Mẹ Và Con – Ở tam cá nguyệt thứ ba, bạn đã quen với cái bụng bầu và không còn “sốc” trước những thay đổi của cơ thể nữa

Tuy ở 3 tháng cuối thai kỳ thế nhưng, bạn vẫn cần quan tâm rất nhiều thứ để phòng tránh những biến chứng thai nghén bất thường trong giai đoạn này.

Nếu bạn xuất hiện cảm giác mệt mỏi quá nhiều 3 tháng cuối thai kỳ

Đúng là ở 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ sẽ nặng nề hơn và dễ xuất hiện cảm giác mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu bạn đã cố gắng nghỉ ngơi mà vẫn không thấy bớt, lúc nào cũng có triệu chứng mệt mỏi đến mức không chịu nổi thì hãy cẩn thận. Mệt mỏi quá mức là một dấu hiệu của bệnh thiếu máu (dễ xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ).

Hãy chú trọng hơn đến chế độ dinh dưỡng của bạn. Nên ăn những món ăn giàu chất sắt như thịt nạc, cá, các loại rau có lá màu xanh, ngũ cốc, v.v.. Bạn cũng có thể kể cho bác sĩ nghe về những triệu chứng mệt mỏi bất thường này để bác sĩ theo dõi.

3 tháng cuối thai kỳ

(Ảnh minh họa)

Nếu bạn cảm thấy tủi thân, sợ hãi, lo lắng quá nhiều

Những triệu chứng trầm cảm, lo lắng thái quá có thể xuất hiện trong giai đoạn nhạy cảm này. Thực tế, việc ngày càng kề cận giờ khắc sinh con khiến không ít thai phụ trở nên hoảng sợ (dù họ vẫn hết lòng yêu con và mong ngóng gặp được thiên thần bé bỏng). Nào là sợ đau đẻ, sợ việc sinh nở có gì đó bất thường, lo lắng không biết con có khỏe mạnh bình thường hay không…

Những nỗi lo này ám ảnh đến mức một số bà bầu nằm ngủ thường xuyên gặp ác mộng, dễ hốt hoảng và có thể cáu bẳn với chồng chỉ vì một câu nói lỡ lời tưởng chừng rất nhỏ nhặt. Bạn cần biết rằng tất cả những điều đó đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, hãy sớm chia sẻ với anh xã để hợp tác với nhau thật nhuần nhuyễn trong giai đoạn này.

Người chồng nên động viên dịu dàng, ở bên cạnh vợ càng nhiều càng tốt và chia sẻ ân cần mọi nỗi lo âu (dù với anh ấy có vẻ như… vớ vẩn). Người vợ nên nhắc mình luôn hướng đến những suy nghĩ lạc quan, vui vẻ.

Bạn nên xem những bộ phim hài hước, vui nhộn, nghe những bản nhạc êm dịu và tạo cảm giác thư thái. Tinh thần của mẹ trong 3 tháng cuối càng tốt thì cuộc vượt cạn càng thuận lợi và bé yêu sẽ càng có được sự phát triển hoàn thiện nhất sau này.

Nếu bạn mất ngủ nhiều

Việc mất ngủ nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà bầu lẫn em bé. Tuy nhiên, việc này gần như sẽ xảy ra với mọi bà bầu trong những tháng cuối thai kỳ. Giấc ngủ của bạn trở nên rất chập chờn, dễ bị bé “thúc” cho thức dậy ngay giữa đêm.

Bạn cũng thường xuyên phải trở mình để đi vệ sinh vì bào thai ngày càng gây áp lực cho bàng quang, khiến bàng quang cứ kích thích bạn phải đi “giải quyết nhu cầu” liên tục. Thường thì cứ khoảng 2 tiếng đồng hồ, bạn cảm thấy mắc tiểu một lần. Hãy hình dung giấc ngủ của bạn bị vụn ra như thế nào cứ theo cái nhịp 2 tiếng lại thức giấc như thế.

