Mẹ và Con - Nếu bạn thuộc hội những người thích ăn chay nhưng chưa biết hôm nay ăn gì thì hãy thử vào bếp với 3 cách nấu hủ tiếu chay sau đây bạn nhé. Nguyên liệu dễ tìm, cách chế biến cũng cực kỳ đơn giản thì còn chờ gì mà không thử ngay bạn nhỉ?

Ăn chay đang dần trở thành thói quen của nhiều người để giảm lượng chất đạm, chất béo và đảm bảo duy trì sức khỏe dẻo dai. Nếu bạn chưa biết nên lên thực đơn chay nào thì hãy thử món hủ tiếu chay. Cách nấu hủ tiếu chay không quá khó, lại đa dạng vị nên dễ dàng phù hợp với khẩu vị nhiều người. Dưới đây là một số gợi ý về cách nấu hủ tiếu chay ngon tại nhà để bạn tham khảo. 

Cách nấu hủ tiếu chay Sa Đéc

Với hương vị độc đáo của mình, hủ tiếu Sa Đéc luôn giữ chỗ đứng đặc biệt, với bánh hủ tiếu được làm từ bột gạo, có màu trắng sữa, cọng to, sợi mềm, độ dai vừa phải và không bị bở.

Cách nấu hủ tiếu chay sa đéc hay cách nấu hủ tiếu chay miền Tây cũng không quá khó, chỉ cần lưu ý việc chọn nguyên liệu và nấu nước dùng là sẽ có ngay một tô hủ tiếu chay sa đéc ngon bổ dưỡng. 

Nguyên liệu

  • 250g Hủ tiếu khô
  • 3 trái Lê
  • 3 trái Táo
  • 1 củ Cải trắng
  • 2 củ Cà rốt
  • 70g Nấm đông cô khô
  • 50g Nấm trắng
  • 50g Nấm bào ngư
  • 1-2 nhánh Tỏi tây (Hành boa rô)
  • 2-3 miếng Đậu hủ trắng, 1 miếng Tàu hủ ky
  • Rau các loại ăn kèm: chanh, ớt, giá hẹ, xà lách, ngò,…
  • Gia vị: bột ngọt, hạt nêm chay, đường phèn, muối,…

Cách nấu hủ tiếu chay chuẩn vị Sa Đéc

Sơ chế nguyên liệu 

  • Đun sôi nước rồi cho hủ tiếu khô vào chần sơ cho chín mềm thì vớt ra, rửa qua nước lạnh rồi để cho thật ráo nước.
  • Gọt sạch vỏ lê và táo, rửa sạch và cắt thành 4 miếng mỗi quả.
  • Gọt vỏ củ cải, cà rốt rồi rửa với nước sạch, cắt thành từng lát nhỏ vừa ăn.
  • Rửa sạch hành boa rô rồi thái nhỏ. Phần hành trắng thì đem phi thơm với dầu ăn, còn phần lá xanh thì để nấu nước dùng.
  • Các loại rau ăn kèm hủ tiếu chay Sa Đéc như giá sống, xà lách, ngò hẹ,… đem ngâm với nước muối pha loãng trong 5-10 phút. Sau đó rửa sạch với nước, tùy từng loại rau mà nhặt lá, cắt khúc hay thái sợi.
  • Cắt bỏ chân nấm đông cô khô, ngâm với nước ấm 60-80°C từ 20-30 phút cho nấm nở đều. Vớt nấm ra và rửa sạch với nước sau đó cắt làm đôi cho dễ ăn.
  • Rửa sạch các loại nấm bào ngư, nấm trắng còn lại rồi cắt nhỏ cho dễ ăn.
  • Đậu hũ trắng và tàu hủ ky đem rửa sơ với nước, dùng giấy ăn thấm ráo nước. Sau đó, cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi đem chiên vàng giòn.

Hướng dẫn nấu nước 

  • Bắc nồi lớn lên bếp, cho táo và lê vào. Đổ nước vào đến ⅔ nồi thì bật bếp để đun sôi.
  • Vớt bỏ xác lê, táo trong nồi khi chúng mềm
  • Cho thêm củ cải, cà rốt và phần lá hành boa rô vào nồi nước dùng vừa nãy. Bật bếp ở chế độ lửa nhỏ và hầm hỗn hợp nước rau củ này trong vòng 30 phút.
  • Khi thấy các nguyên liệu đã chín dần thi nêm nếm gia vị gồm muối, đường phèn, tiêu, bột ngọt cho vừa ăn.
  • Khuấy đều cho gia vị tan hết thì cho thêm đậu hũ chiên, tàu hủ ky và các loại nấm vào và nấu thêm khoảng 5-10 phút thì tắt bếp.

