1. Không nên tiếc của
Việc đầu tiên mẹ nên làm là xác định những món đồ chơi nào mà bé không yêu thích hay không dùng đến nữa thì hãy đem bán hoặc cho những bé cần chúng. Bạn chỉ cần giữ lại những món nào mà bé thật sự thích. Mẹ không nên vì tiết kiệm mà giữ lại hết, điều này chỉ khiến nhà cửa thêm chật chội thôi. Và đây là nguyên tắc hàng đầu để nhà mẹ trở nên gọn gàng hơn đấy!
2. Sử dụng thùng chứa đồ đạc
Đây là một nơi tốt nhất để chứa đồ vật của bọn trẻ. Mẹ nên đặt trong góc phòng của bé những cái thùng hoặc giỏ (nếu cần hãy dán lên đó mảnh giấy phân loại đồ chơi) sẽ giúp cho bé dễ dàng hơn trong việc bỏ đồ đạc vào, dọn dẹp một cách đơn giản nhất. Bé chỉ việc quẳng đồ chơi vào thùng sau khi bé chơi xong.
3. Sắm kệ để đồ riêng cho bé
Mẹ nên sắm cho bé những chiếc kệ để đồ. Vì chắc chắn bé cũng sẽ có những đồ vật linh tinh và chiếc kệ đó sẽ phát huy tác dụng của mình mà lại không tốn diện tích căn phòng của bé. Hoặc khi bé còn rất nhỏ thì mẹ cũng nên hạn chế để đồ đạc rải rác khắp nhà mà hãy đặt trong khu vực nhất định. Điều này sẽ làm cho căn nhà mẹ trở nên gọn gàng hơn.
4. Chừa lại một ít không gian
Khi mẹ sắp xếp lại nhà cửa thì hạn chế nhét đầy các ngăn kéo, tủ đồ hoặc cả căn phòng vì thói quen này sẽ khiến nhà cửa càng trở nên chật chội. Mẹ hãy chừa lại một ít khoảng trống xung quanh các đồ vật, mọi thứ sẽ trở nên dễ thở hơn là một căn phòng ngập đồ chơi. Khi căn phòng có một vài khoảng trống sẽ giúp ích cho mẹ hơn nếu sau này mẹ muốn bổ sung một vài thứ cần thiết.
5. Các vị trí “tập kết” cụ thể
Đây là một điều rất quan trọng khi bạn nhắc nhở và yêu cầu trẻ cất đồ chơi, sách bút. Hãy chắc chắn rằng đồ chơi, sách, quần áo của trẻ,… đều có một vị trí cụ thể để trẻ biết có thể lấy và cất chúng ở đâu. Bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để tổ chức và sắp xếp cho trẻ, giúp trẻ có thể dễ dàng đặt và xếp đồ dùng vào đúng nơi, đúng chỗ được quy định.
6. Sắp xếp nơi để lưu giữ giấy tờ quan trọng
Thói quen này sẽ giúp mẹ đỡ vất vả hơn trong trường hợp tìm kiếm lại giấy tờ quan trọng cho gia đình. Do vậy, mẹ cần có một ngăn đựng riêng giấy tờ của cả nhà và đặc biệt là một ngăn dành riêng những giấy tờ của bé. Vì càng ngày bé sẽ có thêm nhiều giấy tờ, hồ sơ và các loại bằng, nếu mẹ không phân biệt để chung các loại giấy tờ thì sẽ có lúc rối lên vì không biết thứ cần tìm ở đâu.
7. Lập bảng danh sách
Mẹ không cần phải ngày nào cũng “mở loa phát thanh” nhắc trẻ những việc phải làm mỗi ngày vì điều đó chỉ khiến bé căng thẳng hơn và không muốn làm.Với bảng danh sách được mẹ chuẩn bị và treo ở những nơi mà bé có thể nhìn thấy dễ dàng nhất, đây sẽ là một cách vô cùng hữu hiệu để nhắc nhở và tạo động lực làm việc cho bé.
8. Thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho trẻ
Luôn khuyến khích và nhắc trẻ nhặt đồ chơi thường xuyên nêu mẹ không muốn căn phòng như vừa phải trải qua một trận bão lớn. Trong trường hợp trẻ không chịu dọn dẹp và nhất định để đồ chơi rơi khắp nhà thì mẹ có thể sử dụng biện pháp “mạnh”, đó là nếu con không nhặt đồ chơi thì những món đồ đó thì sẽ bị tịch thu. Chắc chắn là trẻ sẽ không muốn bị mất những món đồ chơi yêu thích nên sẽ tự dọn dẹp gọn gàng. Mẹ lưu ý là không được mềm lòng, tự phá hủy “nguyên tắc” của mình đặt ra đấy nhé!
