Mẹ và Con - Nhổ răng khôn là một cụm từ vô cùng ám ảnh với nhiều người bởi lẽ chúng ta thường nghe kể rằng, chi phí nhổ răng khôn rất đắt, sau khi nhổ lại đau đến không ăn uống được gì. 

Liệu những gì chúng ta biết xung quanh chuyện nhổ răng khôn có đúng hay không? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!

Hỏi: Răng khôn là gì?

Hàm răng đủ của con người là có 32 răng, bao gồm cả 4 chiếc răng khôn. Vậy, thực chất răng khôn là gì?

Răng khôn hay răng số 8 chính là những chiếc răng hàm được mọc ở vị trí cuối cùng của mỗi bên hàm. Có người chỉ mọc 1-2 chiếc răng khôn, nhưng có người mọc cả 4 răng khôn ở 4 vị trí hàm trên và hàm dưới. Những chiếc răng này thường không mọc cùng lúc với giai đoạn trẻ mọc răng hay thay răng mà chỉ xuất hiện ở người đã trưởng thành, trên 18 tuổi.

Cũng chính là lý do răng khôn mọc sau cùng mà vòm miệng của chúng ta không còn đủ chỗ để răng khôn có thể mọc bình thường, từ đó dẫn đến tình trạng răng mọc ngầm, mọc lệch, mọc chen với các răng khác khiến nướu răng sưng tấy, sâu răng bên cạnh, viêm nướu, thức ăn tích đọng gây hôi miệng… Vì vậy, cần nhổ răng khôn để kịp thời ngăn chặn các vấn đề này xảy ra.

răng khôn

Hỏi: Răng khôn có tác dụng gì và khi nào cần nhổ?

Tác dụng của răng khôn

Hiện nay, có khoảng 85% răng khôn bị nhổ bỏ (Theo thống kê từ Tổ Chức Chăm Sóc Răng Miệng Hoa Kỳ) bởi những chiếc răng khôn sẽ không có tác dụng về chức năng nhai hay thậm chí về mặt thẩm mỹ. Nếu không kịp thời nhổ bỏ những chiếc răng này, bạn có thể cảm thấy đau đớn do tình trạng sưng viêm nướu và chân răng kéo dài, phá hủy xương xung quanh chiếc răng này hay thậm chí làm làm xô cả hàm răng còn lại.

Khi nào nên nhổ răng khôn?

Cần nhổ răng khôn kịp thời để không ảnh hưởng đến những chiếc răng khác cũng như không gây đau đớn, khó chịu:

  • Răng khôn cần được nhổ bỏ ngay khi chúng gây nên các biến chứng như đau nhức, nhiễm trùng, sưng đỏ… gây ảnh hưởng đến các răng khác.
  • Nếu chưa có biến chứng nhưng có thức ăn mắc giữa răng khôn và răng bên cạnh cũng cần nhổ răng khôn để ngăn ngừa các biến chứng về sau.
  • Trong trường hợp răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị xương và nướu cản trở nhưng phía đối diện không có răng ăn khớp cũng nên nhổ bỏ để tránh răng khôn trồi dài tới hàm đối diện. Nếu không nhổ răng khôn kịp thời sẽ tạo nên bậc thang giữa các răng, gây nên tình trạng lở loét nướu và hàm răng, nhồi nhét thức ăn vào kẽ răng.
  • Cần nhổ răng khôn khi răng mọc thẳng, đủ chỗ, không bị xương và nướu cản trở nhưng răng dị dạng, nhỏ, có hình dạng bất thường. Nếu để lâu dài, răng khôn này có thể khiến thức ăn giắt vào giữa kẽ răng và răng bên cạnh, gây sâu răng và viêm nha chu cho răng bên cạnh.
  • Khi răng khôn có bệnh nha chu, sâu răng hoặc răng khôn trở thành nguyên nhân của các bệnh toàn thân khác, cần lập tức loại bỏ để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
  • Nếu cần chỉnh hình, trồng răng giả, nên nhổ răng khôn để hiệu quả chỉnh nha được tốt hơn.

nhổ răng khôn

Hỏi: Khi nào không cần hoặc không nên nhổ răng khôn?

