1. Giai đoạn 1: Bé được 5-6 tháng tuổi
Cho bé ăn cháo loãng theo tỷ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước). Cháo nấu chín kỹ, sau đó rây qua lưới thật nhuyễn cho bé ăn. Nhớ là rây chứ không cho vào máy sinh tố xay nhuyễn.
Với thịt cá, nên chọn loại thịt nạc, cá trắng (ưu tiên cá trước thịt vì cá mềm hơn, dễ rây mịn). Luộc thịt cá lên, giữ nước dùng lại. Rây cá qua lưới, sau đó hòa loãng bằng nước luộc. Thêm một ít bột năng đã hòa tan vào một chút nước, rồi hòa vào chén cá. Đun hỗn hợp lên làm sánh lại. Với thịt, bạn có thể giã thịt nhuyễn bằng cối rồi rây, sau đó thực hiện tương tự như cá.
Tất nhiên, cách làm này sẽ khiến bạn thấy thịt cá lợn cợn chứ không “mịn đông” như kiểu truyền thống cho vào máy sinh tố xay nhuyễn. Nhưng bạn nên kiên nhẫn thực hiện chứ đừng dùng máy xay. Vì đây chính là bước quan trọng để bé quen với độ thô của thức ăn. Những tuần đầu tiên, nếu lo lắng, bạn có thể cho tỷ lệ nước dùng nhiều, cá thịt ít để giúp bé dễ nuốt. Nhưng sau đó, nên làm đặc dần.
Bạn lưu ý, bé ở độ tuổi 5-6 tháng tuổi chưa nên cho ăn trứng vì bé rất dễ bị dị ứng. Trong trường hợp muốn cho bé thử, bạn phải hết sức thận trọng, luộc trứng chín thật kỹ, tách lấy lòng đỏ (chỉ một chút xíu), pha loãng, nghiền mịn với nước rau cho bé ăn thăm dò. Bé không bị dị ứng mới tăng lên thêm chút ít và không được quá 1 muỗng cà phê trứng / bữa.
Bé ở giai đoạn này đã ăn được đậu hũ mịn. Bạn có thể mua loại đậu hũ non mịn của Nhật, sau đó luộc kỹ rồi rây qua lưới. Có thể tăng dần độ thô của đậu hũ lên. Bé ở giai đoạn 5-6 tháng cũng đã có thể ăn bánh ăn dặm loại tan trong miệng. Nên cho bé tự bốc, tự cầm trên tay để ăn. Tuy nhiên, cần cẩn thận không để bé cho vào miệng quá nhiều sẽ dễ gây nghẹn cho bé.
>> Những món nên cho bé làm quen giai đoạn này: Khoai luộc, rau luộc, cháo, cá trắng, thịt nạc, đậu hũ non, cà rốt, bí đỏ, chuối, táo… Những món này đều cần nghiền nhuyễn qua rây. Không trộn lẫn để bé có thể quen thuộc và quen với từng vị riêng biệt. Có thể tăng dần độ đặc từ rất loãng đến loãng và sánh dần lại để tập cho bé phản xạ nhai nuốt.
2. Giai đoạn 2: Bé được 7-9 tháng tuổi
Bước sang giai đoạn 2, bé có thể ăn được cháo theo tỷ lệ 1:7. Tỷ lệ 1:7 nghĩa là 1 gạo và 7 nước, nấu chín xong sau đó vẫn cần rây. Tuy nhiên, đến khi bé được khoảng 7 tháng rưỡi đến 8 tháng thì không rây mịn nữa mà cho bé ăn thô hơn, tức là không rây nữa mà chỉ cần nghiền bằng muỗng. Cứ thế, bạn có thể tăng dần thành nghiền 1/2, để nguyên hạt cháo 1/2. Nếu bé nhai nuốt tốt, có thể tăng thành cháo loãng nguyên hạt ở cuối giai đoạn này.
Một lưu ý quan trọng với mẹ là sang giai đoạn 2, mẹ sẽ rất dễ sốt ruột khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật vì bé có vẻ tăng cân chậm hơn một số bé khác cùng tuổi ăn theo kiểu ăn dặm truyền thống. Bé cũng không “mũm mĩm” lên như bạn mong muốn mà chỉ “roi roi”. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì chỉ cần bé ăn uống đầy đủ chất thì sẽ vẫn phát triển hoàn thiện như thường. Bạn cũng có thể bổ sung sữa cho bé thêm vào. Như đã nói từ bài trước, bí quyết nằm ở chỗ mẹ cần vững tâm và kiên nhẫn. Với cách ăn dặm này, đến khi bé trên 1 tuổi, bạn sẽ thấy tác dụng rất rõ ràng: Bé chủ động ăn, hầu như không khi nào gặp tình trạng biếng ăn và rất thích thú với chuyện thưởng thức các món ăn với một sự “tự lập” rất đáng yêu.
