Mẹ&Con - Một số mẹ bầu thường khó ngủ, dễ bị mất ngủ do lo lắng hoặc do thai nhi lớn khiến các tư thế ngủ cũng khó khăn hơn. 5 cách sau đây sẽ giúp bạn không cần đếm cừu vẫn có giấc ngủ ngon mẹ nhé!

1. Biến phòng ngủ thành “thiên đường” của bạn

Nếu có bất kỳ ý tưởng gì giúp giấc ngủ đến nhanh và ngon hơn, bạn đừng ngần ngại áp dụng thử. Công thức căn bản cho phòng ngủ của bà bầu, như đã nhắc qua ở bài trước là phải yên tĩnh, thoáng đãng, sạch sẽ, ánh sáng trong phòng phải dịu nhẹ, mờ tối. Trên cái “nền” chung ấy, bạn có thể sáng tạo ra nhiều cách tùy theo từng hoàn cảnh, từng ngôi nhà, sao cho phù hợp với điều kiện của mình.

Ví dụ như bạn có thể chọn loại rèm cửa hai lớp. Ban ngày chỉ sử dụng lớp rèm mỏng, nhưng đến đêm có thể kéo luôn lớp rèm dày để tạo cảm giác kín đáo, cách biệt, chắn ánh sáng tốt hơn. Nếu nhà đã yên tĩnh, bạn không cần quan tâm lắm đến việc cách âm. Nhưng nếu nhà khá ồn ào và có nhiều gia đình nhỏ sống chung, bạn cần nhắc khéo anh xã để tạo cho phòng mình một không gian đủ tĩnh lặng cho những giấc ngủ trưa, ngủ tối.

Bạn cần loại bỏ hết những thiết bị có khả năng gây tiếng ồn bất chợt hay khiến bạn phân tâm với giấc ngủ như điện thoại (cả điện thoại cố định lẫn điện thoại di động), thiết bị máy tính, tivi, máy nghe nhạc… Một số gia đình có thói quen để tivi trong phòng ngủ, bạn có thể nhắc anh xã rằng bạn cần sự yên tĩnh tuyệt đối để được “ưu tiên”.

2. Chăm sóc cho… cái giường!

Chất lượng giấc ngủ phụ thuộc nhiều vào cái giường của bạn. Hãy chịu khó tiêu tốn tiền bạc để “đầu tư” vào một tấm nệm đủ độ êm, chất lượng cao, không làm lưng bạn bị lún khi nằm (sẽ gây ra cảm giác rất đau lưng). Giường cũng cần độ rộng rãi, đủ sức cho một bà bầu với cái bụng “to oành” vẫn có thể lăn trở thoải mái. Bạn nên chú ý cả những chi tiết như dra giường thật sạch sẽ, màu sáng tạo cảm giác thư thái khi nằm. Vài ngày phải chịu khó thay dra. Bạn cũng nên tìm một số loại gối thiết kế dành riêng cho bà bầu. Những chiếc gối này có hình cái nêm dành cho bụng khi nằm nghiêng, hoặc có hình dạng dài dùng để đỡ lưng và bụng. Các chi tiết này tưởng nhỏ nhưng đóng vai trò rất lớn trong việc tạo nên một giấc ngủ êm ái cho bà bầu.

Ngoài ra, cần nhắc bạn rằng đừng giữ thói quen lôi đủ thứ vật dụng linh tinh để ở đầu giường hay bên cạnh gối của mình. Nhiều phụ nữ hay mang vài cuốn báo, cuốn sách, sổ tay, bút viết, bóp tiền, kể cả nữ trang vứt lung tung ở đầu giường. Cảm giác hỗn độn này sẽ khiến đầu óc của bạn không thảnh thơi được, luôn kích thích bạn phải nghĩ đến thứ này, thứ kia và như thế thì trách sao giấc ngủ chả chịu tới.

3. Đừng cố ngủ khi bạn đang… không ngủ được!

