Mẹ và Con - Khi đề cập đến vấn đề này, không ít phụ huynh còn ngần ngại việc cho trẻ nuôi thú cưng vì nhiều vấn đề lo ngại về sức khỏe. Vậy, có nên cho trẻ nuôi vật nuôi hay không?

Xu hướng của nhiều gia đình hiện nay là cho trẻ nuôi các loại thú cưng để giải trí, làm bạn với trẻ. Vậy, có nên cho trẻ nuôi vật nuôi hay không? Nếu được nuôi thì loại thú cưng nào sẽ phù hợp với trẻ nhỏ? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay, mẹ nhé.

nuôi thú cưng

13 lợi ích khi cho trẻ nuôi thú cưng

1. Sống có trách nhiệm hơn

Theo chia sẻ từ tạp chí Womanitely, việc nuôi thú cưng chính là bí quyết để bố mẹ dạy trẻ sống có trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh. Thú cưng cần được quan tâm và để mắt mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, khi nuôi thú, trẻ cần phải học cách chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc thú cưng như cho thú ăn, tắm cho thú,…

Dần dần, trẻ sẽ hình thành ý thức trách nhiệm với con vật đó, hiểu được hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến thú nuôi ra sao. Điều này nếu được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ trở thành thói quen của con. Bài học về trách nhiệm sẽ được trẻ tiếp thu đơn giản như thế đấy, mẹ ạ.

2. Kỷ luật tốt hơn

Mẹ có biết, đồng ý cho trẻ nuôi thú cưng trong nhà sẽ giúp con rèn luyện tính kỷ luật tốt hơn? Khi nuôi bất kỳ vật nuôi nào, trẻ cũng cần dạy cho vật nuôi những nguyên tắc cơ bản như chỗ đi vệ sinh của vật nuôi hay việc vật nuôi phải lắng nghe và hiểu những hiệu lệnh cơ bản của trẻ.

Việc này sẽ giúp trẻ xây dựng thói quen làm mọi việc theo kỷ luật, nguyên tắc đã được đặt ra.

3. Cam kết và uy tín

Khi xin bố mẹ nuôi thú cưng, trẻ thường hứa với bố mẹ sẽ chăm sóc thú cưng thật tốt, sẽ chăm lo học hành, sẽ ngoan ngoãn,… Đây chính là cam kết giữa bé và bố mẹ mà trẻ buộc phải thực hiện.

Hơn nữa, bố mẹ cũng cần chia sẻ với trẻ rằng nuôi bất kỳ một con vật nuôi nào là một việc làm kéo dài. Trẻ không được phép chỉ nuôi vật nuôi khi thấy nó còn nhỏ, còn đáng yêu và sau đó thì bỏ rơi nó.

Vì thế, việc đồng ý cho trẻ có thể chăm sóc vật nuôi sẽ giúp con tập được cách xây dựng uy tín cũng như giữ được những cam kết của mình với người khác.

4. Tìm hiểu về hậu quả

Khi vật nuôi không được cho ăn, không được trẻ để mắt đến, chúng sẽ có những biểu hiện như lừ đừ, mệt mỏi, ốm yếu… Trẻ có thể dễ dàng nhận ra được những dấu hiệu này và hiểu hơn về hậu quả nếu mình không làm theo cam kết ban đầu đã đặt ra khi muốn nuôi thú cưng. Từ đó, trẻ sẽ ý thức hơn về hậu quả khi mình làm sai một việc nào đó.

cho trẻ nuôi thú

5. Cải thiện kỹ năng đọc – nói

Khi trẻ trong giai đoạn tập nói hoặc giai đoạn tập đọc, cần phải đọc sách và phát âm thành tiếng, nhiều trẻ vì ngại ngùng, sợ bố mẹ hay người lớn chê cười nên không muốn tập đọc hoặc tập nói trước mặt mọi người.

Vì thế, trẻ sẽ tìm đến người bạn nhỏ của mình để… trò chuyện, đọc sách. Mẹ có thể thấy, trẻ sẽ nói chuyện cũng như đọc lưu loát hơn sau một thời gian nuôi thú cưng.

6. Giảm căng thẳng

Chó mèo có thể mang đến cho trẻ cảm giác an toàn để trẻ có thể chia sẻ những “bí mật thầm kín” của mình như bị cô giáo la, mẹ buộc học chữ cái nhưng bé không thể học thuộc. Ngoài ra, việc vuốt ve ôm ấp thú cưng cũng là một cách xoa dịu những áp lực trong trẻ, giảm thiểu căng thẳng con đang gặp phải.

7. Bình tĩnh

Người nuôi thú cưng thường có cảm giác bình yên hơn với những thứ xung quanh. Có thể nói, vật nuôi như một liều thuốc để ủi an những cảm xúc tiêu cực trong lòng.

Theo TS Melson (Đại học Purdue ở Ấn Độ), hơn 40% trong số trẻ em được hỏi về việc trẻ sẽ làm gì khi buồn hoặc khi tức giận cho rằng trẻ sẽ chia sẻ những cảm xúc đó với thú cưng. Vì thế, khi bé buồn vì hôm nay bị bố mẹ trách phạt, bé tức giận khi cãi nhau với bạn bè, bé có thể chơi cùng thú nuôi để bình tĩnh hơn.