Trình bày và thưởng thức 

  • Có thể trụng sơ các loại rau ăn kèm nếu thích.
  • Cho hủ tiếu vào tô sạch, cho rau lên trên, chan nước lèo kèm topping chay, rau củ vào rồi thưởng thức.

Thành phẩm

Chỉ với những nguyên liệu chay đơn giản, dễ dàng mua được ngoài chợ, siêu thị, bạn đã có ngay một tô hủ tiếu sa đéc thơm ngon ngay tại nhà. Cách nấu hủ tiếu chay trên cũng không quá khó, chủ yếu là hầm nước dùng nên bạn có thể tự mình thể hiện ngay tại nhà dù có “dở” nấu ăn tới đâu. 

Cách nấu hủ tiếu chay Sa Đéc

Cách nấu hủ tiếu bò kho chay

Dù ăn chay nhưng bạn vẫn có thể thưởng thức được vị hủ tiếu bò kho. Một tô hủ tiếu bò kho chay với màu sắc hấp dẫn từ dầu điều, sợi hủ tiếu dai mềm, đậu hũ bùi béo, nấm rơm giòn ngọt kết hợp với nước dùng được nêm nếm gia vị vừa ăn hòa quyện với độ ngọt tự nhiên của rau củ, ăn kèm với rau sống nữa thì hoàn hảo vô cùng. Cách nấu hủ tiếu chay này cũng rất đơn giản, bạn có thể thử công thức dưới đây: 

Nguyên liệu 

  • Hủ tiếu khô 200 gr
  • Nấm rơm 200 gr (còn nguyên búp)
  • Đậu hũ chiên 2 miếng
  • Cà rốt 2 củ
  • Sắn (củ đậu) 3 củ
  • Hành tím 100 gr (khoảng 10 củ)
  • Ớt hiểm 1 ít
  • Nước tương 2 muỗng canh
  • Màu dầu điều 2 muỗng canh
  • Đường phèn 5 gr
  • Bột cà ri 1 muỗng canh
  • Hạt nêm chay 1 muỗng canh
  • Dầu ăn 6 muỗng canh
  • Rau thơm ăn kèm 1 ít (ngò gai, húng quế, rau ôm, hẹ, giá)
  • Muối/đường 1 ít

Cách nấu hủ tiếu bò kho chay 

Trụng hủ tiếu

  • Bắc một nồi nước lên bếp và đun sôi, sau đó cho 1 muỗng canh dầu ăn vào khuấy đều. Việc cho dầu ăn vào nước trụng sẽ giụp cọng hủ tiếu được bóng đẹp và không bị dính vào nhau
  • Cho hủ tiếu vào, trụng ở lửa vừa khoảng 3 – 5 phút cho đến cọng hủ tiếu nở mềm thì vớt ra rổ.

Sơ chế các nguyên liệu khác

  • Nấm rơm: gọt sạch phần gốc, sau đó mang nấm đi ngâm với nước muối hoặc nước vo gạo khoảng 10 phút, sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo. Dùng dao cắt nấm làm 2 hoặc 4 tùy vào kích thước.
  • Đậu hủ chiên: mang xả sơ qua nước sau đó dùng dao cắt thành các lát nhỏ vừa ăn.
  • Hành tím bóc sạch vỏ, lấy khoảng 4 – 5 củ to mang đi cắt lát, phần còn lại đập dập rồi băm nhuyễn.
  • Củ sắn gọt sạch vỏ, mang đi rửa sạch rồi cắt sợi.
  • Cà rốt gọt vỏ, mang đi rửa sạch với nước. Lấy 1 củ mang đi tỉa hoa rồi cắt thành các lát mỏng, củ còn lại cắt làm đôi dùng để nấu nước dùng.
  • Các loại rau ăn kèm như ngò gai, ngò ôm, hẹ, húng quế, giá đỗ mang đi ngâm với nước muối pha loãng khoảng 10 phút sau đó vớt ra xả sạch, để ráo.

Nấu nước dùng củ quả

  • Bắc nồi lên bếp, cho khoảng 1.5 – 2 lít nước vào, rồi tiếp hành đun sôi.
  • Khi nước bắt đầu sôi, cho cà rốt nguyên củ và phần củ sắn cắt sợi vào. Vặn nhỏ lửa và hầm khoảng 30 phút – 1 giờ để phần nước dùng được thanh ngọt.
  • Kế đến, lọc nước dùng qua rây để loại bỏ hết phần xác cà rốt và củ sắn.

