Mẹ và Con – Mâm cỗ cúng ông Táo thường đơn giản, quan trọng là sự thành tâm của gia chủ. Tuy vậy cần lưu ý 4 vật phẩm không nên cúng ông Táo dưới đây để tránh những điều không may mắn đến.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Tết ông Công ông Táo. Theo Dương lịch, ngày đưa ông Táo về trời năm nay rơi vào thứ Sáu ngày 2/2/2024 (tức 23/12 Âm lịch).

Với ý nghĩa đưa ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng, mọi người thường thực hiện nghi thức dọn dẹp lau chùi nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cỗ cơm tiễn ông về Trời.

Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con xem các gợi ý về cách chế biến những mâm cỗ cúng đơn giản, dễ thực hiện cho năm nay, cũng như lưu ý tránh 04 vật phẩm không nên cúng ông Táo qua bài viết này nhé!

4 vật phẩm không nên có trong mâm cỗ cúng ông Táo

Thịt vịt

Ông bà ta hay nói đầu năm đầu tháng nên kiêng những món ăn được chế biến từ thịt vịt, bởi thịt vịt là biểu tượng cho sự kém may mắn, vận hạn đen đủi, tuy vậy lại được khuyên cuối tháng cuối năm thì hay ăn để giải vận xui xẻo.

Vì ý nghĩa biểu trưng đó nên thịt vịt hay trứng vịt lộn… là món ăn không nên có trong mâm cỗ cúng ông Táo. Bởi tuy thịt vịt có phần hấp dẫn và giàu giá trị dinh dưỡng, nhưng không mang ý nghĩa tốt khi cúng.

Các món ăn từ thịt vịt không nên cúng ông Táo

Thịt chó

Việc ăn thịt chó thường gây ra nhiều vấn đề tranh cãi, nhưng trên thực tế thịt chó là món ăn được nhiều người ưa thích và giàu dưỡng chất. Tuy nhiên thịt chó lại nằm trong 4 món không nên bày lên mâm cỗ cúng ông Táo vì tượng trưng cho sự xui xẻo vào đầu các tháng âm lịch.

Không những vậy, các món ăn từ thịt chó thường phải kết hợp ăn cùng riềng, mẻ, mắm tôm…nặng mùi nên sẽ ảnh hưởng đến nơi thờ cùng nghiêm trang, thanh tịnh của gia đình bạn.

Cá chiên/rán

Theo truyền thuyết thì cá chép là phương tiện để đưa ông Táo về trời và cũng là biểu tượng của sự phú quý tài lộc, tinh thần vượt khó khăn, nên vào ngày này thì các gia đình sẽ thực hiện nghi thức cúng cá chép sống rồi thả phóng sinh.

Cũng bởi những ý nghĩa trên mà việc cúng ông Táo với cá chiên/rán tuy không vi phạm gì nhưng sẽ mâu thuẫn với phong tục cổ truyền thả cá sống phóng sinh nên cần hạn chế tối đa.

Không nên cúng ông táo cá chiên rán

Hoa quả giả

Hoa quả giả thường không thể hiện được tấm lòng của gia chủ thờ cúng nên dù là cúng ông Táo hay các ngày Tết, rằm thông thường cũng nên chọn hoa tươi, quả ngon theo mùa bày lên mâm, lên bàn thờ. Đặc biệt những loại quả nặng mùi và gai góc như mít, sầu riêng cũng được cho là không nên bày lên cúng kiếng.

Bên cạnh 4 vật phẩm trên thì các chuyên gia phong thủy cũng có thêm các chia sẻ rằng trước khi thực hiện nghi lễ cúng ông Táo, gia chủ hay người cúng trực tiếp không nên ăn đồ có mùi hôi tanh như hành, tỏi, mắm các loại

Quan trọng là cũng không được ăn tiết canh, thịt rùa, thịt ba ba, thịt chó, mèo, rắn, cá chép….vì sẽ ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm cũng lễ cúng.

Hoa quả giả khi cúng kiếng không thể hiện được tấm lòng gia chủ

Một số món ăn đơn giản cúng ông Táo cho hội chị em bận rộn

Gà luộc

Trên mâm cúng mặn của người Việt thường không thể thiếu gà luộc, mẹo để luộc gà ngon cho chị em mình là hãy đun sôi nước cùng vài lát gừng, cho gà đã làm sạch vào luộc để da giòn hơn, lưu ý nhỏ lửa khi cho gà để da không bị rách gây mất thẩm mỹ.

Tùy vào gà non hay già để canh thời gian luộc phù hợp, trung bình thời gian khoảng 20-25 phút, sau khi tắt bếp vẫn để nguyên gà trong nồi ủ thêm tầm 5-10 phút rồi mới vớt ra nhé!

Xôi các loại

Một số loại xôi dễ làm như xôi đậu xanh, xôi gấc…Để xôi thơm dẻo, hãy ngâm nếp từ đêm hôm trước từ 6-8 tiếng, sáng hôm sau vớt ra đãi và xóc cùng chút muối trắng. Cho vào xửng hấp với lượng nước dưới nồi bằng ½ khoảng cách từ đáy nồi đến xửng, khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa rồi mới cho nếp vào để đồ xôi, xôi gần chín thì cho xíu dầu ăn vào tạo độ bóng đẹp mắt.

Canh các loại

Mâm cỗ cúng ông Táo không giới hạn loại canh nào, nên chị em mình có thể chọn nấu món thuận tiện với mình nhất như canh măng, canh khoai tây cà rốt sườn non, canh bí xanh, canh khổ qua, canh củ quả….

Các món ăn cúng ông Táo

Chả giò chiên/rán, chả lụa

2 món ăn này thường thấy trên mâm cúng của người Việt, hấp dẫn bởi vị đậm đà và đặc trưng dễ thưởng thức, giàu dinh dưỡng. Chả giò có thể thực hiện từ hôm trước, hôm sau chiên để tiện hơn, nhân chả giò để thơm ngon hãy kết hợp miến, hành tây, khoai môn, cà rốt, nấm hương, nấm mèo, trứng gà, thịt heo xay,… Lưu ý nên chiên/rán chả giò thành 2 lần để giòn lâu và không bị ỉu mềm.

Chả lụa chị em có thể chọn mua sẵn ở nơi uy tín, cắt thành khoanh đẹp mắt và bài trí lên mâm cúng ông Táo!

Rau củ luộc, xào thập cẩm

Hãy thêm một dĩa rau để vừa thêm phần đẹp mắt màu sắc, vừa thanh mát tốt cho sức khỏe bên cạnh các món ăn giàu đạm từ thịt. Để tiết kiệm thời gian có thể chọn rau củ luộc, hay xào thập cẩm các loại như bông cải, cà rốt, bắp cải, súp lơ, su hào, ớt chuông….

Điều quan trọng hơn cả là các chị em nội trợ hãy lựa chọn mua thực phẩm tại những địa chỉ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm có đủ nhãn mác, tươi sống…, tuyệt đối không mua đồ đã có mùi lạ, sản phẩm đóng hộp móp méo, chảy nước.

Lưu ý sơ chế kỹ, ngâm muối với các thực phẩm thịt rau củ, trái cây…, thức ăn được nấu chín hoàn toàn. Tất cả sẽ mang lại một mâm cỗ cúng ông táo trọn vẹn, an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh cho bạn và gia đình nhé!

Bài viết liên quan