8. Vận động và chơi đùa

Khi trẻ nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, trẻ sẽ tham gia những hoạt động cùng thú cưng như dắt chó đi dạo, chơi ném đĩa cùng chó. Những việc này kích thích trẻ hoạt động và chơi đùa nhiều hơn, tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

9. Giảm khả năng mắc dị ứng và hen suyễn

Tạp chí Clinical and Experimental Allergy từng công bố một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ lớn lên với một con thú nuôi trong nhà sau này sẽ giảm một nửa khả năng mắc phải các bệnh dị ứng nghiêm trọng.

cho trẻ nuôi thú cưng

Có thể thấy, nuôi thú cưng và tiếp xúc ở mức độ vừa phải với lông vật nuôi trước một tuổi giúp trẻ em phát triển hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn.

10. Sự tự tin

Việc thành công khi nuôi thú cưng, điển hình nhất chính là một chú mèo con ngày càng mập mạp hay một chú chó đã nhận biết những “lệnh” cơ bản và làm theo, trẻ sẽ có cảm giác có được một thành tựu trong đời. Điều này giúp con tự tin hơn trong cuộc sống.

11. Biết cách yêu thương, chăm sóc người khác

Trong thế giới hiện đại ngày nay, trẻ em dường như không có cơ hội để chăm sóc người khác mà chỉ được tiếp thu sự chăm sóc của bố mẹ, người thân. Việc nuôi thú cưng sẽ giúp trẻ học được cách chăm sóc một người như thế nào. Lúc này, con sẽ biết được những đức tính nào cần để chăm sóc và yêu thương người khác, ví dụ như sự kiên nhẫn khi cho thú cưng ăn lúc bệnh hay sự tỉ mỉ trong việc lựa chọn thức ăn chẳng hạn.

chó

12. Giúp trẻ gần gũi hơn với các thành viên trong gia đình

Nuôi thú cưng giúp trẻ sống tình cảm hơn, từ đó dành sự quan tâm và tình cảm của mình với mọi người nhiều hơn.

Ngoài ra, khi cả nhà cùng nhau nuôi một con vật nào đó, mọi người sẽ có nhiều đề tài chung để chia sẻ cùng nhau. Việc này giúp kết nối các thành viên trong gia đình, để mọi người thêm gắn kết với nhau.

13. Hỗ trợ việc học tập của trẻ

Nuôi vật nuôi trong nhà thì có ảnh hưởng gì đến việc học của trẻ? Khi được nuôi thú cưng, trẻ sẽ có thể giảm thiểu áp lực, căng thẳng trong học tập, từ đó học tốt hơn.

Ngoài ra, trẻ cũng phải cam kết với bố mẹ sẽ ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập thì mới được sở hữu một chú chó, một em mèo trong gia đình. Điều này giúp tăng động lực học tập cho trẻ.

Cho trẻ nuôi thú cưng có nguy hiểm không?

Trên thực tế, bất kỳ việc nào cũng có hai mặt của vấn đề, việc nuôi thú cưng cũng vậy. Một số trường hợp, thú nuôi có thể tấn công trẻ như chó cắn trẻ hoặc móng vuốt của mèo làm xước da trẻ.

Bên cạnh đó, lông vật nuôi có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ hoặc nếu không được vệ sinh sạch sẽ có thể lây lan vi khuẩn, virus vào trong cơ thể trẻ.

5 thú cưng phổ biến, phù hợp cho trẻ nuôi trong nhà

1. Cá

Nếu không có quá nhiều thời gian để hướng dẫn con, cùng con nuôi thú cưng, bạn có thể đầu tư cho trẻ một chiếc hồ nhỏ, một vài chú cá được thả trong chiếc hồ có những viên sỏi sắc màu. Chắc chắn trẻ sẽ rất thích đấy nhé.

cá

Một số loại cá dễ nuôi, nhiều màu sắc và có giá thành rẻ mà mẹ có thể cân nhắc gồm có cá bảy màu, cá tứ vân, cá cánh bướm…

2. Chim

Việc nuôi một chú chim nhỏ sẽ mất nhiều thời gian hơn của bé. Tuy nhiên, việc này có thể rèn cho con khả năng quan tâm, chăm sóc vật nuôi tốt hơn. Vì thế, mẹ có thể chọn các loài vẹt, sáo, chích chòe… thông minh, thân thiện với con người để làm bạn cùng bé yêu.

3. Chó

Bên cạnh những đức tính như biết lắng nghe, yêu thương chủ, trung thành, những chú chó cũng rất quấn chủ và khiến người khác cảm thấy an toàn khi ở cạnh. Vì thế. nếu trẻ muốn được nuôi thú cưng, mẹ có thể lựa chọn cho con những chú chó như abrador, pug (mặt xệ), golden, poodle, chó Nhật xù, maltipoo, chó phốc sóc, chihuahua…

4. Mèo

Một chú mèo đáng yêu, có thể tự chơi một mình hoặc quanh quẩn làm nũng, cọ vào lòng bàn tay của bé chắc chắn sẽ là một người bạn thân thiết với con. Vì thế. mẹ có thể cho bé tập nuôi mèo đấy nhé.

5. Loài gặm nhấm

Nếu bé muốn nuôi thú cưng, mẹ có thể cân nhắc cho con nuôi các loài động vật có vú mang kích thước nhỏ bé (chuột hamster, chuột lang, chuột nhảy,…). Các loài động vật này không cần tốt nhiều thời gian chăm sóc, chỉ cần một không gian nhỏ để phát triển nên rất phù hợp cho các bé mới tập làm quen với việc nuôi thú.

Cho trẻ nuôi thú cưng cũng là một cách để con học tập và phát triển những kỹ năng của mình. Vì thế, bố mẹ đừng ngần ngại khi trẻ muốn nuôi thú cưng nhé!

Bài viết liên quan