Xào nấm và đậu hũ

  • Bắc chảo lên bếp, cho 2 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng sau đó cho phần hành tím băm vào phi thơm.
  • Khi hành đã dậy mùi, cho nấm rơm vào xào ở lửa vừa khoảng 5 – 7 phút cho nấm chín.
  • Cho tiếp đậu hũ vào, đảo nhẹ tay khoảng 1 – 2 phút.
  • Thêm vào chảo 1/2 muỗng canh hạt nêm chay, 1 muỗng canh nước tương, 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh bột cà ri sau đó đảo đều và tiếp tục xào thêm khoảng 2 phút nữa cho các nguyên liệu thấm gia vị.

Nấu bò kho chay

  • Cho tiếp vào nồi nước hầm rau củ 1 viên đường phèn (khoảng 5gr) sau đó trút phần nấm và đậu hũ xào vào. Mở lửa vừa và đun cho nước trong nồi sôi.
  • Khi nước bắt đầu sôi, vặn nhỏ lửa lại và thêm tiếp 1/2 muỗng canh muối , 1/2 muỗng canh hạt nêm hạt nêm chay, 1 muỗng canh nước tương, 2 muỗng canh dầu màu điều vào khuấy đều cho các gia vị tan hoàn toàn.
  • Cuối cùng, cho cà rốt tỉa hoa vào nồi, tiến hành nấu đến khi nước trong nồi sôi trở lại thì nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp.

Hoàn thành

  • Bắc chảo lên bếp, cho 3 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng và cho hành tím vào chảo để phi vàng thơm. Vớt và để ráo khi đạt được độ vàng và thơm như mong muốn
  • Xếp hủ tiếu ra tô, cho giá, hẹ và 1 ít hành tím phi lên trên sau đó chan nước dùng lên trên, dùng kéo cắt 1 ít ngò gai, húng quế, rau ôm và ớt lên trên sau đó trang trí lại cho đẹp mắt là hoàn thành.

Thành phẩm

So với cách nấu hủ tiếu chay Sa Đéc thì cách nấu hủ tiếu bò kho chay có phần cầu kỳ hơn trong công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Nhưng thành quả cho ra là một món ăn ngọt thanh cùng các topping nấm rơm dai dai, đậu hũ bùi béo giòn ăn kèm rau sống tươi mát. Vậy còn chần chừ gì mà không vào bếp và thử ngay cách nấu hủ tiếu chay này! 

Cách nấu hủ tiếu bò kho chay

Xem thêm:

Cách nấu hủ tiếu chay khô

Nếu không thích món nước thì bạn có thể thử hủ tiếu chay khô đậm đà hương vị và rất dễ ăn. Điểm cuốn hút của món ăn này chính là sợi hủ tiếu được trộn gia vị mặn ngọt vừa đủ, thưởng thức kèm với chén nước dùng có vị ngọt tự nhiên của rau củ. Tất cả hòa quyện cho ra một tô hủ tiếu khô thơm ngon, lạ miệng để bữa ăn thêm phần phong phú. Cách nấu hủ tiếu chay khô cũng không tốn quá nhiều thời gian, phần pha nước sốt và nước dùng là linh hồn của món nên cần được chú trọng. 

Nguyên liệu

  • Sợi hủ tiếu khô
  • Nấm rơm
  • Nấm đùi gà
  • Nấm đông cô (nấm hương)
  • Xá bấu (củ cải muối)
  • Cải thảo muối
  • Rau sống
  • Gia vị chay

Cách nấu hủ tiếu chay khô

Sơ chế nguyên liệu

  • Nấu sôi 1 lít nước, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn để sợi hủ tiếu không bị dính nhau, thả sợi hủ tiếu vào, trụng mềm khoảng 3 phút, vớt ra rổ.
  • Mang hủ tiếu rửa sơ qua với nước lạnh cho hủ tiếu giữ độ dai, trộn thêm với 1 muỗng cà phê dầu ăn cho hủ tiếu tơi và có độ bóng đẹp mắt
  • Nấm đông cô tươi và nấm rơm dùng dao cạo sạch phần đất dơ ở gốc chân, rửa sơ qua nước lạnh, mang ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng 2 phút rồi rửa sạch lại, cắt làm đôi.
  • Nấm nấm đùi gà, xá bấu ngâm với nước muỗi pha loãng, rửa sạch lại, cắt thành lát dọc thân nấm dài khoảng 3 cm.

