Mẹ và Con – Rất nhiều ba mẹ phản ứng dữ dội khi con bị trách phạt ở trường nhưng lại đánh mắng con thậm tệ khi ở nhà. Vậy làm thế nào để kiềm chế cảm xúc khi dạy con?

Làm ba mẹ là một trải nghiệm của rất nhiều cung bậc cảm xúc mãnh liệt. Đôi khi, bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến khi được ôm ấp, nựng nịu, chơi đùa và thích thú nhìn trẻ lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, song hành với niềm hạnh phúc là những thử thách to lớn như bực dọc vì tiếng khóc, những đòi hỏi vô lý, sự tức giận khi trẻ không vâng lời và quan trọng là sự kiềm chế cảm xúc khi dạy con.

Những trải nghiệm hoàn toàn là tự nhiên và bất kỳ cha mẹ nào cũng gặp phải. Nhưng điều quan trọng là bạn phải quản lý cảm xúc của mình sao cho hiệu quả để có thể đồng hành cùng con và giúp trẻ phát triển hoàn thiện về nhân cách trong tương lai. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích từ Tạp chí Mẹ và Con dành cho ba mẹ:

Kiềm chế cảm xúc khi dạy con bằng cách điều chỉnh cảm xúc

Để kiềm chế cảm xúc khi dạy con, trước tiên là bạn phải thấu hiểu và điều chỉnh được cảm xúc của mình. Mặc dù cảm xúc là không có đúng sai, nhưng nếu thể hiện cảm xúc không đúng cách, nhất là trong việc giáo dục trẻ nhỏ, có thể khiến cho thành quả dạy dỗ của bạn “đổ sông, đổ biển”.

Xem thêm: Bạo hành cảm xúc là gì ?

kiềm chế cảm xúc khi dạy con
Kiềm chế cảm xúc khi dạy con

Do đó, khi dạy con, đặc biệt là khi con phạm lỗi, việc đầu tiên là bạn phải trung thực với cảm xúc của mình. Hãy tự đặt ra câu hỏi với chính mình: Có phải tôi đang tức giận không, vì sao tôi tức giận, trẻ đã làm sai gì trong chuyện này?… Bạn nên trung thực với câu hỏi của chính mình. Bởi lẽ, đôi khi sự việc không đáng để bạn tức giận hoặc tức giận quá mức và phần lỗi thực sự không thuộc về con bạn.

Nếu điều chỉnh được cảm xúc, bạn sẽ nhìn sự việc một cách toàn diện hơn, tránh được sự nóng giận quá mức có thể gây tổn thương cho thân thể và cả tâm hồn của trẻ. Khi đã làm chủ cảm xúc, bạn cũng sẽ có thể đưa ra phản ứng phù hợp và quyết định đúng đắn.

Đặt bản thân vào bối cảnh phát triển và tính cách của trẻ

Bí quyết thứ hai giúp ba mẹ có thể kiềm chế cảm xúc khi dạy con chính là đặt mình vào vị trí của trẻ. Hãy thử nghĩ xem, bạn tức giận vì con mình điểm kém, trong khi con nhà hàng xóm điểm cao. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nhìn thấy sự quan tâm của người hàng xóm dành cho con họ, những sự động viên và đồng hành của bố mẹ khi con học hành.

Nếu bạn trở về nhà chỉ để ôm chiếc điện thoại mà quên mất việc kiểm tra bài vở, trò chuyện những việc ở trường với con, thì chắc chắn là khoảng cách của bạn và trẻ rất lớn. Bạn làm thế nào hiểu được con đã cố gắng ra sao, học hành thế nào và đã kết giao với nhóm bạn tốt hay xấu.

kiềm chế cảm xúc khi dạy trẻ

Do đó, kỳ vọng về sự vượt trội hay ngoan ngoãn của bạn đối với con là hoàn toàn hợp lý, nhưng bạn đã bao giờ đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận chưa?

Nếu bạn biết rằng những phản ứng thái quá của con khi bị bạn phạt là kết quả của sự tích tụ do bị đè nén, mệt mỏi và căng thẳng, bạn sẽ có thể tiếp cận con bằng sự đồng cảm. Điều này khiến bạn phản ứng một cách thận trọng, chừng mực và vì thế cũng hiệu quả hơn.

