã cùng chia sẻ việc chăm sóc bé. Từ những ngày chuẩn bị sinh, hãy rủ rê chàng cùng tham gia các lớp học tiền sản. Khi bé chào đời, hãy cùng chia sẻ với anh xã tất cả mọi việc chăm sóc bé: Thay tã, tắm nắng cho con, thay quần áo, dỗ con ngủ…
Khi cả hai vợ chồng cùng xem trách nhiệm chăm sóc bé là của mình, bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn và thấy bớt stress khi hiểu rằng mình không hề đơn độc trên chặng đường chăm bé!