M&C Online – Phụ nữ mang thai được uống rượu, trẻ em tự đi bộ đến trường, đàn ông và phụ nữ ngồi tách riêng trong buổi tiệc, v.v. là những điều kì lạ, thú vị về cuộc sống và con người nước Nhật. 3 giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật mẹ nên biết 5 bí quyết về ăn dặm kiểu Nhật

Từ Brooklyn (New York, Mĩ), nhiếp ảnh gia Yoko Inoue đã cùng với chồng và cậu con trai của mình chuyển đến sống tại một vùng nông thôn của Nhật. Tại đây, cô đã có những trải nghiệm rất thú vị về cuộc sống cũng như những so sánh về sự khác nhau giữa quan niệm sống của người Mĩ và người Nhật. Và có 10 điều làm cô phải ngạc nhiên về việc làm mẹ tại đất nước quê hương mình.

Vài nét về Yoko Inoue:

Nhiếp ảnh gia Yoko Inoue lớn lên ở vùng ngoại ô Nhật và chuyển tới New York khi 21 tuổi. “Tôi lúc nào cũng cảm giác mình sinh nhầm đất nước,” cô cho biết. “Ở Nhật mọi người luôn thích được giống nhau, có rất nhiều áp lực để hòa nhập vào cộng đồng ấy, nhưng tôi luôn muốn mình khác biệt. Ở New York, tôi thấy như ở nhà. Bạn phải khác biệt. Ai cũng cố gắng làm mình nổi bật lên.”

Nhưng vào năm 2010, sau 17 năm sống ở New York, ông xã người Mĩ của cô đề nghị gia đình họ chuyển tới sống ở Nhật trong vài năm cùng với cậu con trai Motoki, và Yoko đồng ý. “New York đang ngày càng làm chúng tôi mỏi mệt. Khi về nhà thăm cha mẹ ở vùng quê, chúng tôi lúc nào cũng có khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi muốn con trai mình có thể nói tiếng Nhật và học được nền văn hóa Nhật.” Thế là họ chuyển tới sống ở vùng nông thôn, gần đó có cả núi và sông, cách thành phố Okayama khoảng 15 phút di chuyển.

Những ngày đầu sống ở Nhật, cô cảm giác như ở thiên đường: “Thức ăn ngon, con người tốt bụng, nhịp sống chậm rãi. Tôi nghĩ, điều này thật tuyệt!” Giờ thì Yoko đã sống ở Nhật được hơn 3 năm [tính đến năm 2013] và cô bắt đầu trải nghiệm một số thách thức. “Thật khó để làm mẹ ở xứ này,” cô nói. “Có quá nhiều áp lực để hòa nhập vào, đối lại với việc bạn là một cá nhân độc lập. Nhưng ở mặt khác, cộng đồng gần gũi này cho bạn cảm giác an toàn vô cùng. Motoki có thể ra ngoài chơi và tôi không cần phải trông chừng thằng bé. Thằng bé có thể tin tưởng mọi người, trong khi ở New York, bé phải biết nghi ngờ ngay từ nhỏ. Ở đây, mọi người là gia đình và ai cũng để ý tới thằng bé.”

1.  Mang thai:

Ở New York, khi mang thai Motoki, bác sĩ cảnh báo tôi: “Chị không được ăn sushi, phô mai tươi hay uống cà phê.” Bác sĩ cho tôi mấy viên vitamin đặc biệt. Còn ở Nhật, khi tôi khám thai, bác sĩ chẳng nói gì về chuyện đó. Không có hạn chế nào trong thực đơn hàng ngày. Tôi có lấy tờ rơi ở phòng khám, và trong đó người ta bảo rằng tôi có thể uống vài tách cà-phê mỗi ngày và một li rượu.

2. Kết bạn:

Hầu hết các bà mẹ tôi gặp ở đây đều làm nội trợ. Ở New York, hầu hết phụ nữ tôi biết đều đi làm và có nghề nghiệp trước và sau khi kết hôn cũng như trước và sau khi có con. Tôi vẫn chụp ảnh toàn thời gian, do đó, đôi khi thật khó để làm bạn với các bà mẹ ở đây.

