Mẹ&Con - Không cầu kì, hoa mĩ, không tiếng nhạc vui tai như những chiếc đèn điện tử. Mùa Trung thu này, làng nghề làm lồng đèn giấy Phước Bình đang hồi sinh và dần khởi sắc để lưu giữ nét đẹp truyền thống... Trương Quỳnh Anh - Tim đưa con trai dạo phố lồng đèn Làm lồng đèn heo con ngộ nghĩnh cho bé chơi Trung Thu Bánh trung thu rau câu nhân bánh flan không ngán

Một thời vàng son

Xóm nhỏ Phước Bình, nằm sâu trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân, Quận 11, thành phố Hồ Chí minh. Làng nghề này đã có tiếng từ những năm 1990, khi những người dân Nam Định di cư vào Nam lập nghiệp. Lồng đèn Phước Bình còn có tên là lồng đèn Báo Đáp. Báo Đáp là tên làng, cũng như đó là mong muốn duy trì nghề của cha ông, nhằm báo đáp công ơn tổ tiên dày công gầy dựng của những người xa quê lập nghiệp.

Thời còn hưng thịnh, xóm lồng đèn giấy là nơi cung cấp lồng đèn truyền thống cho các đầu mối ở chợ Lớn, chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa… hay phố lồng đèn Lương Nhữ Học. Hơn thế nữa, xóm lồng đèn không chỉ bán trong nội thành mà còn xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…

Xóm lồng đèn giấy Phước Bình, nơi lưu giữ ký ức nhiều thế hệ 8

Lồng đèn hình con ngựa được bày bắn tại xóm nhỏ.

Những năm 90, tại xóm lồng đèn, nhà trên, xóm dưới đâu đâu cũng là những que tre, giấy kiếng, bao to chở lồng đèn tấp nập đi giao cho thương lái.

Điểm đặc biệt của đèn lồng Phước Bình là chuyên sử dụng cây lồ ô của vùng Bình Lâm, Bình Phước, vì chúng dẻo và có độ đàn hồi vừa phải, lại bảo quản được lâu. Những thân lồ ô rắn rỏi, cao 6 mét được tuyển chọn kỹ càng, chẻ ra, phơi nắng, ngâm nước. Giấy kiếng sử dụng chủ yếu là giấy kiếng đỏ. Vì giấy kiếng đỏ dễ vẽ màu và thắp nến lên rất nổi bật. Ngoài ra, giấy mờ còn sử dụng cho những khung hình lớn để dễ tô, vẽ. Hồ dán để dán lồng đèn là loại bột năng được nấu lên cho có độ sánh vừa phải. Màu mua về phải được pha thêm nước để không bị đặc và vón cục.

Công đoạn vẽ màu là công đoạn được các nghệ nhân làm lồng đèn đánh giá là công đoạn khó nhất khi làm. Khi vẩy màu, phải làm thật nhẹ, thật khéo, thật tỉ mỉ sao cho màu không bị lem. Chỉ những người kéo tay, làm quen, giàu kinh nghiệm mới vẩy màu đạt đến độ đậm nhạt như mong muốn.

Xóm lồng đèn giấy Phước Bình, nơi lưu giữ ký ức nhiều thế hệ 9

Công đoạn vẩy màu là công đoạn vô cùng khó khăn đồi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay và giàu kinh nghiệm để có độ đạm nhạt như mong muốn.

Từ những dáng đèn phổ biến được ưa chượng như đèn cá chép, cá vàng, con lân, chim, con gà, đèn ông sao, con bướm đến những dáng đèn cầu kỳ như thuyền buồm, thiên nga hay phượng hoàng… đều do nghệ nhân đã kì công chuẩn bị từ tháng 3 Âm lịch để kịp bán ngày Trung thu.

Cứ thế, đời truyền đời, người truyền người rồi lưu giữ cho đến ngày nay. Có người cha sinh mẹ đẻ, mở mắt ra 4, 5 tuổi đã bắt đầu học làm lồng đèn. Xóm lồng đèn Phước Bình dần trở thành nơi sản xuất lồng đèn lớn nhất của miền Nam, sản phẩm cung cấp cho cả khu vực Nam Bộ và miền Trung.

Thời hoàng kim rực rỡ là thế nhưng những năm gần đây, khi những chiếc lồng đèn chạy bằng pin, lồng đèn nhạc “ồ ạt” đổ vào thị trường Việt Nam, xóm lồng đèn Phước Bình mất dần thị trường vì chẳng thể cạnh tranh lại.