Trong các trường hợp dưới đây, răng khôn có thể được giữ nguyên và không cần/không được nhổ đi:

  • Răng mọc thẳng, không xô lệnh, không bị mô xương và nướu cản trở
  • Răng không gây biến chứng
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường, bệnh tim mạch…
  • Răng có liên quan trực tiếp đến một số cấu trúc quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh…

Hỏi: Chi phí nhổ răng khôn bao nhiêu?

Thông thường, phí nhổ răng khôn sẽ cao hơn so với các loại răng khác bởi răng khôn mọc sâu bên trong, thường mọc lệch hoặc mọc ngầm khiến việc nhổ răng phức tạp hơn rất nhiều. Chi phí nhổ răng khôn cũng sẽ phụ thuộc vào “độ khó” của răng, những chiếc răng mọc thẳng, không xô lệch thường có giá nhổ răng khôn thấp hơn so với răng mọc ngầm hoặc lệch qua các vị trí khác.

Khi bạn nhổ răng tại khoa Răng – Hàm – Mặt của các bệnh viện, phí nhổ răng có thể dao động từ 500.000 VNĐ – 2.000.000 VNĐ. Nếu sử dụng Bảo hiểm Y tế, mức phí này có thể thấp hơn. Còn khi nhổ răng tại các phòng khám nha, phí nhổ răng khôn có thể dao động từ 1.000.000 VNĐ – 5.000.000 VNĐ.

chi phí nhổ răng

Hỏi: Nhổ răng khôn có để lại biến chứng không?

Trước khi tiến hành phẫu thuật để loại bỏ răng khôn, các bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn cho bạn về các biến chứng có thể gặp phải sau khi nhổ răng. Một số biến chứng có tính chất nguy hiểm có thể kể đến như:

Chảy máu và sưng đau

Nếu bạn gặp tình trạng chảy máu hoặc sưng đau ở vị trí nhổ răng trong 1-2 ngày, đây là một vấn đề hoàn toàn bình thường. Bạn chỉ cần uống thuốc giảm đau, chườm đá hoặc kiên nhẫn chờ đợi, cơn đau sẽ tự động thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu cơn đau và tình trạng chảy máu kéo dài, điều này có thể do vết thương của bạn đã bị nhiễm trùng. Bạn nên kịp thời thông báo với nha sĩ để được kiểm tra và cho uống thuốc kháng sinh (nếu cần).

Lệch khớp cắn sau khi nhổ răng

Sau khi bạn nhổ răng khôn, những chiếc răng khác có nguy cơ di chuyển, xô lệch, gây nên tình trạng lệch khớp cắn và ảnh hưởng đến những chiếc răng khỏe mạnh khác. Lúc này, chức năng nhai, phát âm và yếu tố thẩm mỹ của răng cũng có thể bị ảnh hưởng nên nha sĩ sẽ đề xuất cấy ghép răng giả bù đắp cho răng bị mất, khắc phục vấn đề lệch khớp cắn.

Tiêu xương ổ răng

Nếu bạn đã nhổ đi nhiều răng, bạn có thể đối diện với tình trạng tiêu xương ổ răng – tình trạng xương ổ răng bị tiêu biến khi có khoảng trống do mất răng hoặc bị vi khuẩn tấn công. Tiêu xương ổ răng có thể làm suy giảm chức năng nhai cũng như gây khó khăn cho phương pháp trồng răng giả sau này. Hơn nữa, tình trạng tiêu xương ổ răng do nhổ răng khôn còn gây nên các vấn đề khác như tiêu xương hàm, răng xô lệch, tụt nướu…

Viêm xương ổ răng

Sau khi bạn nhổ răng khôn sẽ có các cục máu đông hình thành ở vị trí bị nhổ nhằm bảo vệ các xương cơ, mô và dây thần kinh ở vị trí này. Nếu cục máu đông không thể hình thành hoặc bị bong ra sớm, bạn có thể sẽ gặp tình trạng viêm xương ổ răng (viêm ổ răng khô) khiến vị trí nhổ răng khôn đau nhức, có phần xương trắng lộ ra ở nơi nhổ răng, trong miệng có vị khó chịu.