9. Dạy con cách dọn dẹp nhà cửa
Thay vì la mắng quát tháo con ầm ĩ vì sự bừa bộn thì bạn nên học cách bình tĩnh, yêu cầu bé dọn dẹp lại những gì bé đã làm. Mặc dù điều đó có khi sẽ mất thời gian hơn hoặc bé vừa làm vừa chơi nhưng mẹ vẫn phải để bé tự làm. Vì ít ra bé cũng hiểu được trách nhiệm của mình trong ngôi nhà này.
10. Tránh nhượng bộ với trẻ khi không cần thiết
Khi mẹ dẫn bé đi siêu thị thì chắc hẳn mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc từ chối bé khi bé cực kỳ thích mua một món gì đó. Nếu mẹ cứ chiều theo bé thì căn nhà mẹ sẽ càng trở nên bừa bộn hơn. Vì vậy, mẹ không nên nhượng bộ bé nhưng cũng đừng từ chối không mua gì cho bé hết. Mẹ có thể “đánh lạc hướng” trẻ bằng cách dẫn trẻ đến một khu yên tĩnh hơn trong siêu thị và giải thích cho bé rằng tới sinh nhật hoặc dịp lễ đặc biệt mẹ sẽ mua cho bé những thứ tuyệt vời hơn là cái này.
11. Không nên dồn việc dọn dẹp vào cuối tuần
Nếu mẹ nghĩ việc dọn dẹp nhà cửa nên để vào ngày cuối tuần vì lúc đó sẽ có nhiều thời gian hơn thì đó là một sai lầm. Trên thực tế, nhà cửa sẽ gọn gàng hơn nhiều nếu mẹ áp dụng việc dọn dẹp vào mỗi ngày và đừng quên tổng kết lại mọi việc vào cuối ngày nhé! Trước khi đi ngủ mẹ hãy nhắc trẻ quan sát xung quanh nhà xem có còn đồ vật, đồ chơi, sách vở chưa được xếp gọn hay không. Nếu bé làm biếng thì mẹ hãy nói rằng:“Nếu con cảm thấy việc thu xếp gọn gàng này khó khăn vì con có quá nhiều đồ chơi thì bố mẹ rất vui lòng gửi tặng chúng cho những bạn nhỏ không có nhiều đồ chơi như con nhé!” Mặc dù không vui khi nghe thấy điều này nhưng đây sẽ là một cách khiến trẻ đi vào nề nếp nhanh hơn và chịu khó thu dọn, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp hơn.
12. Mua ít đồ đạc
Tại sao lại không nhỉ? Duy trì thói quen chỉ mua những món đồ thực sự cần thiết không chỉ giúp mẹ hạn chế thời gian dọn dẹp mà còn tiết kiệm được một số tiền kha khá và trẻ cũng sẽ không có nhiều thứ để vứt đi, chắc chắn chúng sẽ yêu quý, trân trọng những món đồ hơn những món đồ mình đang có.
13. Có phần thưởng xứng đáng cho trẻ
Nếu bé có thể tự dọn dẹp phụ mẹ thì bạn đừng quên những chuẩn bị những phần thưởng nho nhỏ. Ngay cả khi bé làm không tốt như những gì mẹ mong đợi thì cũng nên hào phóng “tặng quà” cho bé để khích lệ tinh thần nhé. Các phần thưởng không cần quá to lớn, đơn giản chỉ là một lời khen, một cây kem, hay bé sẽ được xem ti vi thêm 30 phút hoặc là cuối tuần mẹ cho bé đi công viên chơi.
Nếu mẹ thực hiện theo các việc đơn giản ở trên, mẹ sẽ nhận thấy một sự khác biệt rất lớn trong nhà mình. Do đó, bạn cũng không nên đòi hỏi ở trẻ một sự hoàn hảo ngay tức thì, thay vào đó mẹ hãy dành thời gian và một chút công sức để giúp trẻ và tạo động lực cho trẻ mỗi ngày. Như vậy tổ ấm sẽ không khiến mẹ mệt mỏi mỗi khi đi làm về.