Hầm nước dùng & xào xá bấu

  • Nấu sôi 1,5 lít nước cùng hành tây, cho các loại nấm vào nấu khoảng 15 phút.
  • Nêm nếm cho phù hợp với khẩu vị.
  • Xào xá bấu và nêm nếm với hạt nêm, vớt ra để nguội.

Pha nước sốt

Nấu 3 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh nước mắm chay, 1 muỗng canh hành tây xắt hạt lựu, 1 muỗng canh đường cho đến khi đặc sệt lại.

Trình bày

  • Cho hủ tiếu đã trụng ra tô và trộn đều với phần nước sốt trên. Thêm lên trên là nấm, xá bấu, tỏi phi và rau sống.
  • Múc thêm 1 chén nước dùng thanh ngọt ăn kèm. 

Thành phẩm

Vậy là chúng ta đã hoàn thành món hủ tiếu chay khô đậm đà và cực kỳ dễ ăn. Cách nấu hủ tiếu chay này khá đơn giản, không cần nhiều kỳ công nên bạn có thể nấu vào những ngày nghỉ để gia đình cùng thưởng thức. 

Cách nấu hủ tiếu chay khô

Xem thêm:

Hủ tiếu chay là món ăn quen thuộc và thanh đạm của các tín đồ ăn chay. Khác với hủ tiếu mặn, hủ tiếu chay cần nhiều bí quyết hơn nhất là trong khâu nấu nước dùng để món ăn trở nên hoàn hảo, thanh ngọt.

Bí quyết nấu hủ tiếu chay ngon

Cách trụng hủ tiếu dai ngon, không bị bở

Để sợi hủ tiếu trong món hủ tiếu chay được dai hơn, bạn cần lưu ý:

  • Tách hủ tiếu ra thành những sợi rời để dễ trụng hơn. Với sợi hủ tiếu dài, nên cắt ngắn lại khoảng 20-30 cm để vừa ăn.
  • Ngâm hủ tiếu với nước lạnh. Cách này giúp hủ tiếu nhanh mềm hơn. Tuy nhiên, chỉ nên ngâm nhanh vài phút. Ngâm hủ tiếu quá lâu sẽ khiến hủ tiếu bị bở.
  • Trụng hủ tiếu với nước sôi rồi cho vào một tô nước lạnh, đến khi hủ tiếu nguội thì mới lấy ra thì hủ tiếu sẽ không bị bở mà dai giòn, ăn ngon hơn.

Cách chọn mua nấm tươi ngon

Với cách nấu hủ tiếu chay thì phần nấm rất quan trọng và gần như là “linh hồn” của món ăn. Khi chọn mua nấm, tùy theo sở thích mà bạn chọn nấm tươi hoặc khô. Mỗi loại nấm cũng có cách lựa chọn khác nhau, chẳng hạn như:

  • Nấm rơm: Với nấm tươi, nên chọn nấm còn búp, chưa nở, có kích thước đồng đều, sờ và bóp nhẹ cảm thấy nấm hơi cứng. Còn với nấm rơm khô thì nên ngửi xem có mùi mốc không, quan sát xem có dấu hiệu bất thường không.
  • Nấm đông cô (nấm hương): Nên chọn nấm có hương thơm tự nhiên, kích thước vừa phải, chân nấm ngắn, phần mũ cúp chặt và có thể ngả màu vàng nâu hoặc nâu sậm.
  • Mộc nhĩ đen (nấm mèo): Hãy ưu tiên chọn mộc nhĩ khô vì mộc nhĩ đen ở dạng tươi dễ chứa morpholine – hợp chất nhạy cảm với ánh sáng, khiến bạn cảm thấy ngứa, khó chịu khi ăn. Với mộc nhĩ đen khô, nên mua loại có tai to, dày, màu hổ phách sậm, hơi bóng ở mặt trên và có màu cà phê sữa ở mặt dưới. Phần gốc mộc nhĩ có ít gốc nấm con.
  • Nấm tuyết: Nấm tuyết vàng nhạt sẽ giá trị dinh dưỡng sẽ cao hơn so với nấm tuyết trắng. Khi mua nấm tuyết, nên chọn loại không bị rách, có hình dạng hoàn chỉnh, không có nấm mốc trên bề mặt và không có mùi chua, các mùi lạ là được.

Nói là thế nhưng thực chất cách nấu hủ tiếu chay không quá phức tạp. Bạn chỉ cần một chút khéo léo và bí quyết hay trong quy trình nấu nước dùng củ quả là đã có thể hoàn thành món ăn thành công rồi đấy. Chúc bạn thành công và thật ngon miệng nhé!

Bài viết liên quan