Viêm xương ổ răng không phải một biến chứng quá nguy hiểm nhưng sẽ khiến vị trí nhổ răng khôn lâu lành hơn. Vì thế, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

biến chứng khi nhổ răng

Tổn thương dây thần kinh sinh ba

Đây là một trong những dây thần kinh chính của vùng mặt. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bạn sẽ chịu tình trạng tê mặt, môi, lưỡi, ngứa ran, ăn uống khó khăn và hàng loạt vấn đề khác. Tình trạng này sẽ kéo dài vĩnh viễn nên nếu đây là sai sót của nha sĩ, sẽ có sự can thiệp của pháp lý.

Hỏi: Nhổ răng khôn kiêng gì để mau lành?

Sau khi nhổ răng khôn, bạn cần cẩn thận trong việc ăn uống để vết thương có thể nhanh hồi phục hơn. Nếu ăn những món ăn không phù hợp, vết thương ở vị trí răng vừa nhổ có thể sẽ chảy máu dai dẳng, sưng viêm đau nhức. Một số thực phẩm không nên ăn khi đã nhổ răng khôn thường có:

  • Đồ ăn có vị cay và tính axit: Các loại trái cây có múi như chanh, bưởi; các món ăn lên men như dưa muối, kim chi; các món ăn có ớt hoặc tiêu… đều không nên ăn sau khi vừa nhổ răng.
  • Đồ ăn có kết cấu dính và dai: Kẹo cao su, thịt gà, thịt bò,… thường khó nhai, khiến răng và nướu phải dùng lực mạnh hơn để “xử lý” thức ăn, ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương sau khi nhổ răng khôn.
  • Đồ ăn có kết cấu nhỏ và giòn: Ngũ cốc hoặc các loại bánh giòn, dễ vỡ thành hạt nhỏ (bánh quy, bỏng ngô) có thể rơi vào vết thương mới hình thành ở vị trí răng khôn vừa được nhổ đi khiến vết thương nhiễm trùng khó lành. Hơn nữa, các món ăn này còn cản trở quá trình hình thành máu đông bảo vệ ổ răng sau khi bạn nhổ răng khôn.
  • Đồ ăn quá nóng: Thực phẩm quá nóng sẽ tác động đến cục máu đông bảo vệ vết thương ở vị trí nhổ răng. Vì thế, thức ăn nên được để nguội trước khi sử dụng để vết thương mau lành hơn.
  • Đồ uống có cồn: Rượu bia sẽ làm chậm thời gian vết thương tự lành, khiến bạn cảm thấy cơn đau dai dẳng không dứt. Hơn nữa, đồ uống có cồn khi sử dụng cùng với thuốc giảm đau sẽ làm chậm hiệu quả của thuốc và thậm chí để lại những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của bạn.

nhổ răng khôn kiêng gì

Hỏi: Cần lưu ý gì sau khi nhổ răng khôn?

Sau khi nhổ răng khôn, để vết thương mau lành hơn, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Không nhai quá mạnh
  • Nên chọn các loại thực phẩm mềm, dễ nuốt
  • Không tạo lực hút bằng miệng quá nhiều (không uống nước bằng ống hút hoặc hút thuốc lá)
  • Chườm lạnh lên má ngoài vị trí nhổ răng để tránh vị trí nhổ răng bị sưng (chườm tối đa 2 ngày kể từ ngày nhổ răng)
  • Giữ miệng sạch sẽ: Sau khi nhổ răng 12 giờ, có thể đánh răng và súc miệng nhưng không được chạm vào vết thương)
  • Không tập thể dục quá nặng trong những ngày đầu nhổ răng
  • Kê gối cao hơn trong khi ngủ

Nhổ răng khôn thường có độ khó và nguy hiểm cao hơn so với khi nhổ các răng khác. Tuy nhiên, nếu chăm sóc răng miệng đúng cách sau thì cũng không để lại di chứng nguy hiểm nên đừng quá lo lắng, bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.