Khi yêu nhau, người ta thường mơ về chuyện về chung một nhà, dành mọi sự tốt đẹp cho đối phương. Thậm chí, người ta không tiếc tất cả, chỉ mong đối phương hạnh phúc. Ấy vậy mà sau khi hết tình cảm với nhau, người ta lại nghĩ đến chuyện tranh chấp tài sản sau ly hôn. Dù đau lòng nhưng đây vẫn là sự thật cần chấp nhận. Vậy thì phải làm gì để tránh các tranh chấp này và có thể buông tay nhau trong êm đẹp?
Ngồi lại nói chuyện thẳng thắn
Nếu cả hai thuận tình ly hôn, bạn có thể yêu cầu đối phương ngồi lại cùng nhau để nói về câu chuyện tài sản sau ly hôn sẽ được phân chia như thế nào, ai sẽ là người nuôi con, các quyền hay thỏa thuận giữa hai bên với nhau. Chắc chắn, ai cũng muốn có thể trở thành bạn hoặc ly hôn trong êm đẹp chứ không phải chuyện tranh chấp tài sản sau ly hôn. Do đó, cứ thử yêu cầu đối phương ngồi lại nói chuyện cùng mình để tìm hướng giải quyết tốt nhất, bạn nhé!
Nhờ đến luật sư để không thiệt thòi
Một số người vì quá tin tưởng hoặc không có đủ kiến thức pháp luật sẽ đồng ý với đề xuất của đối phương về cách phân chia tài sản sau khi ly hôn. Tuy nhiên, nếu vợ hoặc chồng của bạn đang muốn chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý nói dối bạn, thuyết phục bạn nhận tài sản ít hơn so với những gì bạn xứng đáng được nhận, bạn có thể nhờ luật sư tư vấn để biết cụ thể số tài sản mà mình có thể nhận được. Như vậy khi tranh chấp tài sản sau ly hôn, bạn có thể tránh bị thiệt thòi và mất phần tài sản lẽ ra sẽ thuộc về mình.
Tôn trọng quyết định của tòa án
Nếu sau nhiều lần nói chuyện vẫn không thể đưa ra phương án giải quyết cuối cùng hoặc đối phương không chịu hợp tác, không cùng ngồi lại để đưa ra hướng giải quyết, bạn có thể để tòa án quyết định về vấn đề phân chia tài sản sau khi ly hôn của mình. Chỉ cần tôn trọng quyết định của tòa án là bạn đã có thể hạn chế tình trạng tranh chấp tài sản sau ly hôn rồi đấy!
Thủ tục giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn chung của vợ chồng
Nếu bạn vẫn chưa biết thực hiện các thủ tục giải quyết tranh chấp tài sản như thế nào, có thể tham khảo các bước dưới đây:
- Nộp đơn yêu cầu ly hôn tại toà án cấp huyện nơi bị đơn cư trú. (Hoặc có thể thoả thuận nộp đơn nơi nguyên đơn cư trú theo quy định tại Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015).
- Hồ sơ cần có bao gồm: Đơn trình xin ly hôn, CMND/CCCD, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, chứng cứ liên quan đến tài sản.
- Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn.
- Nộp tạm ứng án phí sơ thẩm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
- Tòa án tổ chức hoà giải.
- Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, Quyết định công nhận hòa giải thành hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Quy định về vấn đề tranh chấp tài sản sau ly hôn của pháp luật
Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn sẽ chia đôi nhưng có thể căn cứ theo các yếu tố khác để quyết định phần tài sản sau ly hôn. Cụ thể, các yếu tố ảnh hưởng đến tài sản tranh chấp gồm có:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tranh chấp tài sản sau ly hôn là chuyện không ai hy vọng. Nếu chẳng may không thể bước cùng nhau được nữa, hãy bình tĩnh và giải quyết mọi thứ trong êm đẹp, bạn nhé!