1. Mong chồng bỏ qua ngay sau khi bạn xin lỗi!
Tình huống: Vợ chồng cãi nhau. Sau những căng thẳng điên đảo, làm tổn thương nhau ầm ầm, bạn nhận ra mình có phần… có lỗi nhiều hơn. Bạn cố dẹp tự ái và xin lỗi. Nhưng sau đó chồng vẫn im lặng, vẫn giữ vẻ lạnh nhạt. Bạn liền lập tức nổi khùng lên lần nữa, gây sự với chồng vì cho rằng anh ấy chẳng hề có chút thiện chí nào cả. Bạn bảo anh ấy: “Em đã xin lỗi rồi mà anh vẫn còn làm ra vẻ như thế. Anh thật là ích kỷ, thật không biết điều…”. Kết quả là vợ chồng bạn lập tức rơi vào cuộc chiến thứ hai. Lần này thông thường là chiến tranh lạnh.
>> Thực tế bạn cần biết:
Đàn ông không giống như phụ nữ, hãy nhớ điều đó! Phụ nữ có thể đang nóng giận và tổn thương rất nhiều, nhưng chỉ vài lời ngọt ngào của chồng, vài câu xin lỗi là có thể sẽ bỏ qua ngay lập tức. Tuy nhiên, với đàn ông, sự tổn thương thường sâu đậm hơn và “khó lành” hơn. Chàng cần có thời gian để xoa dịu những cảm giác khó chịu, buồn bực mà bạn đã góp phần lớn để gây ra. Do đó, sau khi xin lỗi chồng rồi, nếu anh ấy vẫn chưa trở về bình thường được thì cứ hãy kiên nhẫn. Những chăm sóc chu đáo của bạn mỗi ngày: cơm nước đâu vào đấy, giúp ủi quần áo cho chồng, nhẹ nhàng chiều chuộng những thói quen của anh ấy sẽ có tác dụng tích cực. Tùy “lỗi” của bạn, sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần, thậm chí vài tháng, chàng sẽ trở lại như bình thường.
2. Kéo người khác can thiệp vào chuyện của hai vợ chồng!
Tình huống: Vợ chồng bạn cãi nhau, bạn liền tìm đến những lời khuyên cũng như những “đồng minh” bao gồm người thân bên nội, bên ngoại, bố mẹ chồng, bạn của chồng… Tuy nhiên, có vẻ như điều này không mang lại kết quả tốt. Càng có nhiều người “can thiệp”, chồng bạn càng tỏ ra “cứng đầu” một cách khủng khiếp, ai nói gì cũng không nghe.
>> Thực tế bạn cần biết:
Phụ nữ hay thích chia sẻ. Khi vướng vào bất kỳ rắc rối, tranh cãi, lo lắng, những cơn stress nào, họ cũng thường chọn giải pháp tìm đến một vài người khác để nói ra, thổ lộ và mong người khác cho lời khuyên hoặc giúp “nói vào”, “khuyên nhủ” chồng dùm. Tuy nhiên, xin nói để bạn biết rằng đàn ông thường rất hiếm khi chọn cách ấy. Chỉ đến mức cảm thấy quá rối, họ mới cần đến một người bạn thân nào đó chia sẻ, tìm giải pháp. Còn lại, bình thường họ cảm thấy rất khó chịu khi cứ có một “nhân vật” nào khác can thiệp vào những chuyện trong ngôi nhà mà họ đang là trụ cột, là người chủ gia đình.
Do đó, giải pháp với bạn là không bao giờ nên để chồng biết bạn chia sẻ những điều này với người khác. Bạn cũng nên hạn chế tối đa chuyện nhờ một ai khác “ra mặt” để nói giúp (nếu “ra mặt” cần tránh để chồng biết rằng họ biết chuyện đó do… bạn kể!). Thực tế, với những anh chồng có tính gia trưởng thì điều này sẽ góp phần khiến chàng càng khăng khăng theo ý mình, dù có khi biết rằng những điều bạn và người khác đang khuyên là… hợp lý!
3. Dùng “chăn gối” như cách… trừng phạt!
Tình huống: Bạn rất thích một chiếc nhẫn (hay một chiếc đầm, một chiếc ví… gì đấy). Chồng từ chối không chịu mua vì một số lý do. Bạn bực tức trở về nhà, giấu những ấm ức trong lòng. Tối đó, chồng quay sang ôm bạn như mọi khi và tìm chuyện “chăn gối vợ chồng”. Thế là bạn… thẳng thừng đẩy chàng ra, lạnh nhạt: “Em mệt!”, xong quay mặt vô tường ngủ. Cấm vận như thế vài ngày, bạn bỗng nhận ra chồng không thèm “đụng chạm” gì tới vợ nữa. Anh ấy thản nhiên đi sớm về muộn, tối về thì quay qua ôm gối ôm nằm ngủ ngon lành!