Thay doi cua bau trong ba thang cuoi

(Ảnh minh họa)

Hãy chịu đựng điều này một cách bình tĩnh vì nếu bạn càng stress thì giấc ngủ của bạn càng khó đến mà thôi. Nên uống một ly sữa nóng trước khi ngủ. Có thể để một chiếc bô có nắp đậy ngay cạnh giường ngủ để tránh phải đi lại liên tục vào nhà vệ sinh, nhất là trong tình trạng mắt nhắm mắt mở.

Hãy tận dụng đến những chiếc gối mềm xếp xung quanh để bạn luôn có được cảm giác êm ái nhất. Ngoài ra, nếu không ngủ được đủ giấc buổi tối, bạn nên xin nghỉ sinh sớm một chút, ở nhà dưỡng sức và để tranh thủ tạo cho mình những giấc ngủ vào buổi sáng hoặc trưa.

Nếu bạn thấy mình bị phù nề đột ngột

Việc phù nề ở những tháng cuối là bình thường. Bạn sẽ thấy mắt cá chân, mặt, tay, v.v. trở nên múp míp hẳn ra. Song, cần nhớ kỹ rằng nếu tình trạng phù nề này đến với bạn rất đột ngột và có vẻ quá nặng, quá nhiều, cân nặng tăng rất nhanh… thì phải hỏi ngay bác sĩ.

Đây là những dấu hiệu của tiền sản giật hoặc nhiễm độc thai nghén dễ xảy ra và rất nguy hiểm với thai phụ vào những tháng cuối của thai kỳ.

Bạn sẽ hỏi: Làm sao biết mức tăng cân bao nhiêu là cho phép và mức tăng cân bao nhiêu là kết quả của sự phù nề? Đây, câu trả lời cho bạn là một thai phụ bình thường sẽ tăng khoảng nửa kg mỗi tuần, hoặc 1,5 đến 2kg mỗi tháng trong tam cá nguyệt thứ ba này. Nếu tăng quá mức 2kg mỗi tháng trong 3 tháng cuối, bạn nên hỏi bác sĩ ngay.

Nếu bạn thấy bất cứ dấu hiệu không ổn nào khác

Hãy biết rằng linh cảm của người phụ nữ khi mang thai, nhất là trong những tháng cuối cùng này, trở nên rất nhạy. Khi có bất cứ dấu hiệu nào trong người khiến bạn cảm thấy bất an, ví dụ như đột nhiên thấy bé đạp yếu đi, số lần bé máy giảm, đột nhiên ra máu (dù ít), v.v., đừng lơ là cho qua mà hãy trao đổi với bác sĩ theo dõi bạn.

Ngoài ra, nên tiếp tục việc khám thai đều đặn trong 3 tháng cuối này. Bạn cần đến khám 2 tuần/lần và đến tuần thứ 38 trở đi thì khám thường xuyên mỗi tuần/lần cho đến lúc sinh.

Bạn nên cố gắng tìm một bác sĩ đảm bảo đủ thời gian để tư vấn cho bạn, chia sẻ với bạn những nỗi lo chứ đừng chỉ khám qua loa vì có quá nhiều bệnh nhân. Bác sĩ sẽ trao đổi rất rõ với bạn nếu có một nguy cơ hay dấu hiệu bất thường nào đấy.

Trong trường hợp phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, bạn nên cùng bác sĩ chuẩn bị tinh thần và thực hiện nghiêm túc mọi hướng dẫn của bác sĩ trong giai đoạn này.

Ba tháng cuối thai kỳ, bạn nên ăn…

Ăn nhiều cá để đảm bảo có được axit béo omega-3 đầy đủ cho trẻ vì giai đoạn này bộ não của bé phát triển rất nhanh.

Nếu bạn không ăn được cá, có thể uống dầu cá (theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ) hoặc ăn các loại hạt hướng dương, hạt bí.

Ăn các loại rau xanh để ngăn ngừa thiếu sắt.

Uống nhiều nước lọc, có thể kèm thêm nước hoa quả ép (ví dụ lê, táo) không cần bỏ đường. Sữa cũng cần được bổ sung 1 – 2 ly mỗi ngày suốt giai đoạn này.

Tags:

Bài viết liên quan