Phải mất vài năm tôi mới biết được rằng các bà mẹ Nhật giao tiếp khác hẳn với các bà mẹ ở Brooklyn. Ở Brooklyn, bạn sẽ gặp một bà mẹ ở sân chơi trẻ em và kể cho cô ấy nghe mọi chuyện về gia đình mình. Bạn có thể cởi mở với mọi người. Điều đó làm tôi cảm thấy như: “Mình không cô đơn, bởi vì ai cũng trải qua những chuyện như vậy.” Còn ở đây, nếu tôi cởi mở, mọi người sẽ nhìn tôi bằng những ánh mắt kì lạ. Tất nhiên, bạn sẽ cảm thấy mình là người duy nhất gặp vấn đề. Nhưng thật ra thì ai cũng vậy cả, chỉ là họ không chia sẻ nó theo cùng một cách thôi. Mọi người ở đây vạch rõ ranh giới giữa việc công và việc tư.

3. Buổi tiệc:

Trong một buổi tiệc gia đình ở Nhật, đàn ông và phụ nữ hoàn toàn bị tách ra. Phụ nữ thường ở dưới bếp nấu nướng và trông chừng bọn trẻ, còn cánh đàn ông thì ở phòng khác uống bia. Tôi chẳng hiểu nổi điều này. Tôi cũng muốn ngồi uống bia nữa! Ở Brooklyn, các bà mẹ và ông bố luôn tham gia cùng nhau. Còn ở đây, các bà mẹ dường như không kết bạn với những ông bố khác.

nuôi con kiểu Nhật

4. Hẹn hò ban đêm:

Hẹn hò ban đêm là chuyện không xảy ra ở đây. Tôi có lần bảo với mấy người bạn là mình mướn một cô giữ trẻ để có thể đi ra ngoài ăn tối cùng chồng, và họ bị sốc. Các quán ăn ở đây rất đắt tiền, và đàn ông thường đi làm về rất trễ – thậm chí cuối tuần cũng thế – do đó rất hiếm khi họ đi ra ngoài ăn. Có lẽ mỗi năm họ chỉ ra ngoài ăn một lần, vào dịp sinh nhật chẳng hạn. Đôi khi tôi có cảm giác một khi phụ nữ Nhật lập gia đình, cô ấy ngay lập tức trở thành người mẹ – chứ không phải thành một người vợ. Cô ấy và chồng sẽ có hai cuộc sống tách biệt. Cô ấy ăn sớm cùng với con, còn người chồng thường ăn muộn cùng với đồng nghiệp. Những cặp vợ chồng như thế dường như vẫn thân mật và hạnh phúc, nhưng đó lại là thế giới của người đàn ông bên trong cuộc sống hôn nhân. Đàn ông ở đây không phụ giúp chuyện nhà.

5. Nhà trẻ:

Có hai loại nhà trẻ ở Nhật: một dành cho trẻ có mẹ đi làm và một dành cho trẻ có mẹ ở nhà làm nội trợ. Trường dành cho trẻ có mẹ đi làm mở 6 ngày/tuần, từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, và bạn không thể gửi con vào đó trừ khi bạn chứng minh được mình có việc làm hoặc không thể chăm sóc cho con vì lý do nào đó. Trường dành cho “các bà mẹ đi làm” thật tuyệt vời. Nó được chính phủ hỗ trợ, do đó học phí chỉ có 150 dollar mỗi tháng (bao gồm cả bữa ăn trưa đủ chất do trường nấu). Lớp học chủ yếu diễn ra ở ngoài trời, để trẻ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động khác nhau như xây lâu đài cát, khám phá thiên nhiên, v.v.. Quan điểm ở đây là “học bằng cách chơi đùa”. Còn loại nhà trẻ kia chỉ nhận giữ trẻ đến trưa là nghỉ; chương trình học chỉ diễn ra trong lớp và nó mang tính học thuật, khuôn khổ hơn.