Quan niệm cần nhớ: Ăn dặm là dạy cho bé tập ăn, hình thành cho bé những thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe, giúp bé nếm được nhiều vị, ăn phong phú và đa dạng được nhiều loại thực phẩm khác nhau chứ ăn dặm không phải là “vỗ béo” bé.
>> Những món nên cho bé làm quen giai đoạn này: Bao gồm các món như giai đoạn trước, cộng thêm trứng (lúc này đã có thể ăn), thịt lườn gà, cá thịt đỏ, dưa chuột, nấm… Vẫn áp dụng theo cách nghiền nhuyễn rồi tăng dần độ đặc, độ thô lên. Nếu bé quen, thích nghi được, có thể chỉ cần băm thực phẩm nhuyễn là được.
Làm thế nào kiểm tra độ loãng của cháo?
Bạn có thể thực hiện bằng thao tác đơn giản nhất: xúc 1 muỗng cháo cho nhỏ giọt xuống chén. Ở giai đoạn khi bé mới bắt đầu ăn, nên cho bé ăn cháo loãng, nhỏ giọt nhanh (2-3 giọt nhỏ xuống mỗi giây). Sau đó tăng dần lên thành cháo nhỏ xuống 1 giọt mỗi giây. Đến 7-8 tháng, độ đặc của cháo sẽ tăng dần, khoảng 5 giây mới nhỏ xuống một giọt. Giai đoạn 9-11 tháng thì cháo đủ độ đặc không nhỏ xuống được nữa.
3. Giai đoạn 3: Bé được 9-11 tháng tuổi
Bé có thể ăn cháo với tỷ lệ 1:5 (1 gạo và 5 nước). Cháo nấu chín kỹ xong cho bé ăn nguyên hạt. Sau đó, đến cuối giai đoạn này có thể tăng dần lên thành cháo sệt nguyên hạt, cháo đặc nguyên hạt.
Cũng trong giai đoạn này, tùy thể trạng và thói quen nhai nuốt của từng bé, nếu thấy ổn, mẹ có thể không nghiền, băm hết các thức ăn nữa mà xắt miếng nhỏ độ 0,5-1cm nấu chín mềm để bé tập nhai và nuốt. Độ mềm của thức ăn cỡ như chuối chín là được. Ví dụ cà rốt xắt nhỏ nhưng đè ngón tay xuống là có thể làm nát ra ngay. Mẹ nhớ là bước sang giai đoạn 3 thì quên hẳn rây và muỗng (để nghiền) đi nhé. Lúc này, dụng cụ chế biến cho mẹ chỉ còn dao thớt thôi (băm, xắt nhỏ).
>> Những món nên cho bé làm quen giai đoạn này: Bao gồm các món như các giai đoạn trước, cộng thêm tôm đồng, thịt heo, bò, gà, bún, miến, giá đỗ… Sau 3 giai đoạn ăn dặm chính này, từ 1 tuổi trở đi, bé có thể ăn thêm mực, cua, hầu như tất cả các loại rau và chuyển dần sang cơm nát.
Nguyên tắc cho mẹ
+ Cho bé ăn đúng giờ quy định. Nếu bé không ăn thì dẹp đi, tuyệt đối không ép. Nếu cần thiết cứ cho con biết thế nào là cảm giác “đói”. Đừng xót bé! Bản năng sinh tồn giúp đứa trẻ luôn biết đòi ăn khi bé thật sự đói. Bằng cách đó, con bạn luôn thấy chuyện ăn là nhẹ nhàng và thoải mái, là đúng những gì bé thích chứ chẳng bao giờ là cuộc “đánh vật”, chả bao giờ bé thấy sợ hãi, khóc thét lên, giãy đạp khi “bị” mẹ cho ăn.
+ Tắt hết tivi hoặc những thứ có thể gây phân tán tư tưởng cho bé. Khi bé ngồi vào ghế ăn chỉ tập trung ăn. Bữa ăn kéo dài tối đa 20 phút. Sau 20 phút, dù bé chưa ăn được nhiều cũng kết thúc bữa. Đến lúc nào bé đói lại cho ăn. Tránh tuyệt đối chuyện cho bé ngậm cháo rồi xem tivi hoặc chơi đồ chơi, mãi cả tiếng đồng hồ chưa hoàn tất bữa.