Vì thế, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo về những người mắc bệnh lý nền có ảnh hưởng lớn đến mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19. Đó là những bệnh lý nền nào?
Các nhóm bệnh lý nền ảnh hưởng đến quá trình điều trị Covid-19
1. Bệnh phổi
Covid-19 là một loại virus đường hô hấp tồn tại với mật độ cao ở mũi, khí quản và đường hô hấp. Thậm chí, loại virus nguy hiểm này còn có thể di chuyển sâu hơn, từ phổi vào đến phế nang và gây ra hội chứng ARDS – suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng.
Do đó, những người mắc các bệnh lý nền liên quan đến phổi như COPD – bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, giãn phế quản, xơ phổi,… sẽ có nguy cơ trở nặng cao nếu chẳng may mắc Covid-19.
2. Ung thư
Trong nhóm các bệnh lý nền ảnh hưởng đến quá trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân mắc Covid-19 không thể không kể đến nhóm bệnh ung thư, đặc biệt là bị ung thư phổi.
Người bị ung thư thường trải qua các đợt xạ trị, hóa trị dẫn đến cơ thể yếu ớt, suy giảm hệ miễn dịch. Do đó, việc điều trị SARS-CoV-2 sẽ khó khăn hơn.
3. Bệnh thận
Bệnh thận mãn tính (CKD) là một bệnh lý nền có thể tăng nguy cơ trở bệnh nặng và thậm chí tử vong với người mắc Covid-19. Trong đó, những người chạy thận thường là những người có nguy cơ tổn thương nặng hơn bởi người bị bệnh thận thường đã bị suy giảm hệ miễn dịch để chống chọi với Covid-19.
Hơn nữa, chức năng của phổi, tim và thận có liên quan mật thiết đến nhau. Do đó, người bị ảnh hưởng chức năng phổi do Covid-19 sẽ khiến bệnh thận nghiêm trọng hơn và ngược lại, dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn. Một vài nghiên cứu tại Kidney International trong năm 2020 cho thấy, những người có bệnh thận từ trước có nguy cơ tử vong cao gấp đôi khi nhiễm SARS-CoV-2.
4. Bệnh tim mạch
Phổi và tim có liên kết chặt chẽ với nhau, nên khi bạn gặp các vấn đề về hô hấp, hệ tim mạch của bạn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Đồng thời, người có bất kỳ bệnh lý nền nào liên quan tim mạch như suy tim, huyết áp cao… sẽ dễ bị trở nặng khi nhiễm Covid-19.
5. Hội chứng Down
Vào tháng 12.2020, CDC đã bổ sung hội chứng Down vào danh sách những bệnh lý nền có khả năng làm tăng nguy cơ chuyển biến xấu cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
6. Tiểu đường
Tiểu đường được xem là một bệnh lý nền có ảnh hưởng nghiêm trọng với người dương tính Covid-19. Cho dù bạn bị tiểu đường thai kỳ, tiểu đường loại 1 hay tiểu đường loại 2 thì nguy cơ biến chứng do Covid-19 cũng cao hơn. Đây được xem như lời cảnh tỉnh cho những người thường xuyên dung nạp các loại đồ ngọt, chất béo, ít vận động, tập thể dục,…
7. Bệnh hồng cầu hình liềm (Thalassemia)
Với những người mắc bệnh rối loạn huyết sắc tố (hồng cầu hình liềm và bệnh thalassemia – tan máu bẩm sinh), nguy cơ gặp biến chứng, tình hình bệnh diễn biến xấu, thậm chí khả năng tử vong cũng cao hơn.
8. Suy giảm hệ miễn dịch
Những người từng trải qua ghép tạng hay tủy sống, người nhiễm HIV, người sử dụng các loại thuốc làm suy giảm miễn dịch như corticosteroid,… thường dễ trở nặng khi dương tính với SARS-CoV-2.
9. Bệnh gan
Bệnh gan mạn tính cũng nằm trong nhóm bệnh lý nền có ảnh hưởng đến bệnh nhân mắc Covid-19. Người mắc bệnh gan mạn tính như gan nhiễm mỡ hay xơ gan sẽ dễ bị tổn thương và có nguy cơ tử vong cao hơn nếu chẳng may mắc các loại bệnh khác, đặc biệt là Covid-19.
10. Rối loạn thần kinh
Các chứng bệnh về thần kinh như bệnh đa xơ cứng, Parkinson hoặc chứng mất trí nhớ thể Lewy (DLB)… sẽ làm người bệnh rối loạn phản xạ nuốt, giảm phản xạ ho, suy yếu cơ hô hấp. Vì thế, tình trạng bệnh Covid-19 của những người bị rối loạn thần kinh cũng dễ dàng diễn biến xấu hơn.
11. Thừa cân
Thừa cân được ghi nhận là một trong những bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng khi nhiễm Covid-19. Đây cũng chính là lý do những người thừa cân, béo phì, gan nhiễm mỡ,… thường mắc Covid-19 kéo dài, khó điều trị và cũng như dễ tử vong hơn.
Bên cạnh 11 bệnh lý nền được liệt kê bên trên, CDC cũng thông tin thêm, người trên 65 tuổi, người có tiền sử hút thuốc lá và phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ chuyển biến nặng hơn khi mắc Covid-19.
Bảo vệ sức khỏe mùa Covid-19
Dịch bệnh bùng nổ từ cuối năm 2019 và kéo dài xuyên suốt 2020, 2021 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta. Kinh tế sụt giảm, sức khỏe tinh thần kiệt quệ, rối loạn lo âu vì luôn sợ mình nhiễm bệnh, khủng hoảng tâm lý hay rơi vào hội chứng sốt cabin vì phải ở nhà quá lâu…
Để đẩy lùi dịch bệnh, người có bệnh lý nền hay không cũng cần chúng tay bảo vệ sức khỏe chính mình cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm thiểu tình trạng bệnh diễn biến nặng. Một số phương pháp tuy cũ nhưng vô cùng hiệu quả mà bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Thực hiện thông điệp 5K: Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế chính là “lá chắn thép” được Bộ Y tế chia sẻ nhằm giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ trở thành F0.
- Ăn uống lành mạnh: Hãy chú ý xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều thức ăn bổ sung vitamin C và các nhóm dưỡng chất thiết yếu để tăng cường sức đề kháng. Không ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt, nước có gas hay sử dụng các loại chất kích thích.
- Tập thể dục: Tập thể dục giúp bạn tránh nguy cơ tiểu đường cũng như béo phì, hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý nền nguy hiểm.
- Lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, không thức khuya, cai thuốc lá,… là những bí quyết đơn giản bạn có thể áp dụng để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch.
Người mắc bệnh lý nền sẽ dễ có nguy cơ trở nặng hoặc tử vong khi trở thành F0. Vì thế, tốt nhất hãy bảo vệ sức khỏe của mình để cùng nhau chiến đấu với dịch bệnh bạn nhé! Và đừng quên chia sẻ bài viết đến gia đình, bạn bè, người thân để cùng nhau giữ sức khỏe tốt nhất trong thời điểm khó khăn này!