Chắc chắn với bà bầu, chuyện mất ngủ là chuyện thường ngày ở huyện. Vì vậy, nếu một tối nào đấy trằn trọc, bạn đừng hốt hoảng dằn vặt chính mình rằng: “Không ngủ thì làm sao bé yêu trong bụng khỏe được!”. Nếu thấy nằm trên giường khoảng 1 tiếng đồng hồ vẫn không có chút dấu hiệu gì buồn ngủ, bạn có thể nhẹ nhàng rời khỏi phòng ngủ, qua phòng khác và thư giãn, tập vài động tác yoga nhẹ, ngồi thiền buông lỏng những suy nghĩ, nghe vài giai điệu êm dịu… Không cần cố gắng ngủ thì cơn buồn ngủ sẽ nhanh chóng kéo đến.

Ngoài ra, bạn cũng đừng ngủ giấc ban ngày quá nhiều vì như thế sẽ khiến giấc ngủ đêm ngắn xuống và gây xáo trộn nhịp sinh học bình thường. Tuy nhiên, trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), nếu bạn mất ngủ nhiều thì hãy cố gắng chợp mắt bất cứ lúc nào có thể. Những giấc ngủ này sẽ giúp bạn hồi phục sức khỏe, đỡ mệt hơn.

4. Uống một ly sữa ấm trước khi lên giường nửa tiếng đồng hồ

Sữa có một số chất đặc biệt có khả năng lôi kéo cơn buồn ngủ, giúp cơ thể trở nên… dễ ngủ hơn. Bạn có thể nhấp nháp một ly sữa (ly nhỏ thôi nhé, nếu không bạn sẽ lại phải thức giấc vì cảm giác… buồn tiểu đấy!) trước khi đi ngủ. Đừng nên ăn no trước khi đi ngủ, nhưng cũng đừng để bụng đói.

Bạn lưu ý một điều quan trọng là bác sĩ chỉ khuyên bạn uống sữa chứ tuyệt đối không nên tìm đến các loại thảo dược được quảng cáo là giúp nhanh chóng lấy lại giấc ngủ ngon đâu nhé! Cơ thể của một thai phụ rất khác với cơ thể người bình thường. Những loại cây cỏ, thảo dược được cho là vô hại kỳ thực vẫn phải hết sức thận trọng khi dùng cho bà bầu. Đặc biệt, đừng đụng tới những loại thảo dược được ướp, sấy khô không rõ nguồn gốc vì đa phần các loại này đều có tẩm hóa chất, chất bảo quản có thể gây nên những ảnh hưởng nguy hại cho cả bạn lẫn thai nhi.

5. Massage cơ thể

Những động tác massage êm ái, nhẹ nhàng, xoa vuốt khắp cơ thể sẽ khiến đôi mắt của bạn nhanh chóng ríu lại hơn. Không cần đi ra tiệm mát-xa đâu. Bạn có thể cùng anh xã tham gia một số chương trình kiến thức tiền sinh, sau đó nhờ anh xã giúp mình một chút vào mỗi cuối ngày.

Song song với việc mát-xa, bạn có thể tìm đến những liệu pháp thư giãn cho cơ thể như tập thở sâu và chậm để giúp làm giảm căng cơ, điều hòa nhịp tim chậm lại giúp giấc ngủ đến nhanh hơn. Trong lúc hít thở sâu thư giãn, có thể nhắm mắt để tưởng tượng ra những cảnh bình yên, dễ chịu. Gạt bỏ khỏi đầu mọi lo âu, kể cả lo âu về bé yêu. Hãy động viên mình rằng mọi thứ đều tốt cả và chắc chắn mẹ con bạn sẽ mẹ tròn con vuông mà thôi.

Nếu chồng bạn ngủ… ngáy?

Hãy biết rằng gọi giấc ngủ về cho một bà bầu đã khó, mà duy trì được giấc ngủ đó lại càng… khó hơn! Giấc ngủ của thai phụ thường rất “mong manh”, nghĩa là bạn có thể giật mình ngay chỉ vì một tiếng động hay một cái cựa mình quá mạnh của chồng. Trong những tuần lễ cuối cùng của chín tháng thai kỳ, nỗi lo âu và những cú đạp của bé yêu càng khiến bạn ngủ rất chập chờn. Vì vậy, trong trường hợp chồng bạn có thói quen ngáy quá to, bạn có thể nằm riêng giường tạm trong một thời gian ngắn để đảm bảo không bị thức giấc thường xuyên vì những tiếng ngáy. 

Tags:

Bài viết liên quan