Trẻ bị thủy đậu thường xuất hiện các mụn nước trên da. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị thủy đậu, ban đầu sẽ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Sau 24 – 48 giờ mới bắt đầu có triệu chứng sốt. Đến ngày thứ ba, cơ thể bắt đầu phát ban, chủ yếu tập trung ở vùng mặt. Đầu tiên là mụn rát đỏ, sau vài tiếng đồng hồ sẽ nổi mụn nước trên da. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, những nốt này sẽ chuyển thành dạng bỏng nước, căng, có màu trong với kích thước 3-10mm.
Kiêng tắm
Không được tắm quá lâu khi trẻ đang bị thủy đậu. (Ảnh minh họa)
Mẹ vẫn thường nghĩ rằng, không cho con tiếp xúc với nước khi bị thủy đậu sẽ giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo các bác sĩ nhi khoa, chính việc vệ sinh cơ thể không tốt mới là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm da bội nhiễm, thậm chí gây nhiễm trùng huyết.
Vào những ngày này, mẹ nên tắm nhanh cho con bằng nước ấm. Chú ý vệ sinh chân tay bé thật sạch, cắt ngắn móng tay. Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, mang bao tay, xoa phấn rôm để trẻ đỡ bị ngứa. Ngoài ra, mẹ phải thường xuyên chải răng, súc miệng bằng nước sát trùng.
Bôi thuốc xanh methylen
Nốt mụn nước vỡ để lại vết xước trên da. Nếu không bị nhiễm trùng, vết xước sẽ tự khỏi và không để lại sẹo.
Thuốc xanh methylen được xem là biện pháp mà hầu như bà mẹ nào cũng áp dụng khi con bị thủy đậu. Tuy nhiên, việc bôi thuốc xanh không phải lúc nào cũng phát huy được tác dụng của nó.
Xanh methylen chỉ thực sự cần thiết và hiệu quả khi các nốt phỏng trên da đã vỡ. Lúc này mẹ bôi trực tiếp thuốc xanh vào nốt bỏng sẽ phòng ngừa được tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, vì đây cũng là cách sát trùng rất hữu hiệu. Mẹ chú ý không chọc thủng nốt bỏng rồi bôi thuốc mỡ tetracyclin hoặc penicillin, thuốc đỏ.
Tắm nước lá
Tuyệt đối không được cho trẻ tắm nước từ các loại lá. (Ảnh minh họa)
Làn da của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, rất mỏng manh nên nguy cơ bị dị ứng và nhiễm trùng là rất cao. Trong khi đó, chúng ta không thể đảm bảo được các loại lá có an toàn cho trẻ hay không. Thậm chí các loại lá như lá bàng, lá chè xanh còn rất chát, dễ khiến làn da trẻ bị tổn thương. Vì vậy, mẹ không nên tự ý nấu nước lá tắm cho con khi chưa có ý kiến của bác sĩ nhé.
Không cách ly trẻ
Bệnh ở người lớn có diễn biến nặng hơn ở trẻ nhỏ. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tử vong ở người lớn cao hơn trẻ nhỏ 5 – 9 tuổi gấp 30 – 40 lần.
Thủy đậu là bệnh lây lan rất nhanh, do vậy bố mẹ không được chủ quan trong việc cách ly trẻ. Trong thời kỳ ủ bệnh (trước khi nổi ban đỏ trên da), bệnh đã có thể lây sang cho người khác. Lây lan mạnh nhất chính là thời điểm trước và sau khi sốt 4 ngày.
Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh thủy đậu, bố mẹ nên cho trẻ cách ly với người khác càng sớm càng tốt. Đồ dùng cá nhân của trẻ như quần áo, khăn mặt… cần được giặt kỹ bằng xà phòng, phơi nắng.
Mách nhỏ:
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.
– Hạ sốt bằng paracetamol theo đúng liều lượng, không nên dùng aspirin.
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác.
– Khi bé được 12 tháng tuổi, mẹ nên cho bé tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu.
– Nếu trẻ ho kèm theo các triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn ói, chậm chạp… bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám kịp thời.