Đừng đưa ra bất kỳ quyết định nào trong cơn giận

“Giận quá mất khôn” và đúng là bạn có thể vận dụng phương châm này trong việc kiềm chế cảm xúc khi dạy con.

Trong tình huống bạn vừa biết con phạm lỗi lớn ở trường thông qua lời giáo viên, bạn đùng đùng nổi giận và xin phép tan làm sớm để đón trẻ về nhà “làm cho ra lẽ”. Thế nhưng, với quyết định này bạn sẽ đối diện với những thử thách nào? Công việc bị ảnh hưởng, con cái xấu hổ vì bị quát mắng nơi đông người, lộ ra hình ảnh xấu xí trước con cái…

Điều đáng nói là trong trường hợp bạn đang gào thét, quát mắng thì trẻ chỉ đang bối rối và lo sợ. Trẻ không biết phải làm gì và bản chất của sự việc cũng hoàn toàn không được giải quyết. Do đó, lời khuyên dành cho ba mẹ trong lúc này là đừng đưa ra quyết định nào cả. Hãy dành thời gian để nghe trẻ nói, thu thập thông tin từ giáo viên, bạn học của con để tường tận sự việc. Nếu cần, bạn có thể xin ý kiến của người có kinh nghiệm, đừng quyết định khi tâm lý chưa thật ổn định.

Ngắt mạch cảm xúc để kiềm chế cảm xúc khi dạy con

Khi cơn giận của bạn đang phun trào như một ngọn núi lửa khổng lồ, chắc chắn bạn khó lòng kiểm soát được lời nói, hành vi và quyết định của mình. Điều này vô cùng nguy hiểm. Vì lẽ đó, để kiềm chế cảm xúc khi dạy con một cách hiệu quả, bạn có thể thử tạm thời cắt đứt mạch cảm xúc của mình.

kiềm chế cảm xúc khi dạy con trẻ

Bạn có thể tự mình tránh đi chỗ khác, uống một cốc nước hay ngồi trong phòng riêng nghe một bản nhạc nhẹ để làm xao nhãng cảm xúc của mình và tránh xa trẻ, nguồn gốc của sự tức giận. Với trẻ, bạn có thể cho phép con tự ngồi vào một góc để suy nghĩ về những việc vừa trải qua.

Sau khi cảm thấy mình đã sẵn sàng bắt đầu một cuộc trò chuyện nghiêm túc để giải quyết vấn đề, bạn nên gặp riêng trẻ. Khi đó, cuộc nói chuyện sẽ mang một cảm xúc rất khác và kết quả đương nhiên cũng khác xa với khi cơn nóng giận đang ở đỉnh điểm.

Vạch ra giới hạn và đề xuất các sự lựa chọn

Bạn buồn và đang rất tức giận, không sao cả, điều đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng điều cuối cùng vẫn là giải quyết vấn đề và tránh cho tình trạng này tái diễn. Vì thế, để kiềm chế cảm xúc khi dạy con, ngay từ ban đầu, bạn nên vạch cho mình và con một giới hạn nhất định. Khi cảm thấy mình đã bắt đầu tức giận, bạn nên tránh mặt đi. Khi trẻ làm một việc nào đó vi phạm nguyên tắc đặt ra, con cũng sẽ bị phạt.

Bên cạnh đó, do giới hạn của tuổi tác nên khả năng tư duy và đưa ra quyết định của trẻ cũng rất kém. Lúc này, bạn có thể đề xuất một số lựa chọn để con tự mình đưa ra quyết định. Và dĩ nhiên khi đã lựa chọn thì trẻ phải chịu trách nhiệm với điều đó và tự rút kinh nghiệm cho bản thân là không tái phạm.

Điều cốt lõi của việc kiềm chế cảm xúc khi dạy con chính là quản lý cảm xúc của ba mẹ. Khả năng kiểm soát càng tốt, bạn sẽ càng phản ứng một cách bình tĩnh và giải quyết vấn đề theo cách hiệu quả hơn.

Bài viết liên quan