6. Trường mẫu giáo:

Motoki vừa hoàn tất việc học ở nhà trẻ và bắt đầu vào mẫu giáo. Đây là một số hình ảnh về buổi tốt nghiệp nhà trẻ và “lễ khai giảng” ở trường mẫu giáo của bé. Năm học mới bắt đầu vào tháng 3, và trẻ chuyển thẳng từ cấp học này sang cấp học khác, do vậy không có kì nghỉ hè.

nuôi trẻ kiểu Nhật

7. Đi bộ đến trường:

Toàn bộ trẻ em trong thị trấn cùng nhau đi bộ đến trường. Người lớn tình nguyện giúp các bé băng qua đường an toàn một cách vui vẻ cùng lời chào buổi sáng thật to. Nếu không, mọi người sẽ cho rằng bạn khiếm nhã. Các bậc cha mẹ thay phiên nhau trông chừng các bé đi bộ đến trường, nhằm đảm bảo các nhóc tì có chào nhau và được an toàn. Mọi vấn đề xảy ra trên “chuyến hành trình” của trẻ đều được cha mẹ ghi vào cuốn sổ chung, như: “Bọn trẻ cấp ba chạy xe đạp nhanh một cách nguy hiểm!” hoặc “Những bậc thang bị chông chênh và nên được sửa lại.” Sau đó tất cả sẽ được đem ra bàn tại cuộc họp phụ huynh.

8. Thức ăn

Trẻ em ở đây ăn rất nhiều cơm. Đồ ăn trưa chủ yếu là cơm nắm, đôi khi được cuộn bằng rong biển cùng với trứng tráng, xúc xích và súp lơ xanh. Thực phẩm ở đây không được dán nhãn như ở Mĩ nên bạn sẽ không biết chúng có thuộc loại hữu cơ hay không. Ông xã tôi nghĩ bởi vì thức ăn ở đây đều có chất lượng tốt, nhưng với tôi thì thật bất tiện khi không có thông tin.

9. Cộng đồng:

Cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng ở đây. Thị trấn có rất nhiều sự kiện, và tất cả mọi người đều tham gia, ví dụ như vệ sinh khu phố và ngôi chùa địa phường mỗi tháng. Bạn sẽ thấy mọi người luôn cúi đầu lịch sự hoặc nói chào nếu gặp nhau ngoài đường. Thật khác với một New York, mỗi người sống riêng lẻ và không biết hàng xóm của mình là ai. Chủ nhật, thay vì ở nhà, gia đình tôi cùng tham gia lễ hội cộng đồng. Điều này là quan trọng nếu bạn muốn con mình được cộng đồng chấp nhận.

giáo dục con kiểu Nhật

10. Sự kín đáo

Trong hầu hết các cửa hàng bách hóa đều có một phòng riêng dành cho các bà mẹ cho con bú. Phụ nữ Nhật rất kín đáo. Họ không chăm con nơi công cộng. Sẽ không có gì lạ nếu phụ nữ ở đây mặc đồ màu đen che phủ cánh tay và đôi chân, thậm chí cả mùa hè cũng vậy. Ở Brooklyn, phụ nữ đi trên đường mặc áo dây và không mặc áo ngực là điều hết sức bình thường. Còn ở đây, mọi người sẽ bị sốc nếu tôi mặc áo dây.

11. Nhịp sống:

Cuộc sống ở Brooklyn quá đắt đỏ, từ tiền, tiền thuê nhà cho đến hóa đơn y tế. Ở Nhật, tôi thấy có một thứ mà mình không thể dùng tiền mua được: cảm giác an toàn – không áp lực. Chi phí cho việc chăm sóc trẻ và trường học, dịch vụ y tế đều rẻ. Vợ chồng tôi đôi lúc hay đùa rằng cứ như mình đang sống trong khu nghỉ dưỡng cho người già vậy. Bạn chỉ việc tận hưởng thời gian của mình. Tôi mất khoảng một năm để quen với việc không nên suốt ngày lo lắng về một điều gì đó.

Tags:

Bài viết liên quan