Không khí cả xóm lắng xuống. Giờ đây, hơn một trăm hộ dân của xóm Phú Bình chưa đầy 20 hộ còn gắn bó với nghề. Đã có thời kì, xóm nhỏ tưởng chừng như đóng cửa vì nghệ nhân phải chịu nhiều áp lực kinh tế mà bỏ nghề làm việc khác.

Nỗ lực hồi sinh

Thêm một mùa Trung thu nữa lại đến, một sức sống vô hình dường như đang lan tỏa trên con hẻm nhỏ làm lồng đèn. Đâu đó, lại xuất hiện hình ảnh mọi người chộn rộn, xúm xít làm lồng đèn để bán kịp ngày rước đèn. Thi thoảng, lại vang lên những tiếng vặn kẽm, tiếng khuấy bột, tiếng cắt dán giấy len lỏi giữa những thanh âm ồn ào từ khu chợ bên cạnh.

Ông Thành, một nghệ nhân làm lồng đèn lâu năm cho biết, dù ở thời điểm nào, bằng cái tâm làm nghề, những hộ dân ở đây luôn dõi theo nhu cầu của thị trường và thay đổi để hoàn thiện mình nhưng vẫn phải theo tôn chỉ là giữ được nét đẹp truyền thống của kiểu lồng đèn thân thuộc. Đèn Trung thu năm nay, ngoài những dáng đèn quen thuộc, còn có thêm đèn chữ Lộc, chữ Tài được đính thêm kim tuyến rất cầu kỳ hay các loại đèn mang chủ đề biển đảo, ngư dân, cảnh sát biển đang áp đảo trên thị trường và được các mối hàng ưa chuộng.

Xu hướng thị trường thay đổi, làm cho những nghệ nhân ở xóm lồng đèn giấy phải thức khuya nhiều hơn, dậy sớm nhiều hơn để tranh thủ chẻ thêm nan, uốn thêm khung cho kịp những con tàu Trường Sa ra khơi, đây được dự đoán là một sản phẩm “hot nhất” mùa Trung thu năm nay.

Xóm lồng đèn giấy Phước Bình, nơi lưu giữ ký ức nhiều thế hệ 10

Cả gia đình trong xóm nhỏ thức khuya, dậy sớm để kịp chuẩn bị lồng đèn bán mùa Trung thu.

Xóm lồng đèn giấy Phước Bình, nơi lưu giữ ký ức nhiều thế hệ 11

Đèn Trung thu hình con tàu Trường Sa được sản phẩm sẽ là sản phẩm “hot nhất” mùa này.

Về chi phí sản xuất, để làm ra một chiếc lồng đèn thủ công chi phí sẽ cao hơn chiếc lồng đèn xếp công nghiệp. Hay về kiểu dáng, mẫu mã, lồng đèn truyền thống cũng không thể “so bì” với lồng đèn Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng tất cả sự tận tụy, tỉ mỉ và lòng yêu nghề. Những người nghệ nhân xóm lồng đèn vẫn không bỏ cuộc, luôn cố gắng hoàn thiện mình để cho ra đời những sản phẩm vô cùng công phu đến tay người dùng. “Còn người mua lồng đèn giấy kiếng thì chúng tôi còn làm”. Chỉ câu nói đó thôi, mà biết bao thông điệp về tâm quyết giữ nghề, làm nghề cũng như nỗi lo đau đáu mong chính quyền có phương cách để bảo tồn làng nghề, dẫu sao đây cũng là nét văn hóa truyền thống được cha ông giữ gìn qua bao thế hệ của các nghệ nhân xóm lồng đèn Phước Bình.

Xóm lồng đèn giấy Phước Bình, nơi lưu giữ ký ức nhiều thế hệ 12

Nỗ lực giừ gìn làm nghề của những nghệ nhân nới xóm nhỏ.

Chúng tôi tin rằng, mọi sự nỗ lực rồi sẽ được đền đáp, năm nay, màu sắc đã mất từ nhiều mùa Trung thu trước bất chợt quay về báo hiệu cho làng nghề truyền thống một thời nổi tiếng nhất miền Nam đang có dấu hiệu hồi sinh. Hiện tại có thể chưa nói trước được điều gì, nhưng những gì đã và đang diễn ra ở xóm lồng đèn giấy này cho phép những người lạc quan tin rằng một làng nghề truyền thống mang đậm chất văn hóa dân gian từ đây sẽ được hồi sinh để thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Nhằm giúp trẻ em khắp nơi kéo dài tuổi thơ nhuộm màu sắc đỏ đèn lồng, bên cạnh mâm trà, thưởng bánh Trung thu và gửi ước mơ đến cung trăng cùng chú Cuội, chị Hằng…

Tags:

Bài viết liên quan