>> Thực tế bạn cần biết:
Đàn ông rất kỵ việc bị cấm vận chuyện chăn gối. Một khi bạn dùng điều này để “gây áp lực” với chàng thì rất có nguy cơ là bạn tạo điều kiện cho một người thứ ba nào khác nhảy vào đấy nhé! Người đàn ông khi bị “cấm vận sex” sẽ chỉ xuất hiện ý nghĩ: “Cô ấy coi thường mình!” và tình yêu với vợ sẽ dần nhạt phai. Nếu bạn cảm thấy giận dỗi chồng thì hãy nói thẳng ra mình muốn gì. Còn khi thật sự không thể “gần” chồng, hãy chia sẻ một cách thẳng thắn cùng anh ấy.
4. Tự quyết định mà không hỏi ý chồng!
Tình huống: Bạn có một số tiền tiết kiệm riêng. Mẹ bạn muốn hỏi mượn chúng cho một số việc riêng của bên nhà. Bạn thầm nghĩ: “Tiền này là tiền của mình mà, cần gì phải hỏi ý chồng! Hỏi có khi anh ấy lại cảm thấy mình hay lo cho bên ngoại càng rách việc!”. Vì vậy, bạn âm thầm tự ý đưa hết cho mẹ ruột mượn số tiền này mà chẳng cần nói qua với chồng câu nào. Đến khi nhà đột xuất có việc cần, chồng hỏi bạn: “Em còn một ít tiền để dành phải không?”. Lúc ấy, bạn mới bảo rằng: “Em cho mẹ mượn hết trơn rồi!”. Bạn hình dung được chuyện gì kế tiếp sẽ xảy ra không?
>> Thực tế bạn cần biết:
Với một người chồng tính tình thuộc dạng rộng lượng, họ có thể chịu đựng (bỏ qua) vài lần. Nhưng đến lần thứ… một chục thì họ sẽ thật sự cảm thấy bị coi thường! Còn với những anh chồng thuộc nhóm bình thường, thì ngay 1-2 lần đầu tiên, chuyện này cũng khiến bạn “mất điểm” trong mắt chồng rồi đấy!
Đã thành vợ thành chồng, nguyên tắc đơn giản là mọi việc quan trọng đều nên quyết định cùng nhau. Bạn không nên đùng một cái nghỉ việc, xong về mới “thông báo” với chồng là: “Em không thích làm chỗ đó nữa, em tự nghỉ rồi!”. Đừng tự ý đăng ký cho con học một trường theo ý mình rồi nói: “Em thấy trường đó tốt rồi!”.
Việc tự ý quyết định quá nhiều sẽ khiến người chồng cảm thấy mất vai trò trụ cột, thấy bạn thiếu tôn trọng anh ấy. Về lâu về dài, chàng sẽ nhạt bớt rất nhiều tình yêu dành cho bạn, và cũng trở nên thờ ơ với chuyện nhà cửa. Sẽ đến lúc, khi bạn hỏi một điều gì đó, anh ấy sẽ thản nhiên nhìn bạn và bảo: “Tùy em! Em muốn sao cũng được. Chẳng phải bình thường em toàn tự quyết định không đó sao?”.
5. Quá thích “kiểm tra” những thứ mang tính cá nhân!
Tình huống: Bạn luôn mở miệng ra là bảo rằng vợ chồng nếu “quang minh chính đại” thì chẳng việc gì phải giấu nhau cái gì hết. Bạn cáu khi chồng cài password trên điện thoại. Khi chồng về đến nhà, mỗi ngày bạn ít nhất vài lần kiểm tra tin nhắn của chồng, căn vặn: “Cô này là ai? Sao gọi cho anh nhiều thế?”. Đến email, facebook và máy tính cá nhân, các ngăn tủ cá nhân của chồng, bạn cũng thường xuyên lục lọi. Khi nhìn thấy dưới đáy ngăn tủ một vài món “kỷ niệm” ngày xưa của chồng và người cũ, bạn cáu kỉnh hét toáng lên: “Sao anh vẫn còn giữ những thứ này?”.
>> Thực tế bạn cần biết:
Ai cũng có quyền có một góc nhỏ riêng tư trong cuộc sống của mình, miễn là điều này không gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Mọi bà vợ đều thích được “quản” chồng thật chặt, sợ sẽ xuất hiện những “người thứ ba”. Tuy nhiên, “quản” đến mức gây nghẹt thở cho đối phương thì sẽ gây ra tác dụng ngược. Bạn có thể kín đáo tìm hiểu một chút về những cuộc gọi hay tin nhắn trên điện thoại chồng khi thấy “dấu hiệu khả nghi”. Song đừng xem chuyện này như việc ngày nào cũng làm, làm công khai và xem như mình có quyền xâm nhập vào mọi “riêng tư” của anh xã nhé!