1. Nhau thai rất quan trọng với cân nặng thai nhi
Đúng thế! Nhau thai kém phát triển ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Bạn cần biết rằng nhau thai có ảnh hưởng rất nhiều tới bào thai vì nó kiểm soát quá trình vận chuyển hormone và những dưỡng chất thiết yếu khác cho bào thai. Bánh nhau nhỏ đi làm cho quá trình vận chuyển ấy cùng các sản phẩm chuyển hóa ở bào thai bị giảm, thai nhi không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng từ mẹ nên ảnh hưởng tới sự phát triển, dẫn đến còi cọc. Bạn cần đi khám thai đều đặn, phối hợp cùng bác sĩ theo dõi thật kỹ sự phát triển của nhau thai trong trường hợp bạn thấy mình ăn nhiều, lên cân ở mẹ nhưng thai nhi vẫn phát triển chậm, còi cọc.
2. Khi bạn thấy mình ăn kém…
Nếu mẹ thiếu dinh dưỡng trước và trong thai kỳ, thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, thai phụ ăn uống thiếu khoa học hoặc ăn quá nhiều dẫn tới thừa cân, nhưng thai nhi không hấp thu được cũng làm cho đứa trẻ sinh ra bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Trong 3 tháng đầu tiên, một số mẹ bầu không những không tăng cân mà còn bị… giảm trọng lượng! Tuy nhiên, điều này chưa thật sự đáng ngại vì qua 3 tháng đó, bạn sẽ ăn uống lại bình thường, thúc đẩy nhanh chóng cân nặng của thai nhi. Bạn chỉ cần thực hiện một số nguyên tắc nhỏ, như: Nên ăn nhiều bữa trong ngày, số lượng mỗi bữa ít, chọn những loại không gây khó chịu, không kích thích gây nôn, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Sau khi ăn bị nôn thì khoảng 5-10 phút lại ăn trả lại nhưng số lượng ít hơn lần trước. Chú ý uống bổ sung axít folic, vitamin và muối khoáng, bù đủ nước.
Sang 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, đây là giai đoạn rất quan trọng vì thai nhi phát triển cho đến khi chào đời. Nếu người mẹ bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, bạn cần nỗ lực ăn nhiều để bù lại giai đoạn trên do nghén.
3. Không để mình thiếu vi chất
Mẹ thiếu vi chất có thể dẫn đến những ảnh hưởng với cân nặng thai nhi. Vì vậy, suốt chín tháng thai kỳ, bạn cần chú ý bổ sung một số thực phẩm giàu Canxi như sữa, tôm, cá nhỏ (ăn cả xương), cua, ốc, hạt vừng… Mỗi tuần nên ăn cá ít nhất 3-4 lần để bổ sung các axit béo thiết yếu giúp phát triển trí não thai nhi. Chú ý ăn đủ rau xanh, quả chín (400-600g/ngày) để cung cấp vitamin.
Ngoài ra, thai phụ cũng cần uống thêm viên sắt hàm lượng 60 mg/ngày để phòng thiếu máu thiếu sắt, uống cho đến sau khi sinh 1 tháng. Chú ý khi uống sắt phải bổ sung thêm vitamin C giúp hấp thu sắt.
4. Việc khám thai là rất quan trọng
Sự phát triển của thai nhi là có quy luật, thường thì thai nhi phát triển nhanh nhất trong giai đoạn đầu mang thai, và tương đối ổn định trong giai đoạn giữa, tăng trưởng chậm vào giai đoạn cuối và ngừng tăng trưởng khoảng 1 tuần trước khi ra đời.
Bạn đã từng nghe nhắc đi nhắc lại điều này. Nhưng sẽ không thừa để… nhắc thêm lần nữa! Hãy biết rằng việc khám thai, siêu âm định kỳ sẽ giúp bạn nắm rõ được trọng lượng của thai nhi, để có những điều chỉnh phù hợp kịp thời. Khi nào nên giảm lại để tránh thai nhi quá to, khi nào nên tăng cường thêm khẩu phần dinh dưỡng để giúp thai nhi “tăng cân” tốt… Tất cả những điều ấy sẽ được bác sĩ tư vấn rõ cho bạn từ những lần khám thai định kỳ. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua bất kỳ đợt khám thai nào, cho dù bạn thấy sức khỏe của mình tốt, mình tăng cân đều đi nữa.
5. Theo dõi chặt chẽ cân nặng của mẹ
Thời gian mang thai, cân nặng của thai phụ tăng bình quân 10kg. Trong đó thai nhi nặng khoảng 3,2kg, nhau nặng khoảng 600g, nước ối khoảng 730-800g, tổng cộng khoảng 4,5kg. Các bộ phận khác như tử cung, ngực, huyết dịch, nước tăng khoảng 5,5kg, cộng lại là 10kg. Nửa đầu thai kỳ, mẹ tăng khoảng 4kg, thời kỳ sau tăng khoảng 8kg, nhưng bạn lưu ý mỗi tuần cân nặng không được quá 0,5kg. Nếu cân nặng tăng quá chậm, thì phải xem xét xem liệu có phải thai nhi trong bụng mẹ phát triển chậm hay tình hình dinh dưỡng của người mẹ kém, không tốt. Nếu cân nặng tăng quá nhanh lại phải xem xét đến việc phù nề, quá nhiều nước ối, thai quá to và thai phụ quá béo.
Tuy nhiên, lưu ý bạn lại thêm lần nữa là mẹ tăng cân rất nhiều chưa chắc là thai nhi cũng đang tăng cân rất nhiều theo. Việc này chỉ mang tính tương đối nên bạn đừng chỉ dựa vào cái cân ở nhà để tự “suy luận” con đang nặng bao nhiêu.
Cần đến bác sĩ, để bác sĩ có thể phán đoán cân nặng của thai nhi cho bạn thông qua một số chỉ số khác như đo chiều cao đáy tử cung và vòng bụng…